Đại diện UBND xã Vinh Kim, cho biết xã Vinh Kim có lợi thế nằm ở giữa hai con sông lớn Cổ Chiên và Cung Hầu, với điều kiện tự nhiên 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước lợ, rất thích hợp cho loài tôm bạc đất sinh sản và phát triển ở đồng ruộng.
Trước đây, xã Vinh Kim có hơn 3.000 hộ dân đầu tư lắp đặt cống bọng, đắp bờ bao chung quanh diện tích đất trồng lúa kết hợp nuôi nhử tôm bạc đất tự nhiên. Bằng các phương tiện, dụng cụ khai thác thô sơ, thủ công như đóng đáy, đặt nò, người dân nơi đây khai thác khoảng từ 10 - 30 tấn tôm/ngày tùy theo mùa vụ và con nước.
Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, sức hấp dẫn từ lợi nhuận nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng quá lớn, nhiều hộ đầu tư đào ao chuyển sang nuôi tôm biển theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Hoạt động này phá vỡ quy hoạch, môi trường sống của loài tôm bạc đất trong tự nhiên, khiến nguồn tôm sống trong tự nhiên ở đồng ruộng Vinh Kim ngày càng cạn kiệt.
Tôm khô Vinh Kim được chế biến từ con tôm bạc đất, nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô vùng khác, nổi bật nhất là có màu đỏ hồng, thịt chắc có vị ngọt đậm. Hơn nữa, tôm khô vùng biển dù phơi sấy khô đến mấy khi gặp khí hậu ẩm vẫn có thể bị ngấm nước, nhưng tôm khô Vinh Kim vẫn khô ráo, không đổi màu, không mất mùi trong mọi thời tiết.
Để có 1kg tôm khô thành phẩm, cần khoảng 8 - 9kg tôm nguyên liệu, khi chế biến phải trải qua nhiều công đoạn như phân loại, luộc, phơi sấy, tách vỏ. Tôm khô Vinh Kim loại 1 hiện có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Để phát triển tôm bạc đất bền vững, các ngành, các cấp ở địa phương cần sớm vào cuộc bảo vệ môi trường, quy hoạch mở rộng vùng nuôi nhử tôm bạc đất ổn định. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì thương hiệu đặc sản tôm khô Vinh Kim sẽ bị “xoá sổ”.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận