Nghiên cứu của Trường hoàng gia London, ĐH Havard và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đăng trên tạp chí y học The Lancet cho biết hiện tại có hơn 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh béo phì, tăng gấp đôi so với năm 1980. Đại dịch béo phì đang lây lan từ các nước giàu sang các nước nghèo.
Phóng to |
Thức ăn nhanh là một trong những thủ phạm gây bệnh béo phì - Ảnh: Getty Images |
“Thế giới ngày càng trở nên thừa cân và béo phì hơn”, chuyên gia Ezzati cảnh báo. Nghiên cứu cho thấy có tới 9,8% đàn ông và 13,8% phụ nữ toàn cầu bị béo phì. Tình trạng béo phì dẫn đến nhiều căn bệnh như bệnh tim, tiểu đường, ung thư, tăng huyết áp… Các bệnh liên quan đến béo phì chiếm 10% tổng chi phí y tế Mỹ, tương đương với 147 tỷ USD/năm. Ở châu Âu, hơn 50% người lớn bị thừa cân hoặc béo phì.
Các nghiên cứu cho thấy tình trạng cholesterol cao giảm ở Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và châu Âu, nhưng lại tăng mạnh ở Đông và Đông Nam Á cũng như khu vực Thái Bình Dương. Tỷ lệ huyết áp cao đạt mức cao nhất ở các nước Baltic, Đông và Tây Phi. “Thừa cân và béo phì, huyết áp cao và lượng cholesterol cao không còn là vấn đề chỉ của phương Tây hay các nước giàu”, hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia Majid Ezzati của Trường hoàng gia London.
Theo nghiên cứu, dù các nước giàu đạt nhiều tiến bộ trong nỗ lực cắt giảm tỷ lệ cholesterol cao và huyết áp cao, nhưng tổng số người mắc bệnh huyết áp cao vẫn tăng từ 600 triệu vào năm 1980 lên 1 tỷ vào năm 2008. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng béo phì toàn cầu đe dọa tạo ra một "cơn sóng thần” bệnh tim mạch khắp thế giới.
Nghiên cứu cho biết chỉ có nỗ lực toàn cầu nhằm giảm mỡ thừa, tiêu thụ muối ở người dân và tăng cường tập thể dục mới có thể ngăn chặn được "cơn sóng thần" bệnh tim mạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận