26/07/2022 17:36 GMT+7

Cước vận tải biển 'hạ nhiệt', doanh nghiệp vẫn đầu tư mua thêm tàu

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Giá cước vận tải đường biển đang 'hạ nhiệt' khi chuỗi cung ứng toàn cầu bớt căng thẳng. Theo các doanh nghiệp, giá cước từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu... đã giảm 30-40% so với mức giá đỉnh năm 2021.

Cước vận tải biển hạ nhiệt, doanh nghiệp vẫn đầu tư mua thêm tàu - Ảnh 1.

Giá cước vận chuyển đường biển chưa thể quay trở lại mức bình thường như trước dịch - Ảnh: CÔNG TRUNG

Theo nhiều doanh nghiệp logistics, giá cước vận tải đường biển đang "hạ nhiệt", tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã thuyên giảm, không căng thẳng như trước. 

Nếu 2 năm ảnh hưởng dịch 2020 - 2021, giá cước leo thang thì đến giữa tháng 7-2022, cước vận tải đã "đổi chiều". Giá thuê một container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ có thời điểm lên tới 21.000 USD, nhưng hiện tại vào khoảng 8.000 - 11.000 USD.

Bà Lâm Thị Thanh Bông - giám đốc Karl Gross Logistics Việt Nam - cho hay những đơn hàng gần đây của công ty chuyển hàng từ Việt Nam sang châu Âu có giá 5.000 - 8.000 USD/container. Mức giá này đã giảm so với thời điểm năm 2021 khi giá một container lên đến 10.000 USD. 

Bà Bông nhìn nhận nhu cầu hàng hóa cuối năm cao hơn nhưng giá cước vận chuyển tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tình hình thế giới, trong đó có chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc. Dù giá cước giảm nhưng vẫn chưa thể quay trở lại mức bình thường như trước dịch. 

Dù vậy, ông Nguyễn Tương - cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam - cho biết hiện giá cước đã giảm nhưng vẫn cao so với thời điểm trước dịch bệnh. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi bằng đường biển nên giá cước neo cao sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng thị trường vận tải năm nay được kỳ vọng tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia vào đội tàu chuyển hàng tuyến quốc tế. 

Ông Phạm Việt Anh - chủ tịch Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) - cho biết dịch bệnh được kiểm soát nhưng xung đột giữa Nga - Ukraine và Trung Quốc phong tỏa đã tác động lên chuỗi cung ứng. Trước đây Nga xuất khẩu trực tiếp dầu sang châu Âu, giờ xuất sang châu Á và Ấn Độ. Các nước châu Âu phải nhập dầu từ Mỹ về.  

Trường hợp đến năm 2023 xảy ra suy thoái kinh tế, ông Việt Anh cho rằng thị trường vận tải biển sẽ không ảnh hưởng đáng kể, tàu biển sẽ hoạt động nhiều hải lý hơn. Chưa kể, việc đóng tàu mới hạn chế do giá thép tăng, nhiều đơn vị tập trung đóng tàu container khiến lượng cung tàu ít.  

Giá cước của PVTrans hiện đang vận chuyển khoảng 8.000 - 9.000 USD/ngày, hiện nay có thể lên 13.000 -14.000 USD/ngày. Tàu MR đang từ khoảng 13.000 USD /ngày lên 17.000 - 18.000 USD/ngày, tàu dầu thô từ 10.000 USD/ngày lên 20.000 - 25.000 USD/ngày. Ông Việt Anh cho rằng nếu giá cước có giảm cũng không thể giảm nhiều như trước. Dự kiến, PVTrans sẽ đầu tư mua 7 - 10 tàu.

Tương tự, Công ty vận tải và xếp dỡ Hải An cho hay đã đầu tư 2 tàu container mới, nâng tổng số đội tàu lên 9 chiếc và đóng mới thêm 2 tàu container loại Bangkok Mark IV (1.800 TEU), với tổng số tiền đầu tư ban đầu khoảng 81 triệu USD. Mục tiêu để duy trì số chuyến nội địa là 5 mỗi tuần, mở rộng tuyến Hong Kong và Singapore...

Hãng tàu tung hứng cước vận tải biển Hãng tàu tung hứng cước vận tải biển

TTO - Lợi dụng việc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu, các hãng tàu liên tục "làm giá" cước vận tải biển hoặc cố tình làm khó, buộc các chủ hàng phải "móc hầu bao" trả thêm cả nghìn USD mới có được lịch đặt tàu.

 

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên