24/08/2016 09:28 GMT+7

Cuối tháng 8 công bố “ăn cá được chưa”

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Đó là khẳng định của bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), về câu trả lời mà giới chức các ngành đang còn nợ người dân: “Cá ăn được hay chưa?”.

Ngư dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang rất cần được ổn định cuộc sống, hoạt động đánh bắt cá trở lại bình thường như trước đây - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Ngư dân xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang rất cần được ổn định cuộc sống, hoạt động đánh bắt cá trở lại bình thường như trước đây - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Theo bà Nga, một hội đồng khoa học đã được lập và chậm nhất cuối tháng 8 này Bộ Y tế sẽ công bố đánh bắt cá ở bốn tỉnh bắc miền Trung được hay chưa, cá vùng nào ăn được, vùng nào chưa... Bà Nga nói với Tuổi Trẻ:

Bà Trần Việt Nga - Ảnh: N.KHÁNH
Bà Trần Việt Nga - Ảnh: N.KHÁNH

- Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung (tháng 4-5 vừa qua), chúng tôi lấy trên 430 mẫu hải sản tươi ở các cảng cá, chợ cá với các mẫu là tất cả các loại cá đánh bắt được ở vùng biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để kiểm tra thì tỉ lệ mẫu nhiễm kim loại nặng cao.

Giờ phút này thì số mẫu nhiễm kim loại nặng đã giảm nhiều, như tháng 7 còn 7/27 mẫu, tỉ lệ là 25,9%, tháng 8 tính đến nay có 1/18 mẫu có dư lượng cadimi cao vượt ngưỡng. Nhưng nói ở góc độ sức khỏe, một mẫu có dư lượng cao vẫn là nguy hiểm.

* Vậy tại sao tháng 4-5, khi tỉ lệ mẫu có dư lượng kim loại nặng trong hải sản đánh bắt được cao như vậy mà cục không công bố? Trong khi đó, đây là vấn đề rất nghiêm trọng và người dân không thể phân biệt được đâu là cá đánh bắt ở bốn tỉnh có cá chết và ô nhiễm kim loại nặng, đâu là “cá an toàn”?

- Tất cả kết quả đó chúng tôi đã bàn giao cho Bộ Tài nguyên - môi trường và theo chúng tôi được biết, đó là một phần cơ sở giúp tìm ra nguyên nhân vụ cá chết tại bốn tỉnh miền Trung. Khi chúng tôi bàn giao, Bộ Tài nguyên - môi trường có trách nhiệm công bố.

Còn việc sử dụng cá thì thời điểm đó chúng tôi đã sớm có văn bản đề nghị người dân tuyệt đối không sử dụng cá chết làm thực phẩm cho người và thức ăn gia súc. Cá đánh bắt được cũng để trong kho lạnh chưa đưa ra thị trường, nhất là cá đánh bắt trong thời điểm xảy ra khủng hoảng môi trường là giai đoạn từ tháng 4, tháng 5-2016.

* Tháng 6-2016 đã có những tranh cãi về chuẩn chất cấm trong cá, trong khi Bộ Y tế cho rằng có thể cho phép dùng cá có dư lượng phenol trong ngưỡng, còn Sở Y tế Quảng Trị lại lo ngại chất cấm này khi phát hiện một kho lạnh chứa 30 tấn cá có dư lượng phenol. Vậy chất nào là chất cấm và số phận lô cá có phenol ấy hiện ra sao?

- Lô cá đó lấy mẫu chưa chuẩn và khi được lấy mẫu lại đánh giá thì không phải cá đó có dư lượng phenol vượt ngưỡng, mà là nhiễm chì và cadimi cũng là các kim loại nặng. Hiện nay việc giám sát chất lượng cá vẫn chú trọng vào các chỉ tiêu kim loại nặng.

* Gần năm tháng đã qua kể từ khi cá bắt đầu chết ở miền Trung, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời được câu hỏi “ăn cá được hay chưa” có phải là quá chậm, thưa bà?

- Như tôi đã nói, số mẫu còn dư lượng kim loại nặng vượt ngưỡng đã giảm dần về số lượng và hàm lượng. Hôm 22-8, Bộ Tài nguyên - môi trường công bố tắm biển đã an toàn, nhưng ở phương diện cá ăn được chưa Bộ Y tế vẫn đang giám sát.

Chậm nhất là cuối tháng 8 sẽ công bố, dựa trên những kết quả phân tích từ mẫu hải sản tươi lấy ngẫu nhiên từ vùng biển bốn tỉnh. Một hội đồng khoa học đã được thành lập để đánh giá cá ăn được hay chưa.

Hạn chót là cuối tháng 8 nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nếu có thể công bố sớm hơn. Chúng tôi khẳng định việc công bố hoàn toàn dựa trên sự thật.

* Tại sao các ngành chức năng không phối hợp làm rõ cá vùng nào ăn được, vùng nào chưa, kể cả cá đánh bắt ngoài vùng 20 hải lý cho rõ ràng, để ngư dân và người dân không bị thiệt hại?

- Chúng tôi đã bàn nhiều rồi, vùng biển nào đã cho nuôi cá trở lại thì Bộ Tài nguyên - môi trường đã công bố và những vùng đã cho nuôi trở lại được thì được phép khai thác.

* TSKH Nguyễn Tác An (nguyên viện trưởng Viện Hải dương học):

Làm sạch biển, vẫn cần con người tác động

Muốn làm sạch cho một vùng đã bị ô nhiễm do tác động của con người phải dựa vào hai cơ chế. Đó là dựa vào bản chất, cơ chế tự làm sạch của thiên nhiên và dựa vào sự can thiệp, tác động của con người.

Về tự nhiên, phải công nhận khả năng tự làm sạch của vùng biển VN và miền Trung rất cao, vì đây là vùng nhiệt đới, có đa dạng sinh học cao nên sự phân rã sinh học rất lớn, có thể đến 30-40%, đồng thời vùng biển miền Trung có động lực mạnh của dòng chảy. 

Đó là khả năng “trời cho” nhưng nói như vậy không có nghĩa con người có thể “bình chân” trong việc làm sạch môi trường biển miền Trung đã bị Formosa xả thải ra làm ô nhiễm. Bởi nếu như không có những tác động tích cực của con người bằng các giải pháp công nghệ thì khả năng tự làm sạch của tự nhiên sẽ không giải quyết được vấn đề.

Chẳng hạn người ta bảo chất độc ở đó đang được làm sạch bằng cách trôi rửa đi, nhưng nên nhớ các chất độc khi trôi rửa đi nó không làm bẩn chỗ này thì nó sẽ làm bẩn chỗ kia. Bởi nó không phải là hết độc được mà chỉ loãng dần ra thôi.

Muốn làm sạch vùng biển miền Trung, trước hết phải xác định cho đúng khu vực biển còn ô nhiễm hay không. Cứ bắt cá bỏ vào các vùng biển đó thử xem cá có sống được hay không, nếu cá sống được thì môi trường đó tốt. Đó là phương pháp rẻ nhất, đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được và ai cũng thấy được.

P.S.NGÂN ghi

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên