26/03/2006 13:25 GMT+7

Đá cầu kiểng ở Sài Gòn

TRUNG DÂN
TRUNG DÂN

TTCN - Đá cầu kiểng (còn có tên gọi khác là cầu nghệ thuật) có nguồn gốc từ Campuchia. Trước năm 1975, môn thể thao này theo chân những người Việt gốc có thời gian làm ăn sinh sống tại Campuchia du nhập vào VN. Bạn đã một lần đi xem đá cầu kiểng? Không thể không trầm trồ và bị lôi cuốn bởi sự điệu nghệ của người chơi.

J5QViDH9.jpgPhóng to
Một động tác của “chiêu” Apsara được người xem tán thưởng.
TTCN - Đá cầu kiểng (còn có tên gọi khác là cầu nghệ thuật) có nguồn gốc từ Campuchia. Trước năm 1975, môn thể thao này theo chân những người Việt gốc có thời gian làm ăn sinh sống tại Campuchia du nhập vào VN. Bạn đã một lần đi xem đá cầu kiểng? Không thể không trầm trồ và bị lôi cuốn bởi sự điệu nghệ của người chơi.

Khi còn rất nhỏ, mỗi khi có dịp đi ngang sân vận động Thống Nhất, tôi đều dừng lại để xem các lão tướng biểu diễn đá cầu. Quả cầu lông gà bay hoài không nghỉ từ mu bàn chân của người này đến gót chân người khác một cách điệu nghệ. Đôi lúc người chơi chia làm hai phe, có căng lưới để thi đấu. Dù mù tịt về luật (nghe nói do người chơi tự đặt ra và có thể thay đổi vài điều khoản tùy theo giao kèo của người chơi mỗi bên) nhưng điều chinh phục không phải là thắng thua mà là cách thức tấn công trên lưới, chuyền cầu và nhất là những pha cứu cầu mới đẹp làm sao.

Bẵng đi một thời gian, tôi được mời tham dự Giải đá cầu nghệ thuật lần 1 (do TP.HCM đăng cai), và thật bất ngờ khi số VĐV tham gia lên đến 300 người thuộc hàng chục đội từ Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau... cùng với TP.HCM. Anh La Văn Kim - một trong những thành viên sáng lập CLB đá cầu kiểng Tia Chớp, cho biết: TP.HCM đã thành lập được hiệp hội đá cầu nghệ thuật, có điều luật chơi khá chặt chẽ và bài bản như một môn thể thao chính thống. Cũng mừng cho phong trào đá cầu... đẹp.

H8TQviU2.jpgPhóng to
Lão tướng cũng say mê
CLB phát triển qui củ và bài bản nhất có lẽ là CLB Tia Chớp. Để duy trì môn thể thao mình yêu thích, các thành viên đã tự nguyện thành lập hội và sau đó chọn cái tên “Tia Chớp” như một mong ước: đá cầu nghệ thuật sẽ nhanh chóng phát triển. Sau gần sáu năm thành lập, đến nay CLB Tia Chớp đã thu hút trên 300 thành viên tham gia tập luyện. Ba tháng một lần, những thành viên trong ban điều hành và các đội trưởng, đội phó các đơn vị trực thuộc lại kiểm tra, đánh giá trình độ các đội viên. Những đội viên đạt trình độ xuất sắc sẽ được chọn đi biểu diễn, giao lưu ở các nơi.

Nếu có dịp đến các công viên trong TP vào buổi sáng sớm hay chiều tối, bạn có thể dễ dàng bắt gặp từng nhóm người chơi cầu kiểng. Tôi đã nghe nhiều người xem buột miệng: “Họ đá cầu mà như làm xiếc”.

Trên một khu đất trống khoảng vài mét vuông, chỉ cần một trái cầu (xịn nhất cũng chỉ 10.000 đồng) cùng ba, bốn bạn chơi là đã có được một cuộc chơi vui và khỏe. Có lẽ vì vậy mà trước đây đá cầu kiểng chỉ dành cho một bộ phận người lớn tuổi chơi, nhưng hiện nay có không ít các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là rất nhiều bạn nữ tham gia.

xJv9rbHy.jpgPhóng to
La Tiểu Trang duyên dáng với màn trình diễn của mình
Ngay tên gọi cầu kiểng cũng cho thấy sự khác biệt với cách đá cầu bình thường. Ông Lê Văn Của, 72 tuổi, người được xem là tiền bối của môn thể thao này, cho biết: “Hoa là loài mọc tự nhiên nhưng khi có bàn tay con người chăm sóc nuôi dưỡng, cắt tỉa, ghép cành thì gọi là hoa kiểng. Đá cầu cũng thế, khi được nâng lên thành một môn thể thao nghệ thuật từ những động tác đá cầu thường thì gọi là đá cầu kiểng. Nhấn mạnh chữ “kiểng” để phân biệt đá cầu thường chỉ có một động tác duy nhất là tâng cầu bằng mu bàn chân, còn đá cầu kiểng phải biết ít nhất là 10 chiêu khác nhau”.

Theo anh La Văn Kim, những đội viên của CLB Tia Chớp trước khi nhập môn phải học qua 10 chiêu cơ bản, sau đó tùy năng khiếu của từng người tiếp tục thực hiện những động tác kỹ thuật phức tạp khác.

Sáng 19-3, đội đá cầu kiểng Tia Chớp biểu diễn tại Thảo cầm viên Sài Gòn.

Các cô gái mơn mởn sáng sớm ra công viên đá cầu, thân hình mềm mại, uyển chuyển. Khách ta xem rất đông còn người nước ngoài cũng ngẩn ngơ thích thú. Theo các bậc cao niên trong làng cầu kiểng TP.HCM như Trần Thế Chung, Lê Văn Của, đá Apsara là một trong những động tác mang tính nghệ thuật nhất của đá cầu kiểng. Theo truyền thuyết, Apsara là nữ thần của các cung nữ phục vụ các vị thần. Vì thế, ở động tác này người chơi phải vừa đá trúng cầu vừa tạo dáng như một tiên nữ đang múa!

Mười chiêu cơ bản: 1: đá mũi; 2: đá bàn chân; 3: đá gót chân; 4: đá cánh gà (dang rộng vai như gà đang vỗ cánh); 5: đá lòn chéo chân; 6: đánh vai; 7: đánh chỏ; 8: đánh đầu; 9: bắt lưng; và động tác khó nhất của người chơi cầu kiểng là chiêu thứ 10 mang tên Apsara.

Để thực hiện chín chiêu đầu, người chơi chỉ cần tập luyện thường xuyên từ sáu tháng đến một năm là có thể đạt được, nhưng với chiêu cuối cùng nếu không có năng khiếu xem như... thua!

Ở TP.HCM hiện nay chỉ có ba nhóm chơi cầu kiểng nổi tiếng là Tiến Thành, Hải Đông thường biểu diễn ở Thảo cầm viên SG, Suối Tiên, và Tia Chớp thường đóng đô ở Đầm Sen, Nhà văn hóa phường 12, quận 8, các công viên Phú Thọ, Phú Lâm, Lê Thị Riêng...

TRUNG DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên