Phóng to |
Theo thiết kế, trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sẽ cao 34 tầng với hai tầng hầm, có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 62.000m2. Trong tòa cao ốc hiện đại này, ngoài các phòng làm việc còn có phòng họp lớn có diện tích khoảng 1.600m2 (khoảng 1.200 chỗ ngồi), phòng khánh tiết, các phòng họp nhỏ, căngtin có sức chứa 1.000 chỗ, tầng trên cùng có khối nhà hàng xoay phục vụ du khách tham quan thành phố. Hình thức kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn riêng trong không gian đô thị bờ tây sông Hàn.
Theo thiết kế, đây là công sở hành chính nhà nước tập trung đầu tiên trên cả nước được xây dựng với qui mô hoành tráng vào bậc nhất hiện nay. Với công trình này, Đà Nẵng đang tập trung vào cơ chế “một cửa” hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Theo qui hoạch đã được phê duyệt, trung tâm hành chính mới sẽ được xây dựng trên tổng diện tích gần 3ha, tại khu số 24 Trần Phú (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Mới đây, đơn vị tư vấn Công ty Kỹ thuật kiến trúc Mooyoung (Hàn Quốc) đã báo cáo với lãnh đạo TP Đà Nẵng thông qua phương án kiến trúc lần cuối, để chính thức bắt tay vào giai đoạn thiết kế hoàn chỉnh. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD, dự kiến khởi công vào tháng 11-2007 và đưa vào sử dụng cuối năm 2010 với thời gian thi công trong 36 tháng.
Ông Nguyễn Công Tài - phó trưởng ban chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng của TP Đà Nẵng - cho biết: khi trình phương án khởi công xây dựng tòa hành chính trung tâm này, TP Đà Nẵng đã nhận được sự ủng hộ từ phía Nhà nước và Chính phủ theo QĐ 229/TTg của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu qui hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Và cũng theo ông Tài, với dự án này, TP không phải trình Thủ tướng phê duyệt vì theo qui định mới, những dự án xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố bằng nguồn vốn đầu tư của địa phương không nằm trong danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ý kiến của KTS Vũ Quang Hùng - phó giám đốc Viện Qui hoạch TP Đà Nẵng, đây là một công trình xây dựng tòa hành chính công lớn nhất hiện nay mà viện được phân công cùng với Công ty Kỹ thuật kiến trúc Mooyoung (Hàn Quốc) là đồng thiết kế với yêu cầu rất nghiêm ngặt về các chỉ tiêu xây dựng. Và điều mà KTS Hùng quan tâm nhất là công trình có nguồn vốn đầu tư quá lớn (tương đương hơn 800 tỉ đồng), liệu TP có đủ kinh phí để đầu tư xây dựng trong thời gian 36 tháng hay sẽ kéo dài?
Chung quanh việc xây dựng tòa trung tâm hành chính này đang có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Các vị đại biểu HĐND TP Đà Nẵng thì đồng ý, bởi lẽ chủ trương này đã đưa vào nghị quyết. Và theo họ, tập trung các cơ quan về một đầu mối thì thuận lợi nhiều bề. Trong đó có việc đỡ phải đi lại nhiều khi cần giao dịch với các sở, ban, ngành. Không cần phải xê dịch nhiều khi trong một ngày mà có quá nhiều giấy mời họp, bởi lẽ các cơ quan ở cùng một nhà, chỉ cần bấm thang máy là đến được nơi cần đến.
Còn theo một số giám đốc sở, việc tập trung về một tòa nhà trung tâm sẽ gây bất lợi cho công việc đặc thù của từng ngành, đặc biệt là với một số ngành có tiếp xúc với dân và có liên quan đến thủ tục giấy tờ nhiều. Theo các vị này, Đà Nẵng nên xây dựng một khu hành chính tập trung hơn là xây một tòa nhà chung. Và theo họ, có cần thiết không khi theo thiết kế của cao ốc 34 tầng, phòng của chủ tịch UBND TP sẽ được gắn hệ thống camera để theo dõi và điều hành mọi hoạt động của toàn bộ các cơ quan, ban, ngành có mặt trong tòa nhà.
Với giới kiến trúc sư, đang có khá nhiều ý kiến cả đồng tình lẫn phản đối. Đa số kiến trúc sư trẻ (tuổi đời 30) đang công tác tại các cơ quan nhà nước tỏ ra rất hào hứng và cho rằng đây sẽ là một công trình mang dấu ấn của một Đà Nẵng trẻ trung, năng động. Theo họ, nếu xây dựng một tòa nhà trung tâm như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức đi lại cho người dân khi cần đến với cơ quan công quyền, và sự điều hành của TP sẽ tập trung hơn, hiệu quả hơn.
Còn các kiến trúc sư hành nghề tư nhân thì dè dặt. Họ cho rằng nếu tính hiệu quả thì một khu hành chính tập trung sẽ tốt hơn là một tòa hành chính cao ngất ngưởng đến 34 tầng. Hơn nữa, với một lượng người tập trung đông hằng ngày, liệu các sở, ban, ngành có đáp ứng được việc giải quyết toàn bộ thủ tục giấy tờ cho họ trong một buổi như mong muốn hay người dân vẫn phải đi lại nhiều lần? Hệ thống thang máy có đảm bảo cho toàn bộ 1.000 công chức và hàng trăm người dân cần giao dịch, đi lại trong tòa nhà? Nếu lỡ mất điện đột ngột, xảy ra hỏa hoạn hay có sự cố gì ngoài mong muốn thì sẽ xử lý ra sao?
Với nhiều người dân được hỏi, họ tỏ ra không mặn mà. Một bác cán bộ hưu trí than: “Xây một tòa nhà to như vậy, liệu dân đen tụi tôi đi xe đạp lầm bụi có dám bấm thang máy đến tìm cán bộ hay không?”.
Những ý kiến khác nhau về tòa hành chính công lớn nhất của TP Đà Nẵng vẫn tiếp tục được ghi nhận nhưng dự án đã được quyết làm. Hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ xem, nhưng cái được lớn nhất là TP Đà Nẵng sẽ tiết kiệm được nhiều diện tích trụ sở công.
Bước đột phá về cải cách hành chính Trao đổi với TTCT, ông Trần Văn Minh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nói: - Khi đưa tòa nhà này vào hoạt động có nhiều điều thuận lợi: sẽ giải quyết được phần cơ sở vật chất của TP Đà Nẵng. Các sở, ban, ngành dồn hết về đây thì Đà Nẵng có thể khai thác các công sở hiện có phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ; đồng thời tạo cho diện mạo kiến trúc của mình có cảnh quan của một đô thị loại 1. Với trung tâm hành chính mới này, các sở, ban, ngành sẽ không còn ở phân tán mỗi đơn vị một khoảnh như hiện nay mà tập trung vào một chỗ. Đây là điều kiện tốt nhất cho công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính. Những bộ phận có liên quan đến nhân dân, các doanh nghiệp thì sẽ sắp xếp lại gần nhau để họ dễ tiếp cận. Ví dụ: công việc có liên quan đến Sở Xây dựng (cấp giấy phép xây dựng) sẽ liên quan đến Sở TN-MT. Nếu xếp hai sở này ở gần nhau thì việc trao đổi công việc sẽ rất nhanh. Người dân chỉ đến bộ phận “một cửa” ở ngay đó, bộ phận này có trách nhiệm phải xử lý những vấn đề có liên quan. Người dân chỉ cần đi qua đi lại trong tòa nhà đó là có thể giải quyết được những thủ tục cần thiết. * Với sự phát triển của công nghệ thông tin thì ngồi ở đâu cũng có thể điều hành tốt công việc. Vậy có cần thiết phải tập trung về một đầu mối như vậy không, thưa ông? - Tất nhiên, với việc ứng dụng công nghệ thông tin thì dù có ở xa thì công việc vẫn giải quyết nhanh, nhưng theo tôi, nếu ở gần nhau thì việc trao đổi qua thông tin, phương tiện máy móc, giữa người và người với nhau sẽ nhanh sáng tỏ vấn đề hơn và công việc chạy nhanh hơn. Tôi nghĩ điểm này sẽ giải quyết cho khâu cải cách thủ tục hành chính nhanh, gọn, không lặp lại. Tòa nhà này sẽ thuận lợi trong khâu hội họp các sở, ban, ngành do UBND TP tổ chức, tiết kiệm được thời gian đi lại từ sở này qua sở kia như hiện nay. * Có nhiều ý kiến cho rằng nên qui hoạch và xây dựng một khu hành chính tập trung chứ không cần thiết phải có một tòa cao ốc 50 triệu USD như thế. Ông nghĩ sao? - Theo tôi, cái được lớn nhất là sẽ tiết kiệm chỗ làm việc. Mỗi anh một giang sơn thì anh nào cũng muốn xây nhà cao cửa rộng, tự do, thoải mái. Nhưng khi đưa vào tập trung tại tòa nhà này sẽ bố trí công việc một cách hợp lý, anh nào cũng như anh nào và sẽ không có chuyện so bì sao cơ quan tôi thì bé mà cơ quan kia lại to. Đó là tài sản của Nhà nước nên anh chỉ có quyền sử dụng theo đúng chức năng, nhiệm vụ công việc mà anh được giao thôi. Với trung tâm hành chính này, người nào làm việc nhà nước thì phải đi theo một khuôn khổ qui định, theo nề nếp và lâu ngày sẽ phải quen thôi. Với việc tập trung này, các giám đốc sở sẽ không còn phải lo về trật tự, bảo vệ cho cơ quan mình, không phải lo quản lý xe cộ. Chúng tôi sẽ tạo dần thói quen sử dụng các thiết bị chung trong một khu chung cư. Khi trao đổi với đơn vị thiết kế, chúng tôi đã đưa ra yêu cầu rất cao nếu có những sự cố xảy ra trong việc thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy. Các chuyên gia nước ngoài sẽ đảm trách việc xây dựng, quản lý và điều hành máy móc, thiết bị trong trung tâm hành chính này. Nếu làm một khu trung tâm hành chính quây quần lại với nhau như nhiều ý kiến đã nêu cũng có cái hay riêng của nó, nhưng để làm được việc này đòi hỏi phải có một khu đất rất rộng, kinh phí đầu tư lớn, bởi không chỉ xây dựng tòa nhà mà phải đi kèm với cảnh quan chung quanh. * Ông có nghĩ là Đà Nẵng chơi trội không khi quyết định xây dựng một trung tâm hành chính quá hoành tráng như vậy, trong khi kinh tế Đà Nẵng vẫn còn chậm phát triển, người dân còn nghèo? - Tôi không dám nói là Đà Nẵng chơi trội, nhưng tôi thấy nó phù hợp với xu thế phát triển của đô thị, thích hợp với xu thế cải cách hành chính tập trung về một đầu mối để quản lý tốt hơn. Trên thế giới hiện nay, nhiều nơi cũng đã làm như vậy. Tại ở VN mình chưa có địa phương nào làm nên cứ nghĩ là Đà Nẵng chơi trội thôi. Trong phát triển đô thị, dần dần cũng phải hình thành những chung cư các loại. Có làm vậy thì mới tiết kiệm đất để dành cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh phí để xây dựng tòa hành chính này sẽ lấy từ nguồn thu bán tất cả các công sở hiện có. Ai mua trước các công sở sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. * Với một tòa hành chính đồ sộ như vậy, những người dân nghèo Đà Nẵng có dám đến với cơ quan công quyền không, thưa ông? - Tôi tin rằng trung tâm hành chính hiện đại này sẽ góp phần tạo cho Đà Nẵng một bước đột phá về cải cách hành chính. Đa số người dân đều ủng hộ chuyện này thông qua các buổi họp, tiếp xúc cử tri. Chỉ lo là chỗ mấy giám đốc sở quen ở thoải mái rồi, không muốn tập trung về một mối sẽ bị quản lý về xe cộ, thời gian, công việc cũng như tài sản chung. Tuy nhiên, theo tôi, khi đã đi dần vào nề nếp thì mọi người sẽ thấy việc sử dụng tài sản chung của Nhà nước sẽ phục vụ tốt hơn cho công việc chung. Với nhân dân, tôi thấy đây là điều kiện tốt nhất để họ tiếp xúc với các cơ quan công quyền. Vấn đề quan trọng ở chỗ là phải bố trí một nơi cho thật phù hợp, thuận lợi, một đầu mối tiếp dân để họ không phải đi gõ cửa hết sở này đến sở khác. Nơi tiếp dân này phải rất gần gũi để không tạo sự cách biệt giữa cán bộ và dân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận