01/11/2009 04:24 GMT+7

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm

NHÓM PV, CTV MIỀN TRUNG
NHÓM PV, CTV MIỀN TRUNG

TT - 10 năm trước ở miền Trung đã xảy ra trận lũ lụt lịch sử, bắt đầu vào đêm 1-11-1999 và kéo dài suốt một tuần lễ. Cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước, ác liệt nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm

TT - 10 năm trước ở miền Trung đã xảy ra trận lũ lụt lịch sử, bắt đầu vào đêm 1-11-1999 và kéo dài suốt một tuần lễ. Cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước, ác liệt nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.

Người ta đã dùng từ “đại hồng thủy” để mô tả về sự tàn phá kinh hoàng của nó, cả 100 năm mới thấy một lần. 10 năm sau, chúng tôi trở lại những “vùng trắng” từng là rốn lũ. Những câu chuyện mất mát, đau thương được kể lại sau 10 năm.

Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy

ImageView.aspx?ThumbnailID=372080
Cả tỉnh Thừa Thiên - Huế ngập trong nước, nhiều nơi chỉ còn thấy những nóc nhà trong nước đỏ ngầu - Ảnh: Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế
ImageView.aspx?ThumbnailID=372014
Những cánh tay đói lả nhận thức ăn cứu trợ ở ngã ba Tuần (Thừa Thiên - Huế) sáng 5-11, khi chiếc canô đầu tiên của bộ đội biên phòng vượt lũ lên được đầu nguồn sông Hương. 10 năm trước, bức ảnh này đăng trên báo Tuổi Trẻ đã gây xúc động mạnh với bạn đọc - Ảnh: NGỰ HÀ

Sáng 1-11-1999, trời đầy mây và có mưa nhẹ. Đó là một trạng thái thời tiết rất bình thường của miền Trung vào mùa này. Đến chiều mưa to hơn và chập tối thì mưa sầm sập như trút nước. Mưa suốt đêm và đến mờ sáng 2-11 nước đã ngập khắp nơi.

Nóng bỏng ở sở chỉ huy

Trận lũ lụt lịch sử làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung, 595 người chết (Thừa Thiên - Huế: 352 người, Quảng Nam: 73 người), 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại hơn 3.773 tỉ đồng (thời điểm 1999).

Phiên họp khẩn cấp tại sở chỉ huy chống lũ của tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được cấp tốc thiết lập ở tầng hai tòa nhà bưu điện tỉnh. Ông Phan Thế Kháng, phó chủ tịch UBND TP Huế, nghẹn ngào không báo cáo tiếp được con số người chết ở phường Phú Hiệp, Phú Cát, vùng thấp trũng của Huế, đang ngập sâu dưới vài mét nước.

Ông Nguyễn Văn Mễ, chủ tịch UBND tỉnh, nhìn ông Kháng rồi nhìn mọi người như cũng muốn khóc. Các máy điện thoại liên tục réo vang. Tin xấu từ các nơi liên tục báo về: nước cao chưa từng thấy, có nơi ngập đến 6m, và nước lại đang lên vùn vụt mỗi giờ một mét...

Hai hàng quan tài gỗ thông vàng nhức nhối quàn trước bia Quốc Học. Tốp bộ đội đầu tiên tập kết trước đường băng Phú Bài, người chỉ huy gọi một trung đội bước lên phía trước và yêu cầu đi cưa xẻ gỗ, cấp tốc đóng quan tài để mai táng người dân chết lụt. Gương mặt những người lính nhòe nhoẹt nước mắt.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372108

Hàng quan tài gỗ thông vàng nhức nhối quàn trước bia Quốc Học (Huế). Ảnh chụp ngày 5-11-1999 - Ảnh: Nguyễn Công Thành

ImageView.aspx?ThumbnailID=372012
Đại Nội ngày 5-11-1999 - Ảnh: Nguyễn Công Thành
ImageView.aspx?ThumbnailID=372082
Nước lũ chảy xiết trên đường Hùng Vương, Huế - Ảnh: Nguyễn Đăng Hạnh
ImageView.aspx?ThumbnailID=372083
Nước lũ cuốn trôi toàn bộ nền đường sắt ở đoạn Cống Bạc, cửa ngõ phía Nam thành phố Huế - Ảnh: Đặng Văn Trân 

Tan hoang ở ngã ba Tuần

Cơn lụt lịch sử này là tổng hợp của đủ loại hình thiên tai xảy ra cùng một lúc (lũ ống, lũ quét ở miền núi, ngập lụt ở đồng bằng, triều cường, sóng lớn ở biển…) với tính chất và mức độ chưa từng có trong các tài liệu và số liệu khí tượng và thuỷ văn thế kỷ 20.

Tại Thừa Thiên - Huế, lượng mưa của hai ngày đêm đã 2300mm, gần bằng lượng mưa của cả năm cộng lại; nước đầu nguồn sông Hương mỗi giờ dâng lên 1 mét, nước hạ nguồn sông Hương lên đến 5,94m (vượt báo động III đến 2,94m), chưa từng có trong các số liệu thuỷ văn hơn trăm năm qua.

Nguyên nhân gây mưa quá lớn là do sự tổng hợp cùng lúc của nhiều hình thế thời tiết: không khí lạnh phía bắc tràn vào, gặp dãi thấp xích đạo đi qua miền Trung, trên cao vừa có đới gió đông hoạt động, cùng lúc là áp thấp nhiệt đới gần bờ. Đó là hình thế “lý tưởng” phải hằng trăm năm mới “hội tụ” một lần, khiến cho thiên tai diễn ra cùng lúc trên toàn miền Trung và kéo dài suốt một tuần.

Đó là ngã ba sông rất nổi tiếng ở Huế, nơi hợp lưu của dòng tả trạch chảy từ rừng núi Nam Đông về, và dòng hữu trạch từ thượng ngàn A Lưới đổ xuống.“Cả đời tui chưa từng thấy cơn lụt mô to như rứa” - bà cụ Trần Thị Bất, 81 tuổi, bán quán ngay mũi đất giữa ngã ba sông, bồi hồi nhớ lại trận lụt 10 năm trước. Đêm 1-11 mưa suốt đêm, sấm sét ầm ĩ trên bầu trời đen kịt. Khoảng nửa đêm thì cả hai dòng nước lũ (tả và hữu trạch) đã nhập thành một biển nước mênh mông.

Nằm ven sông phía hữu trạch là làng La Khê Bãi. Ông Nguyễn Ngọc Ánh - chủ tịch xã - cùng hơn 100 người dân ở đây đã thoát chết nhờ một chiếc thuyền của dân vạn đò. “Cả nhà tôi rút lên gác lửng, nhưng chỉ một tiếng sau thì nước đã lên gần chạm gác” - ông Ánh kể. Lúc đó trời mờ sáng, nhìn ra ngoài ông Ánh chỉ còn nhìn thấy vài mái nhà và vài ngọn cây, trên đó có những cánh tay huơ lên kêu cứu.

Một chiếc đò đi ngang, ông Ánh kêu lại yêu cầu phải chạy đến các mái nhà để cứu ngưới kẹt trên đó. Xóm giữa có hai vợ chồng và đứa con sơ sinh, ngôi nhà đã bị trôi, họ ngồi trên ngọn cây suốt đêm, người vợ sắp thả tay vì mệt lả thì may sao chiếc đò vừa tới.

Bên kia sông, làng Bằng Lãng chỉ còn thấy ngọn đồi và tượng Phật Bà Quan Âm. Cả làng đã kịp chạy lên trên ngọn đồi Phật Bà và tầng lầu của trường cấp II. Nhưng chỉ chạy được người, còn toàn bộ tài sản đều trôi sạch. Bốn ngày sau khi nước lũ bắt đầu rút, chiếc canô của bộ đội biên phòng mang theo mì gói lên, cả làng ùa xuống với những cánh tay đói lả. Một cụ già vừa nhận được gói mì đã xé toạc giấy gói nhai ngấu nghiến. Hình ảnh đó được VTV truyền đi khiến đồng bào cả nước đau thắt ruột.

Đà Nẵng ban bố tình trạng khẩn cấp

Sáng 1-11 tại Đà Nẵng, nước từ các ngả sông Vu Gia, thượng nguồn sông Yên cuồn cuộn đổ về sông Hàn. Hàng chục tàu cá của ngư dân neo đậu hai bên bờ sông Hàn bị nước cuốn ra biển. Tiếng kêu cứu của ngư dân, tiếng còi tàu hụ kêu cứu chìm dần trong tiếng nước ầm ầm chảy như thác. Mờ sáng, mọi ngả đường đổ về trung tâm thành phố đều bị nước phong tỏa. Tin dữ từ xã miền núi Hòa Phú (huyện Hòa Vang) lũ quét đổ về nửa đêm đã cuốn 16 người dân mất tích, hàng trăm nhà và dân trong đó bị trôi theo lũ.

Các xã nằm dọc sông Yên như Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Khương... cũng bị lũ quét nhấn chìm không liên lạc được. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ban bố lệnh khẩn cấp trên toàn thành phố. Toàn bộ trường học phải đóng cửa, cấm đi lại trong khu vực nguy hiểm, các đơn vị bộ đội, công an tập trung cho việc cứu người và kiên quyết không để dân chết.

Rốn lũ Ấp Bắc

Dù đã 10 năm trôi qua nhưng cứ mỗi lần nhắc đến trận lũ lịch sử năm 1999, chị Trần Thị Gái (đội 4, làng Ấp Bắc, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn không sao quên được. Chị vẫn còn nhớ như in khoảng 6 giờ chiều, thấy nước ngoài triền sông mỗi lúc mỗi dâng cao, hai vợ chồng bèn chia nhau cõng bố mẹ già chạy trước.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372079
Quang cảnh hoang tàn ở Ấp Bắc sau lũ lụt - Ảnh: Đăng Nam

Sau khi đưa bố mẹ vào sâu trong làng an toàn, vợ chồng chị Gái kiếm một chiếc ghe quay ngược trở lại nhà với hi vọng kịp lấy một ít áo quần và gạo ăn cho vài ngày tới. Nhưng khi về đến đầu ngõ thì ngôi nhà của chị chỉ còn lại những chiếc cột chỏng chơ, tất cả đều trôi theo lũ...

Lũ rút, hai vợ chồng lang thang dọc theo những bãi bồi với hi vọng tìm lại tài sản. Và họ đã tìm thấy chiếc giường cưới năm tháng trước của mình, tấp vô một gốc tre tận dưới xã Đại Minh, cách nhà họ đến 3km.

NHÓM PV, CTV MIỀN TRUNG

---------------------------------------------------

Sáng 2-11, một thông tin khiến cả tỉnh Thừa Thiên - Huế sững sờ: 57 học sinh Trường THCS Hương Thọ đang bị nước lũ nhốt trên mái lớp học. Một thầy giáo năm nào hồi ức về cuộc giải thoát nín thở.

Kỳ tới: Cuộc giải thoát 57 học sinh

=====================================================================

Ký ức của bạn đọc

* Tôi nhớ sáng 2-11-1999, khi nước dâng lên rất nhanh, anh tôi từ nhà bên cạnh đã lội nước về bồng má tôi chạy đi tìm nơi cao hơn. Nhà tôi nước lụt đã ngập ngang cổ, cho dù nhà tôi ở đường Mai Thúc Loan, nội thành Huế. Nước, nước và nước.

Sau khi nước rút rồi, để lại một bãi tan hoang nơi gia đình tôi. Dưới nền xi măng nhà tôi là một lớp bùn dày. Mất rất nhiều thứ, nhưng điều ba tôi quý nhất là tất cả sách vở đã ướt. Cả một tháng sau đó, nhà tôi mang từng cuốn sách, từng tờ báo ra phơi. Nhìn quanh, cả xóm đều như nhà tôi, cả thành phố Huế đều như nhà tôi.

Dấu vết trận lụt mức nước dâng cứ còn hằn mãi trên bức tường nhà tôi. Mãi sau này khi gia đình tôi cho quét vôi lại thì dấu vết đó mới thôi nguôi ngoai trong tâm trí.

TÔN NỮ UYỂN MINH (Huế)

* Trước trận lụt 3 ngày, tôi đi công tác Gia Lai. Lụt xảy ra, cả miền Trung chia cắt, tôi không về được, lòng như lửa đốt. Mãi vài ngày sau trận lụt, xe trên quốc lộ 1A mới thông. Xe chở chúng tôi về mà đi nhích từng tí một trong nước. Nước lai láng xung quanh, tất cả chỉ còn là một vùng trắng, dù lụt đã rút rồi.

VIỆT HƯNG (Đà Nẵng)

* Hồi đó, tôi còn học lớp 8, nước cứ lên vun vút, cả gia đình tôi và những hàng xóm bên cạnh trốn trên gác để tránh lũ, nước ngập vào làm chìm hơn nửa căn nhà. Cả ba ngày trời đói lả, có gạo nhưng cũng đã ướt hết cả, sình lên, ăn mà như hột gạo còn chưa nấu. Nhìn ra trước cổng nhà, heo, trâu, bò trôi qua trước mặt. Tôi và cả nhà tôi cứ muốn ra vớt vào làm ăn nhưng mà chỉ biết nhìn thôi (vì nước chảy xiết quá không dám bơi ra), đôi lúc lại thấy người chết trôi trôi qua trước mặt mình. Rồi tất cả những gì tôi thấy đó trôi ra biển Đông cả (Vì nhà tôi ở ven phá Tam Giang, Thừa Thiên - Huế).

Nhớ lại những cảnh ấy, tôi cũng cảm thấy sợ thật. Hy vọng quê tôi không còn hứng chịu thêm một trong lũ như thế nữa (Các bạn có biết trận lụt đó quê tôi chết bao nhiêu người không? 26 người cả thảy đó, có một số người không tìm thấy xác nữa kia).

LÊ VĂN THANH

* Theo tôi nhớ có đến 2 đợt lũ lịch sử ở miền Trung vào năm 1999, đợt đầu Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng chịu thiệt hại nhiều hơn cả, đợt thứ hai xảy ra ở Quảng Ngãi và Quảng Nam. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được xem cầu truyền hình trực tiếp từ vùng bão lũ do VTV thực hiện.

Ngày đó tôi chỉ học lớp 6, nhà ở nội thị thị xã Quảng Ngãi, được che chắn bởi đê bao sông Trà Khúc nên nước chỉ ngập đến bậc thứ tư gác lửng trong nhà. Lũ lên nhanh, rút nhanh, trong vòng vài ngày đã tràn vào nhà rồi rút ra ba lần. Nhiều bạn bè của tôi sống ở vùng ven thị xã, nơi nước ngập lên tận mái, bị cuốn trôi cả sách vở, quần áo.

Đỉnh lũ năm 1999 được thiết lập trên sông Trà Khúc, sông Vệ đến nay vẫn chưa được phá vỡ, chỉ có đỉnh lũ sông Trà Bồng trong trận bão Ketsana vừa qua là trên đỉnh lũ lịch sử 1999.

M.H. (Đà Nẵng)

* Tôi nhớ mãi ngày tháng khủng khiếp đó, năm đó tôi mới bước chân vào giảng đường Đại học Huế, tôi và bạn tôi (bây giờ là phóng viên báo Công an Nhân dân), cùng ở trong khu nhà trọ ở Cống Bạc 1. Nước lên nhanh khủng khiếp, chỉ ăn chưa xong bát cơm nước đã dâng từ mắt cá chân đến hơn một mét. Lúc đó hai chúng tôi chỉ kịp vơ vài bộ đồ và nhảy lên trần nhà. Tại đó, may mắn chúng tôi còn lại 5 gói mì tôm mà phải cầm cự tại chỗ đến 3 ngày. Tới ngày thứ tư thì tất cả đều kiệt sức vì đói và lạnh. Phía sau nhà chúng tôi còn đau lòng hơn, hai mẹ con gia đình hàng xóm không thoát ra ngoài được nên bị lũ nhấn chìm trong mái nhà tôn. Mãi đến khi lũ rút đi mới đưa thi thể ra được.

Nước ngập khủng khiếp đến mức những vùng cao như bến xe phía Nam khu vực Ngự Bình cũng không thoát khỏi. Tôi nhận ra đoạn đường sắt bị nước cuốn mất đường trong bức ảnh của Đặng Văn Trân, dãy nhà chúng tôi cách đoạn đường tàu đó chưa tới 50m nên tôi chứng kiến được sức mạnh khủng khiếp của nó, trâu bò trôi la liệt trên dòng nước đục ngầu, gỗ lao đi vun vút....

Sau khi lũ rút đi, tôi đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng, xác người và quan tài nằm la liệt tại nhà thờ Dòng chúa cứu thế và Quốc học Huế. Đó là nỗi đau không nguôi. Cả nhà tôi rất lo lắng, điện thoại bị cắt, mất điện trong nhiều ngày, cả vùng mênh mông nước là nước, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cô lập. Mãi sau khi lũ rút gần 5 ngày tôi mới có thể liên lạc với gia đình, tôi may mắn hơn 595 người của trận lũ lịch sử ấy. Sau trận lũ, sinh viên chúng tôi phải mất thêm nhiều ngày nữa để giải quyết lớp bùn dày đến 30cm. Đó quả thực là những ngày tháng không quên.

NGUYỄN THANH ĐỊNH (Trường THCS Quảng Lưu, Quảng Trạch, Quảng Bình)

* Năm đó, tôi về quê ngoại ở Hải Lăng, Quảng Trị để phụ giúp dì tôi chăm sóc bà ngoại tôi và mẹ chồng của dì. Từ chiều nước lên ngập đồng, rồi ngập đường, rồi ngập dần vào sân rồi vào nhà mà ai cũng chủ quan, bưng bê đồ đạc lên cao rồi nấu cơm trên bàn đứng trong nước lụt ăn. Chưa xong bữa cơm thì nước lên nhanh tới ngang lưng, cả nhà chỉ còn kịp cõng 2 bà ra sau chùa trên rú, dượng tôi cõng một bà lội ra đường thì nước lên quá lưng người. Còn một bà đi sau thì nước lên ngang ngực không lội kịp đành chèo ghe, cậu hàng xóm chèo ghe, còn tôi vịn bà kẻo ngả, bà già rồi lẩm cẩm vùng vẫy: "Bây đưa tau đi mô, tau không đi" làm ghe suýt lệch, tôi xanh cả mặt, may mà không có bão.

Trên đường đi, tôi thoáng thấy vài cánh tay vẫy ra từ những nóc nhà, đây đó sau ngọn tre có vài chiếc ghe chèo vội, tiếng kêu cứu thất thanh trong mưa, trời đã tối. Tôi và 2 bà ở trên chùa với 7 gia đình, ai cũng hú hồn kể chuyện thoát lụt. Mưa tầm tã, nước vẫn dâng cao lên đến thềm chùa, ai cũng tái mặt. Chỗ này cao nhất mà nước ngập thì chết hết. May sao mưa tạnh, nước ngừng dâng rồi rút dần.

Vài ngày sau ai về nhà nấy, bùn ngập đầu gối, xác động vật chết đầy đường, chân bước đi mà sợ giẫm phải xác con gì. Về nhà, cửa nẻo đồ đạc trôi hết, gần một tuần ăn uống vài hột cầm hơi, ai cũng gầy đi thấy rõ. Cả tuần sau, trong xóm í ới gọi nhau đi nhận đồ cứu trợ, nào là gạo, mì tôm, quần áo cũ thật vui. Quần áo cũ được xổ ra giữa sân, ai mặc vừa cái nào là lấy cái đó.

Đã 10 năm rồi mà như mới hôm qua.

HOÀI THẢO

* Tôi còn nhớ dạo đó, đúng vào lúc nước lụt đang lên thì cũng là lúc đội bóng đá Thừa Thiên - Huế đang có trận du đấu ở Hải Phòng hay một nơi nào đó ngoài Bắc. Tôi vừa cùng ba tôi khuân vác, kê cao dần các bao tải đựng lúa vừa nghe tường thuật trận đấu qua radio. Nước lên nhanh quá, mạ và các chị, các cháu nhỏ phải thuê ghe chuyển đến nhà hàng xóm có lầu để tránh. Nhà còn lại 2 ba con, cố gắng bảo vệ đống lúa là tài sản lớn nhất của gia đình. Nhưng kê lên một nấc, nước lại dâng lên một nấc... Cuối cùng khi không còn vật gì để kê nữa, hai ba con đành ứa nước mắt nhìn đống lúa ngập dần trong nước.

Mấy tấm ngói đã dỡ ra để hai cha con có thể thò đầu ra khỏi nhà. Trong biển nước mênh mông lúc đó, mới thấy con người bé nhỏ biết bao. Trong ba ngày liền, sự liên hệ với thế giới bên ngoài chỉ còn qua cái radio, mà nó cũng chỉ hoat động được đến nửa ngày thứ hai thì cũng tắt vì hết pin.

DO NHAT

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến dưới đây. Chân thành cám ơn.

NHÓM PV, CTV MIỀN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên