Sau hai năm phát động, cuộc thi đã có gần 200 tác phẩm và 150 tác giả tham gia hưởng ứng. Nhà văn Tô Đức Chiêu, trưởng ban văn xuôi, thành viên Hội đồng giám khảo, nhận xét: "So với cuộc thi tiểu thuyết 2000-2002, đây thực sự là một cuộc "bứt phá" về số lượng!".
Trong đó, mảng đề tài về chiến tranh nhân dân chiếm tỷ trọng khá lớn với những tác phẩm có dung lượng hàng nghìn trang, như Ngày rất dài (Nam Hà), Tiếng thở dài của đất (Nguyễn Quang Hà), Chuyện núi Thành ( Kiều Vượng)...
Được ưu ái ở hàng thứ hai là mảng đề tài hiện đại, đi sâu khai thác những mảng tối của ma túy, thuốc lắc, tham thũng, mại dâm... từng được phơi bày trên mặt báo thời gian qua. Có thể kể một vài ví dụ: Trang trại (Nguyễn Khắc Trường), Dòng đời (Nguyễn Nguyên), Dòng sông mía (Đào Thắng), Kẻ giấu mặt (Hữu Đạt)...
Riêng mảng đề tài lịch sử (thời cổ trung đại) thì thưa vắng hẳn. Chỉ có hai tiểu thuyết lịch sử gửi dự giải là Phủ Tường vi (Nguyễn Khắc Phục) dựa trên bối cảnh cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và tình hình xứ Đàng Trong thế kỷ 16-18 và Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh.
Điểm mới của "mùa giải" lần này còn là sự xuất hiện của nhiều gương mặt nghiệp dư và các cây viết hải ngoại chưa từng một lần xuất hiện trên văn đàn VN, như Thế Dũng (Đức), Ngọc Lan (Bỉ)...
Với các tác giả hải ngoại, mảng đề tài được cày xới nhiều nhất lẽ dĩ nhiên vẫn là những vấn vương, ám ảnh "thương nhớ đồng quê"... Với các cây bút nghiệp dư, rất đáng biểu dương thái độ nghiêm túc và trân trọng mà họ dành cho văn chương.
Cụ Nguyễn Nguyên, một cán bộ ngoại giao đã về hưu, kỳ cạch viết tay bộ tiểu thuyết Dòng đời dài sáu tập, mỗi tập 600 trang giấy khổ A4!
Rồi anh Nguyễn Đức Thiện, phóng viên Đài Truyền hình Tây Ninh gửi dự thi cùng lúc ba tác phẩm đều khai thác mảng đề tài hôn nhân gia đình.
Hay chị Nguyễn Việt Nga, giáo viên cấp ba ở tỉnh Hải Dương đã đánh máy và đóng quyển rất công phu cuốn tiểu thuyết Ngã ba ... Thế nhưng, khi hỏi về chất lượng tác phẩm, nhiều thành viên Hội đồng giám khảo đều có phần dè dặt và đưa ra lý do không tiết lộ để bảo đảm bí mật" (?!). Tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp tài và đức, khả năng và tâm huyết, hiện thực và mơ ước không đi đôi với nhau...
Đáng tiếc là đội ngũ những cây bút có tên tuổi trên văn đàn, từng gây tiếng vang dư luận và hiện vẫn đang sáng tác đều tay như Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo, Chu Lai... không góp mặt. Những tác giả trẻ được dư luận đánh giá cao như Nguyễn Ngọc Thuần và Nguyễn Ngọc Tư dường như cũng không muốn "xí" chỗ cho dù Thuần vừa tung ra Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ còn Tư thì vẫn đều đều in sách ở các nhà xuất bản...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận