23/01/2019 16:11 GMT+7

Đã nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ vệ tinh MicroDragon

T. HÀ
T. HÀ

TTO - Đã có những dữ liệu hình ảnh đầu tiên, do vệ tinh MicroDragon chụp từ quỹ đạo gửi về qua trạm mặt đất tại Nhật Bản vào lúc 7h42 phút ngày 23-1 giờ Việt Nam.

Đã nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ vệ tinh MicroDragon - Ảnh 1.

Vị trí vệ tinh MicroDragon khi thực hiện chụp ảnh thử nghiệm lần đầu tiên ở độ cao khoảng 512km trên bầu trời nước Mỹ - Ảnh: XUÂN HUY

Theo thông tin từ các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang làm việc tại trạm mặt đất của Nhật Bản đặt tại Trường ĐH Tokyo, trạm đã nhận được dữ liệu những hình ảnh do MicroDragon chụp thử nghiệm, đánh dấu bước đầu đi vào hoạt động thành công trên quỹ đạo theo đúng thiết kế của vệ tinh này.

Theo đó, vào lúc khoảng 0h11 ngày 22-1 (giờ Việt Nam), vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã lần đầu tiên chụp ảnh thử nghiệm khu vực nước Mỹ bằng máy ảnh trung tâm của hệ máy ảnh phân cực TPI (Triple Polarization Imager) ở các dải phổ và điều kiện chụp khác nhau để thực hiện quá trình hiệu chỉnh.

Hệ máy ảnh TPI của vệ tinh MicroDragon có nhiệm vụ quan sát, phát hiện độ bao phủ mây, đặc tính của sol khí, cải thiện hiệu chỉnh khí quyển…


Đã nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ vệ tinh MicroDragon - Ảnh 2.

Những bức ảnh thử nghiệm chưa qua xử lý đầu tiên của hệ máy ảnh TPI, được vệ tinh MicroDragon chụp 4 ngày sau phóng tại khu vực nước Mỹ - Ảnh: XUÂN HUY

Sau đó, vào 6h30 ngày 23-1 (giờ Việt Nam), vệ tinh đã lần thứ hai thử nghiệm chụp ảnh tại khu vực nước Úc ở độ cao khoảng 512km. Các máy ảnh được hiệu chỉnh lần này là hai máy ảnh của hệ máy ảnh quang học đa phổ - Spaceborne Multispectral Imager (SMI). 

Đây là thiết bị thực thi nhiệm vụ chính của vệ tinh dùng để chụp ảnh quan sát màu nước biển hỗ trợ các nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Toàn bộ dữ liệu được gửi qua trạm mặt đất tại Nhật Bản vào lúc 0h42 UTC ngày 23-1, tức 7h42 ngày 23-1 giờ Việt Nam. Sau khi giải mã, dữ liệu thu được là các ảnh đơn sắc tại các băng phổ khác nhau cho thấy bước đầu việc chụp ảnh đã thành công, tuy nhiên các máy ảnh và trạm mặt đất còn cần thêm những hiệu chỉnh cần thiết để loại bỏ nhiễu, nâng cao chất lượng ảnh,…

Đã nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ vệ tinh MicroDragon - Ảnh 3.

Những bức ảnh thử nghiệm chưa qua xử lý đầu tiên của hệ máy ảnh SMI được vệ tinh MicroDragon chụp 5 ngày sau phóng tại khu vực nước Úc - Ảnh: XUÂN HUY


Theo kế hoạch, lần lượt các máy ảnh còn lại cũng như toàn bộ hệ thống vệ tinh sẽ được hiệu chỉnh để tìm ra bộ tham số tối ưu khi vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo. Toàn bộ công việc này do các cán bộ tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp cùng các cán bộ của trung tâm đang công tác tại Đại học Tokyo, Nhật Bản thực hiện trong 3 tháng tới.

Đã nhận được những hình ảnh đầu tiên gửi về từ vệ tinh MicroDragon - Ảnh 4.

Vệ tinh MicroDragon được trang bị tất cả 5 máy ảnh thử nghiệm công nghệ với các mục đích sử dụng khác nhau

Vệ tinh MicroDragon (50kg) là một sản phẩm nằm trong hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản của dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất" (viết tắt là dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam). 

Từ năm 2013 đến 2018, đã có 36 cán bộ trẻ của Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được đào tạo theo chương trình thạc sĩ công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Trong quá trình học tập thực hành, 36 cán bộ này được chia thành các nhóm nhiệm vụ khác nhau để thiết kế, chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và vận hành vệ tinh MicroDragon theo mô hình đào tạo trên thực tế dưới sự hướng dẫn của các giáo sư tại 5 trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản.

Vệ tinh MicroDragon đã được tên lửa Epsilon 4 của Nhật Bản phóng thành công lên quỹ đạo vào sáng ngày 18-1. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, MicroDragon đã bay vào quỹ đạo và bước đầu hoạt động theo đúng thiết kế.

T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên