25/02/2016 13:56 GMT+7

Cuốn sách tôi đang đọc: Cánh cửa và Cô Tư Hồng

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TT - Chuyên mục Cuốn sách tôi đang đọc của Thế giới sách tuần này chia sẻ với độc giả yêu văn chương bốn tác phẩm: Cánh cửa, Cô Tư Hồng, Lang thang trong chữ và Ở một nơi ai cũng 
quen nhau...

Ảnh: Q.K.

 

* Cánh cửa, Szabó Magda, dịch giả Giáp Văn Chung, Nhã Nam & NXB Văn Học

@ Quân Khuê:

Cánh cửa của Szabó Magda, một trong những nhà văn hàng đầu Hungary, chắc chắn là một trong những tiểu thuyết hay nhất mà tôi đọc được năm rồi. Nếu nói cuốn sách kể về cái gì thì nghe có vẻ rất tẻ nhạt, bởi trên bề mặt nó chỉ kể về mối quan hệ giữa hai người đàn bà, một là nhà văn - xưng tôi, người kia là một bà già giúp việc nhà.

Tuy nhiên, Emerence, tên bà già giúp việc, ắt là một trong những nhân vật văn học ấn tượng nhất, giàu cá tính nhất mà tôi từng biết. Bà lập dị, hẳn nhiên; bà lừng lững, cả về tinh thần lẫn thể xác.

Bà có một năng lực gần như siêu nhiên, đó là năng lực điều khiển chó, mèo (phải mở ngoặc con chó đực mang tên cái Viola cũng là một trong những con chó đáng nhớ nhất trong văn chương), thậm chí cho phép ai, bao gồm bản thân, được chết hay không.

Tôi thích Cánh cửa ở cách tác giả chấm phá về lịch sử Hungary, những biến cố đất nước này trải qua, cả về chế độ chính trị, bằng cách có vẻ như chỉ tập trung vào mối quan hệ giữa hai người đàn bà. Đây là một tiểu thuyết nói được nhiều điều về một đất nước, trong khi bề ngoài tỏ ra đơn giản, thậm chí tẻ nhạt.

* Cô Tư Hồng, Đào Trinh Nhất, Tao Đàn và NXB Văn Học

Ảnh: Chi Anh
Ảnh: Chi Anh

@ Chi Anh:

Đọc Me Tư Hồng của Nguyễn Ngọc Tiến đã ít nhiều tò mò về cuộc đời của người đàn bà nhiều thành công mà cũng lắm tai tiếng này, nên không thể không đọc thêm Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất.

Bản in lần này được Tao Đàn và NXB Văn Học lấy từ ấn bản Trung Bắc Thư Xã (1941), có bổ sung một số chương, đoạn từng bị kiểm duyệt đục bỏ, được khảo lục và biên soạn lại từ báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật, người đọc vì thế thêm phần hứng thú khi đọc được một lối hành văn xưa.

Hơn thế nữa là sự thích chí khi bắt gặp những cụm từ lúc xưa, nay đã “thất truyền” ít nhiều (nếu không có chú thích, diễn giải, người trẻ sẽ tám phần ngắc ngứ, mười phần không hiểu). Và dĩ nhiên thêm hiểu về một giai đoạn của nước nhà.

* Lang thang trong chữ,  Hồ Anh Thái, NXB Trẻ

Ảnh: H.T.P.
Ảnh: H.T.P.

@ Hoàng Thu Phố:

Tuần này, có một cuốn sách mình thích đọc và cũng thích giới thiệu với mọi người, đó là Lang thang trong chữ - một tập tiểu luận mới của nhà văn Hồ Anh Thái.

Đọc cuốn sách là cuộc trải nghiệm thú vị. Trải nghiệm theo từng bước đi, từng nghĩ suy của tác giả. Mà Hồ Anh Thái là người đi nhiều, nghĩ nhiều và nhớ dai.

Vì thế, hơn 40 bài trong hai phần tiểu luận chiếm quá nửa cuốn sách cho người đọc thấy lại nhiều mặt của cuộc sống, qua đó mà nhiều chuyện đời hiển lộ, nhiều chuyện làng văn được tái hiện.

Cũng vẫn liên quan đến chuyện chữ nghĩa, nhưng phần ba của cuốn sách gồm những đoạn ngắn luận bàn, soi xét chữ nghĩa trong sách, trong báo và trên truyền thông thời gian qua.

Tác giả gọi đó là “Sổ tay nhà văn”. Nó thật sự hữu ích với những ai đang hằng ngày còn dùng tiếng Việt.

* Ở một nơi ai cũng quen nhau, Hoàng Ngọc Tuấn, NXB Thời Đại

Ảnh: Đ.L.Vũ
Ảnh: Đ.L.Vũ

@ Đinh Lê Vũ:

Cuốn sách này của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn, gồm 10 truyện ngắn mềm như thơ và mượt như nhung, là những mảng hồi ức sống động về một thời tuổi trẻ đã qua của một thế hệ.

Ở đó có nỗi lưu luyến khi một ngày nhận ra mình sắp giã từ tuổi thơ, có những run rẩy rất thật thà của cảm xúc đầu đời, có cả nỗi hoang mang rời rã của cả một thế hệ thanh niên thời chiến cuộc.

Đây từng là sách gối đầu giường của những người trẻ Sài Gòn ngày cũ. Một cuốn sách của kỷ niệm, buồn mà đẹp đến nao lòng.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục