14/11/2017 13:41 GMT+7

Cứu người, ngừa dịch sau bão

THANH TRÚC - THÁI THỊNH
THANH TRÚC - THÁI THỊNH

TTO - Sau bão, hầu hết các cơ sở y tế ở Khánh Hòa đều bị hư hỏng nặng. Nhiều nơi bị hư hỏng thiết bị, máy móc. Các bệnh viện, trạm xá phải rất nỗ lực để khắc phục khó khăn, không để gián đoạn việc cứu người, phòng bệnh.

Cứu người, ngừa dịch sau bão - Ảnh 1.

Tại khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, chị Lê Thị Kim Xoan (thôn Ninh Yến, xã Ninh Phước, Ninh Hòa) vẫn đang được các bác sĩ điều trị sau tai nạn trong cơn bão số 12.

Số người bị thương tăng cao

Cấp cứu lưu động

Ngành y tế Khánh Hòa cũng thành lập hai đội cấp cứu lưu động, hai đội phòng chống dịch. Cung cấp 815kg chloramin B và 25 cơ số thuốc cho các cơ sở y tế để xử lý môi trường và điều trị cho bệnh nhân.

Chị Xoan kể: "Bão quét qua khiến ngôi nhà tôi bị tốc mái, hai mẹ con cố chạy ra nhưng không kịp. Tôi bị cả bức tường đổ sập xuống đè lên người, ngất đi, tỉnh dậy thì thấy mình đã được đưa tới bệnh viện chữa trị".

Điều dưỡng Nguyễn Thị Dung - một trong những người trực tiếp điều trị cho chị Xoan - cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch đa chấn thương, vỡ ruột và bàng quang, gãy cột sống, xương đùi. Sau khi nhiều khoa cùng phối hợp cứu chữa suốt nhiều tiếng đồng hồ mới qua khỏi cơn nguy kịch.

BS Phan Hữu Chính - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết trong cơn bão số 12, bệnh viện đã tiếp nhận lượng người bệnh phải phẫu thuật tăng 30% so với hằng ngày. Trong đó có những trường hợp rất nặng, đa chấn thương, chấn thương bụng, ngực, gãy xương đùi cũng được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.

Giai đoạn trong và sau bão không có ca nào bị tai biến. "Thời gian từ ngày 3-11 đến chiều tối 9-11, bệnh nhân nhập viện do tai nạn trong cơn bão là 115 người. Trước khi cơn bão số 12 đổ bộ, bệnh viện đã lên phương án dự trữ các thiết bị, vật dụng cụ thể để kịp thời xử lý các ca tai nạn do thiên tai. Đồng thời, chúng tôi đã tăng cường 80% bác sĩ khoa ngoại tổng quát nhằm ứng phó với những ca tai nạn do thiên tai" - bác sĩ Chính thông tin thêm.

BS Trịnh Tiến Khoa - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Hòa - cũng cho biết sau bão số người bệnh nhập viện vì các thương tích liên quan đến tai nạn do bão tăng nhiều. Quá trình điều trị sau bão của huyện cũng gặp nhiều khó khăn khi mất điện, thường khám bệnh phải nhập phần mềm - nay chuyển qua làm bằng tay. Trong công tác khám chữa bệnh một số máy móc cũng bị ảnh hưởng.

Ông Lê Tấn Phùng - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho biết trong và sau bão toàn ngành đã xử lý 436 trường hợp bị thương do bão, trong đó 111 ca tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, 110 ca ở Diên Khánh, 59 ca ở Vạn Ninh, 26 ca ở Ninh Hòa...

Khôi phục nguồn nước sạch

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, sau bão 12 số giếng nước bị ngập lụt cần được xử lý để phòng chống dịch bệnh là 15.340 giếng, hai địa phương nặng nhất là huyện Vạn Ninh 10.000 giếng và thị xã Ninh Hòa gần 4.500 giếng.

Ông Lê Phán - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nha Trang - cho biết sau bão đã gấp rút huy động lực lượng y tế khoảng 200 người từ các trạm y tế xã phường, đội y tế dự phòng có 15 người trực tiếp đi kiểm tra xử lý dịch bệnh sau bão.

Thông tin từ Viện Pasteur Nha Trang cho biết sau bão đã hỗ trợ 385kg chloramin B và đã có kế hoạch hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau bão lụt.

Theo ông Lê Tấn Phùng - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, để xử lý số giếng trên Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã cấp bổ sung chloramin B từ nguồn dự trữ của trung tâm y tế dự phòng cho hai địa phương trên để đáp ứng xử lý nhanh. Đồng thời điều chuyển nguồn chloramin B từ các đơn vị có ít giếng nước bị ngập lụt về các đơn vị có nhiều giếng ngập lụt trong thời gian chờ mua bổ sung chloramin B. Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa đã mua bổ sung 700kg chloramin B để nhanh chóng tập trung xử lý dứt điểm.

Về tình hình dịch bệnh sau bão, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đội y tế dự phòng các huyện nhanh chóng ra quân ngay sau bão để xử lý. Hướng dẫn người dân xử lý giếng nước bị ngập nhằm đảm bảo nước sạch sử dụng trong ăn uống, phối hợp xử lý xác gia súc gia cầm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý tử thi (nếu có) nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, đồng thời tích cực giám sát các ca bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh tiêu hóa, hô hấp.

Tập trung phòng sốt xuất huyết, tiêu chảy

Từ ngày 6 đến 10-11, Bộ Y tế đã tổ chức 7 đoàn công tác đi Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên thị sát và hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tại Khánh Hòa và Phú Yên, Bộ Y tế đã tặng ngành y tế mỗi tỉnh 100 triệu đồng, đồng thời cam kết cấp đủ hóa chất lọc nước cho các vùng bị ngập trong lũ, hướng dẫn bà con cách lọc nước để bảo đảm đủ nước sạch cho sinh hoạt.

Tại Phú Yên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng mới một trạm y tế đã bị ngập 3 lần trong các đợt lũ vừa qua. Bộ trưởng cũng lưu ý ngành y tế các tỉnh bị lũ lụt chú ý phòng các bệnh hay gặp sau lũ như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, nấm kẽ chân, tiêu chảy... Do lũ lụt làm hư một số văcxin trữ tại trạm y tế, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết sẽ cấp bù để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngay cả trong điều kiện thông thường cũng không nên ăn rau sống, do việc rửa bằng nước thông thường không đảm bảo sạch hết ký sinh trùng bám trên rau. Trong vùng lũ khuyến cáo tuyệt đối không ăn đồ sống, đảm bảo ăn chín uống sôi để phòng bệnh tiêu chảy. Chú ý ngủ mùng, mặc quần dài, áo dài tay và bôi kem xua muỗi để ngừa bệnh sốt xuất huyết. Với bệnh đau mắt đỏ, ngừa bệnh bằng đảm bảo nước sạch trong sinh hoạt. Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không tùy tiện uống và bôi các thuốc trị bệnh mà nên đi khám và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.

L.ANH

THANH TRÚC - THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên