Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM cho biết nhiều trường hợp tại các quận 4, 8, Bình Thạnh (TP.HCM) đã được giải quyết cho vay và thanh niên thuộc diện này bước đầu có điều kiện làm ăn.
Cũng theo vị đại diện này, đây là việc khá nhạy cảm nên không phải đơn vị nào cũng làm được. Nhưng với những trường hợp đã được giải quyết, với mức vay tối đa 20 triệu đồng/hộ đã phần nào giúp họ cùng gia đình yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, một trong những thông tin buồn chính là đã có trường hợp sau khi “bị phát hiện” là người nhiễm HIV, chuyện kiếm sống cũng kết thúc luôn vì những người xung quanh không còn giao dịch làm ăn với họ nữa!
Điển hình là trường hợp mở quán ăn nhỏ tại Q.Bình Thạnh, sau khi mọi người xung quanh biết chủ quán nhiễm HIV thì chẳng ai còn đến ủng hộ ăn uống nữa vì sợ... lây bệnh. Kết quả không chỉ quán đóng cửa mà chủ quán còn phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Vì sao lại có chuyện đó?
Một trong những điều kiện để được vay vốn là trong hồ sơ phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường. Chưa kể để có thể được vay theo hình thức tín chấp, người xin vay còn phải tham gia làm thành viên của tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương. Và không biết ở khâu nào trong những điều kiện bắt buộc vừa nêu, thông tin về tình trạng bệnh của người vay đã “vô tình” bị lọt ra ngoài!
Xét ở góc độ bí mật đời tư, tình trạng bệnh phải được xem là quyền riêng tư và được bảo vệ một cách hợp pháp. Nên việc để “lộ” thông tin này ra ngoài làm ảnh hưởng (mà ở đây có thể nói làm xáo trộn, thậm chí là đảo lộn) đến cuộc sống, tức là quyền được bảo vệ này đã bị vi phạm.
Trong khi với một tổ tiết kiệm và vay vốn không quá đông người, chuyện nắm rõ và quản lý thông tin của những trường hợp đặc biệt này là điều không quá khó.
Do vậy, nếu thực lòng giúp và không quá máy móc hành chính, những người có trách nhiệm hoàn toàn có cách để quản lý cũng như bảo mật thông tin và có biện pháp thu hồi vốn mà không đến mức cần xác nhận “tình trạng bệnh” như thế.
Còn nhớ khi bắt đầu triển khai chính sách cho vay với nhóm này, đã có không ít lời than khó của một số cán bộ Đoàn, Hội phụ trách việc vay vốn của quận, huyện.
Tuy nhiên, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn khi ấy đã lưu ý: có khó mới cần phải giúp, mới cần sự lăn xả, có giúp được mới có thể tự tin khẳng định Đoàn, Hội là người bạn của thanh niên chứ nếu không đấy cũng chỉ là một câu khẩu hiệu.
Một chính sách nhân văn đi vào cuộc sống nếu chỉ đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định về mặt hành chính thôi e chưa đủ. Bởi ở đó còn là sự tương trợ, là vòng tay tương thân tương ái giữa người với người. Chưa kể ai để lọt thông tin cá nhân (ở đây được xem như trường hợp nhạy cảm) ra ngoài ở khía cạnh nào đó là đã vi phạm pháp luật.
Suy cho cùng chính sách hay bất cứ quy định nào cũng bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống và do con người tạo ra. Nên dù là bệnh nhân HIV, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như bao cá nhân khác trong xã hội nếu không muốn nói họ cần được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn. Một chính sách mang tính nhân văn có thực hiện được hay không cũng do cách làm. Đã hay thì hay cho trót!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận