29/05/2007 18:49 GMT+7

Cướp biển Caribê phần 3: ấn tượng kỹ xảo, nhạt nhòa nội dung

LINH VŨ 
LINH VŨ 

TTO - Cướp biển Caribê: Ở nơi tận cùng thế giới (Pirates of the Caribbean: At World’s End) là một trong các phim được đón đợi nhiều nhất trong mùa hè 2007.

Vbz8P38D.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Cướp biển Caribê: Ở nơi tận cùng thế giới

Cướp biển Caribê: Ở nơi tận cùng thế giới tiếp tục cuộc hành trình còn bỏ dở của bộ ba nhân vật chính: thuyền trưởng cướp biển Jack Sparrow (Johnny Depp thủ vai), nàng Elizabeth Swann kiều diễm (do Keira Knightley đóng) và người yêu của Elizabeth là Will Turner, chàng thợ rèn trở thành cướp biển (do Orlando Bloom đóng).

Ở đoạn kết phần 2: Cướp biển Caribê - Chiếc rương tử thần, thuyền trưởng Jack Sparrow đã bị thuyền trưởng nửa người nửa bạch tuộc Davy Jones của con tàu ma quái Người Hà Lan bay (Flying Dutchmen) bắt nhốt vào một nơi ở thế giới bên kia.

oWQVE406.jpgPhóng to
Châu Nhuận Phát trong vai ông trùm cướp biển xứ Singapore
Trong phần 3, Will Turner, Elizabeth Swann cùng với thuyền trưởng Barbossa vừa trở về từ cõi chết, sẽ lên đường tìm cách giải thoát Jack Sparrow, thủ lĩnh cướp biển vùng Caribê để liên minh cướp biển trên toàn thế giới chống lại nguy cơ diệt vong do cuộc đàn áp của quân đội Anh.

Đối thủ của các cướp biển không chỉ là quân đội Anh dưới quyền huân tước Cutler Beckett mà còn là thuyền trưởng Davy Jones và con tàu ma quái Người Hà Lan bay với đoàn thủy thủ nửa người nửa qủy. Đặc biệt, trong phần này còn có sự góp mặt của diễn viên kỳ cựu châu Á Châu Nhuận Phát trong vai ông trùm cướp biển xứ Singapore.

Ngoạn mục nhất về kỹ xảo

Sẽ là một trong các phim ăn khách nhất?

Là phần 3 của serie phim Cướp biển Caribê, một trong các bộ phim ăn khách nhất, Cướp biển Caribê: Ở nơi tận cùng thế giới được đầu tư số tiền khổng lồ lên tới 300 triệu USD, nhưng chỉ sau 4 ngày trình chiếu ở Mỹ và một số nước khác, doanh số của phim đã đạt hơn 400 triệu USD, và có nhiều hứa hẹn trở thành một trong các phim ăn khách nhất từ trước tới giờ.

Có thể nói phần ba Cướp biển Caribê là cuộc trình diễn ngoạn mục nhất về kỹ xảo trong cả ba phần. Những cảnh hành động, đấu kiếm, chiến trận đều rất ấn tượng, thỏa mãn hoàn toàn về thị giác khán giả. Đặc biệt những cảnh như thác nước ở nơi tận cùng thế giới hay cảnh đối đầu chiến trận giữa hai con tàu Viên ngọc đen (Black Pearl) của cướp biển và Người Hà Lan bay (Flying Dutchmen) của Davy Jones là những cảnh quay hoành tráng và rất thuyết phục.

Ở trên góc độ kỹ xảo và quay phim, có thể nói phần ba Cướp biển Caribê đã thành công đáng kể. Có lẽ đó cũng là lý do chính thu hút khán giả đến rạp xem phim này, chứng kiến cuộc trình diễn ngoạn mục của kỹ xảo phim ảnh thời hiện đại, với số tiền đầu tư cho các kỹ xảo lên tới cả trăm triệu đôla.

Với phần ba, bộ phim Cướp biển Caribê càng ngày càng ít thích hợp hơn cho trẻ em nhỏ tuổi. Nếu như phần 1 Cướp biển Caribê là một bộ phim theo truyền thống của Disney, vui vẻ và hấp dẫn với cả trẻ em và người lớn thì ở phần ba này, không khí phim u ám, nặng nề với nhiều cảnh quay bạo lực, chết chóc hay quái vật gớm ghiếc, không thích hợp với các em nhỏ. Ngay từ đầu phim đã có một cảnh treo cổ tập thể những người có liên quan tới cướp biển trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Vì thế, các bậc phụ huynh nên thận trọng trong việc đưa trẻ em tới rạp xem phim này. Ở Mỹ, phim được liệt vào hạng PG-13, tức không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi xem mà không có người lớn xem cùng.

Thiếu một câu chuyện hấp dẫn

Nếu khán giả hy vọng có được từ bộ phim nhiều hơn các pha trình diễn kỹ xảo với hình ảnh đẹp mắt thì có thể sẽ hơi thất vọng trong phần này. Trước hết, xin nói về mặt nội dung. Nội dung phần 3 khá chằng chịt, khó theo dõi, pha trộn giữa những chi tiết huyền ảo với những liên minh nửa vời giữa các phe với nhau. Gần như tất cả các nhân vật quan trọng trong phần này đều có lúc liên minh với nhau, có lúc trở cờ phản nhau để thực hiện mục đích của mình.

1151ErOH.jpgPhóng to
Cốt truyện phức tạp một cách không cần thiết khiến người xem khó theo dõi nội dung - Ảnh: Imdb
Cốt truyện phức tạp một cách không cần thiết này không những khiến người xem khó theo dõi nội dung mà còn làm cho hình ảnh những nhân vật cướp biển trong phim cũng phần nào mất đi sự hào sảng, phóng khoáng từng khiến người xem yêu thích trong các phần trước đây, nhất là ở phần 1.

Nhiều nhân vật trong phim khá thừa thãi, chẳng hạn vai Sao Feng của Châu Nhuận Phát, được nhiều người cho rằng chỉ để nhà sản xuất hướng tới thị trường châu Á.

Cách xử lý nhiều tình huống trong phim cũng cưỡng ép và thiếu thuyết phục. Nhịp độ phim cũng chậm, thiếu kịch tính trong hầu hết phim, ngoại trừ trong 30 phút cuối là cao điểm của bộ phim.

Tính hài hước vốn là điểm mạnh của bộ phim Cướp biển Caribê, nhất là trong vai diễn ngông ngông mà đáng yêu của Johnny Depp trong vai thuyền trưởng Jack Sparrow - vai diễn mà nhờ đó Johnny Depp được đề cử giải Oscar. Tuy nhiên, yếu tố hài hước đã không còn nhiều trong phần 3 của bộ phim. Tuy vai diễn của Johnny Depp vẫn rất tốt nhưng đôi lúc có cảm giác anh đã quá lạm dụng sự duyên dáng trong các điệu bộ của mình để gây cười với khán giả.

bfj36p7k.jpgPhóng to

Geoffrey Rush diễn xuất sinh động trong vai thuyền trưởng Barbossa - Ành: Imdb

Trong phim cũng không có những tình huống gây cười nhiều như đoạn đánh nhau giữa Jack Sparrow với Barbossa dưới ánh trăng trong phần 1 hay đoạn Jack Sparrow bị thổ dân bắt trói trong phần 2. Những tình huống được đạo diễn cố tình gây cười như Jack Sparrow có ảo ảnh nhìn thấy nhiều Jack Sparrow khác đều không tạo được hiệu quả mong muốn. Vai trò của Jack Sparrow trong phần 3 cũng tương đối mờ nhạt. Ngược lại, một điểm đáng khen về diễn xuất trong phần 3 này là vai diễn sinh động của Geoffrey Rush trong vai thuyền trưởng Barbossa.

Nhìn chung, phần 3 Cướp biển Caribê là một phim đáng xem nếu người xem phim quan tâm tới kỹ xảo và hình ảnh đẹp. Nhưng việc thiếu đi một câu chuyện hấp dẫn cũng như các vai diễn sinh động và thuyết phục khiến phần này mất hẳn đi sức sống và sự sáng tạo như từng có trong phần 1.

Liệu việc khai thác cạn kiệt các bộ phim "bom tấn”, tìm cách kéo dài mãi các bộ phim ăn khách như Dị nhân, Người nhện, Cướp biển Caribê, Shrek…trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đôla vào các kỹ xảo càng ngày càng phức tạp, càng tốn kém có phải là một xu hướng lành mạnh trong ngành công nghiệp điện ảnh hay không? Và không biết đến một lúc nào đó, liệu khán giả xem phim có cảm thấy chán ngán và mệt mỏi trước cuộc đua tranh về kỹ xảo, trước các bộ phim cứ dài mãi ra không biết bao giờ mới chấm dứt?

Mùa phim hè 2007 của HollywoodPhim nào sẽ “hot” nhất mùa hè này?

LINH VŨ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên