19/06/2004 22:43 GMT+7

Cười để...khóc hay để vui vẻ giã từ quá khứ?

NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện
NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện

TTCN - Năm nào cũng có sách in mới, không truyện ngắn thì tiểu thuyết, vẫn là tổng thư ký của Hội Nhà văn Hà Nội vài trăm hội viên, vẫn đọc sách mới ra của đồng nghiệp và vẫn mắt xanh phát hiện những cây bút mới. Vừa có một “cú đúp’”: tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế tái bản lần hai, và tập truyện ngắn mới 4 lối vào nhà cười. Đó là Hồ Anh Thái.

QaNVCyid.jpgPhóng to

* Dân gian nói: Giòn cười tươi khóc, cười ra nước mắt. Tập truyện của anh mang tên 4 lối vào nhà cười, bằng sinh-lão-bệnh-tử, những khái niệm nhà Phật? Nhà cười nào vậy? Phải chăng anh quan niệm cuộc đời cũng như một nhà cười?

- Cuộc đời đúng là một nhà cười, chỉ có điều con người lại có xu hướng vào đó, đối diện với gương mặt của mình và... khóc. Trong cuốn sách này tôi chỉ muốn đưa ra trước người đọc một tấm gương lồi để họ soi vào và tự hỏi: đấy là ta hay không phải là ta? Tôi cũng không muốn làm cho ai phải khóc. Chỉ vì đối với tôi cuộc đời nhiều khi buồn quá, buồn quá thì phải cười. Vậy thôi.

* Anh có vẻ khoái lối viết hài hước, nhìn con người và sự việc như qua một tấm gương lồi trong nhà cười ở công viên Thống Nhất, Hà Nội. Và có thể giọng điệu hài hước đang trở thành căn tính viết của anh?

- Tôi từng viết những truyện thật sự là bi kịch mới, như tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng, truyện Mảnh vỡ của đàn ông. Nhà văn thì giọng điệu nào cũng nên thực hiện, phương pháp nào cũng nên sử dụng, nhân loại phát minh ra các loại công cụ là để cho con người sử dụng mà. Tuy vậy, nếu có một cái gì đang trở thành “căn tính” thì chắc là tôi phải cân nhắc để thay đổi. Tôi không chịu được cái là “căn tính” cứ bám riết lấy mình.

* Viết có nghề, thông minh, hài hước, tinh quái, ngày càng hiện đại, và có lẽ là người có cơ may phát triển kiểu “gừng càng già càng cay”, vì có một nền tảng văn hóa được chuẩn bị và tạo lập vững chắc… Anh thích không nếu những lời khen đó dành cho anh?

- Tôi tin rằng nếu chị muốn tước vũ khí chống trả của một người đáo để, chị hãy khen người ấy… như ma. Hắn sẽ chết đứng như Từ Hải giữa trận tiền.

* Người ta cho rằng cái cuối cùng còn lại của nhà văn là tác phẩm, và cái còn lại cuối cùng của tiểu thuyết hay truyện ngắn vẫn cứ phải là nhân vật. Không thể quên lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở của Nam Cao, Tám Bính của Nguyên Hồng, Xuân Tóc Đỏ, Phó Đoan của Vũ Trọng Phụng, chị Dậu của Ngô Tất Tố, tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp… Anh thấy mình có nhân vật nào còn “ở lại” với người đọc, thậm chí người ta có thể quên tên anh nhưng vẫn nhớ nhân vật của anh vì sức ám ảnh của nó?

- Nếu ta vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp truyền thống thì quan niệm phải có nhân vật là thỏa đáng. Nhưng nhiều kiệt tác của văn xuôi hiện đại bói cũng không ra nhân vật đâu, chị hãy nhìn vào Con đường xứ Flandres của Claude Simon, Linh Sơn của Cao Hành Kiện... đâu còn “nhân vật đáng nhớ” theo kiểu cổ điển nữa. Nhưng nói ra điều này ở ta là chưa được chia sẻ - nhà văn ta phần nhiều vẫn viết theo lối cũ, gọi mỹ miều là “phương pháp truyền thống”.

* Con gái tôi và một số sinh viên của tôi ham đọc văn chương của anh, và họ đều bảo buồn cười lắm. Họ cũng không dễ giải thích tại sao họ thích, tại sao họ cười; nhưng họ lại có khuynh hướng trắc nghiệm cái cười của anh trong cuộc sống. Anh có thích cách đọc ấy của những người trẻ tuổi không?

- Ta đâu có quyền thích hay không thích cách đọc của độc giả. Ta gieo gió nào thì phải gặt bão nấy. Người trẻ tuổi cũng chẳng bao giờ hỏi ta có thích họ không. Họ mặc nhiên bắt ta phải chấp nhận họ. Việc họ nhắc đến những nhân vật chỉ chứng tỏ rằng nhân vật đã khép một vòng tròn khi họ bắt đầu đi từ cuộc sống vào trang sách, và từ trang sách vòng trở lại với đời. Nhà văn sẽ đưa họ đi theo cái vòng tròn ấy, mặc dù đi như thế cũng... hơi bị chóng mặt.

* Anh thích phát hiện các nhà văn trẻ, thích đọc họ, anh có thích người đọc trẻ đọc văn của anh không? Theo anh, cách đọc nào của họ làm anh thích nhất?

- Chưa nhiều kinh nghiệm để mà định kiến, đấy là phẩm chất mà hầu như ai cũng ao ước ở tuổi trẻ. Tôi ngoài 40 tuổi mà đã ao ước được sống, được yêu và được viết như những người trẻ rồi.

* Trong lễ phát động cuộc thi Văn học tuổi 20 tại Hà Nội, một người đọc trẻ nói thẳng là chẳng bao giờ đọc văn chương VN, chỉ thích đọc văn chương thế giới thôi. Ngồi ở hội đồng chấm giải của cuộc thi ngày hôm ấy, anh có bị chạm tự ái nghề nghiệp?

- Ô, chẳng nhẽ nhà văn chỉ mong gặp toàn người khen để “tước vũ khí” của mình? Chắc hầu hết nhà văn có mặt hôm ấy chẳng tự ái đâu, vì tâm lý người Việt chúng ta ai cũng nghĩ như ông Nam Cao từng viết: “Chắc nó trừ mình ra!”.

* Xin hỏi một câu theo đúng kiểu 4 lối vào nhà cười: nghệ sĩ nhiều người thích mốt cạo trọc để gây độc đáo. Anh dạo này cũng muốn độc đáo để gây hấn “mắt thiên hạ” hay sao?

- Không phải tôi theo mốt mà là tự biết thân biết phận. Sớm muộn gì cũng sa vào tình trạng “rửa mặt thì lâu gội đầu thì chóng”, khôn ngoan hơn cả là hãy... đi tắt đón đầu.

NGUYỄN THỊ MINH THÁI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên