17/07/2024 12:20 GMT+7

Cuộc ngược dòng ngoạn mục của Lê Đức Phát

Làng thể thao đỉnh cao Việt Nam có không ít gia đình giàu truyền thống. Nhưng trường hợp rẽ hướng như tay vợt cầu lông Lê Đức Phát vẫn là câu chuyện vô cùng thú vị.

Truyền thống thể thao gia đình đã tạo bệ phóng cho Lê Đức Phát thăng hoa - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Truyền thống thể thao gia đình đã tạo bệ phóng cho Lê Đức Phát thăng hoa - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Lê Đức Phát sinh năm 1998 tại Đồng Nai. Cha Phát là cựu VĐV quyền anh Lê Văn Đức - từng vô địch Đồng Nai, TP.HCM, giải quốc tế ở Campuchia và giải quốc gia các năm 1988, 1989. Nhiều cô chú bác của Phát cũng là võ sĩ từng vô địch địa phương và quốc gia.

Con nhà nòi quyền anh bén duyên với cầu lông

Vì vậy, Đức Phát sớm được truyền lại đam mê thể thao. Từ nhỏ, anh được cha xây dựng riêng một không gian tập luyện tại nhà với sân cầu lông, bóng chuyền cùng dụng cụ tập boxing. Ban đầu, ông Đức muốn Phát nối nghiệp quyền anh. Nhưng Phát sớm nhận ra đây không phải môn mình yêu thích. "Tôi có phần nhút nhát và sợ đau nên chuyển sang bóng đá", Phát chia sẻ.

Chiều lòng Phát, ông Đức - vốn đã có bằng sư phạm thể dục thể thao sau khi giải nghệ - mày mò các giáo án kỹ thuật về bóng đá. Mỗi chiều sau giờ học, hai cha con tập cùng nhau tại sân bóng cộng đồng gần nhà. Ông Đức kể: "Con không thích quyền Anh, mình cũng không ép. Phát lúc đó nhỏ con cũng không đánh bóng chuyền được nên muốn thử đá banh. Tôi ok luôn. Nhưng Phát rê bóng cứ bị... té hoài. Vì vậy, Phát chuyển sang đánh cầu lông cùng các cô bác hàng xóm ở sân nhà".

Phát thừa nhận: "Chơi bóng đá được một thời gian, tôi lại cảm thấy chán và cũng nhận ra mình không có năng khiếu nên chuyển sang đánh cầu lông. Lúc đó tôi mới 6 tuổi, cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ biết chơi thôi. Tôi thích được chạy vụt vào quả cầu rồi. Kể từ ngày cầm vợt đó, tôi mê cầu lông luôn. Tròn 10 năm sau, tôi chính thức đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp".

Bước ngoặt trên con đường thể thao chuyên nghiệp của Phát là khi cha anh đưa Phát cùng em gái lên TP.HCM theo học với thầy - tượng đài Nguyễn Tiến Minh. Khi đó, Phát chưa thể cạnh tranh khi đội tuyển cầu lông TP.HCM mở đợt tuyển chọn lứa năng khiếu. 

Ông Lê Văn Đức kể: "Đây là điều bình thường trong thể thao. Ba cha con trở về tập luyện như mọi ngày. Một hôm, đồng đội cũ của tôi đang làm HLV ở Quân khu 7 tới nhà chơi. Cậu ấy biết chuyện nên giới thiệu hai đứa con tôi cho đội cầu lông Quân khu 7. Em gái Phát năng khiếu không quá tốt nên tôi chỉ cho Phát theo tiếp. Hai cha con lên TP.HCM tập một thời gian thì Phát được nhận.

Quãng thời gian tập luyện tại Quân khu 7, tôi và con cùng nhau đi đi về về khoảng 35km/mỗi chiều để theo tập. Tôi cũng ráng vì con mình có năng khiếu và phát triển được. Hai cha con động viên nhau suốt. 15 tuổi, Phát cùng đồng đội Nguyễn Công Nguyên vô địch nội dung đôi nam lứa tuổi trẻ quốc gia. Một năm sau, Phát vô địch đơn nam và gia đình yên tâm giao con cho đội".

Lê Đức Phát giành tấm vé danh giá đến Olympic Paris - Ảnh: FBNV

Lê Đức Phát giành tấm vé danh giá đến Olympic Paris - Ảnh: FBNV

Thăng hoa và gián đoạn

Năm 2016, Phát được phong đẳng cấp kiện tướng sau những thành tích: HCV trẻ quốc gia, HCĐ giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và HCĐ Nepal International Series - được tính xếp hạng 241 thế giới. 

Năm 2017, Phát đoạt HCV giải Pakistan International Series 2017 và lọt vào top 150 thế giới. Khi sự nghiệp đang phát triển thuận lợi thì tháng 8-2019, Phát chấn thương nặng ở cơ đùi sau. Quãng thời gian sau đó, do đại dịch COVID-19 nên Phát tụt sâu trên bảng xếp hạng thế giới và văng ra khỏi top 300.

Phát kể: "Khi đó tôi chỉ còn cách top 100 thế giới 2.500 điểm. Trước mắt là 6 giải quốc tế, nhưng rồi chấn thương ở giải vô địch quốc gia 2019 khiến tôi mất gần 6 tháng để điều trị và phục hồi. Quãng thời gian đó, tôi bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, trong đó có SEA Games 30. Sau đó, tôi phải làm lại mọi thứ từ đầu vì khi cạnh tranh suất dự Olympic, hầu hết các tay vợt đều ở trong top 100. Khi đó, tôi cố gắng hướng đến những điều lạc quan, biến những điều không may mắn thành động lực".

Ngành thể thao Quân đội vinh danh Lê Đức Phát - Ảnh: FBNV

Ngành thể thao Quân đội vinh danh Lê Đức Phát - Ảnh: FBNV

Hành trình đến Olympic

Sau quãng thời gian đó, Phát trở lại thi đấu với quyết tâm lấy vé đến Olympic Paris 2024. Bước ngoặt đến vào tháng 2-2024, khi anh giành danh hiệu vô địch Giải cầu lông Uganda International Challenge 2024. Đồng thời tích lũy thêm 4.000 điểm thưởng trên bảng xếp hạng các tay vợt tranh suất dự Olympic.

Phát kể: "Trước giải đấu này, tôi chỉ vừa trở lại sau 3 tháng điều trị chấn thương. Lúc đó tôi đã nghĩ khó có cơ hội rồi, vì từ top 30, tôi đã văng ra khỏi top 40 vòng loại Olympic và cũng nằm ngoài top 80 thế giới. Nhưng cuối cùng danh hiệu vô địch đã kéo tôi trở lại. Cuối cùng, tôi đã lội ngược dòng ngoạn mục". Ngày 30-4-2024, Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) công bố danh sách các VĐV lấy suất chính thức dự Olympic 2024, trong đó có Lê Đức Phát. 

Theo bảng xếp hạng thế giới thời điểm đó, Lê Đức Phát đứng hạng 74. Còn với bảng xếp hạng vòng loại Olympic, Đức Phát đứng thứ 34. 

Từ năm 2022 đến nay, Lê Đức Phát đang là tay vợt nam số 1 Việt Nam sau những lần chiến thắng "người thầy, thần tượng" Nguyễn Tiến Minh ở một số giải đấu thuộc hệ thống quốc gia. Trước đó vào năm 2021, anh từng có cú hattrick vô địch đơn nam quốc gia.

Chia sẻ trước thềm Olympic 2024, tay vợt hiện xếp hạng 72 thế giới này nói: "Olympic là sân chơi dành cho các tay vợt hàng đầu thế giới. Do không được xếp hạt giống nên chắc chắn tôi sẽ rơi vào bảng đấu khó. Không sao cả, tôi hy vọng mình sẽ đạt điểm rơi phong độ tốt. Và cộng với may mắn, tôi có thể vượt qua vòng bảng".

Thùy Linh và Lê Đức Phát vào bảng đấu Thùy Linh và Lê Đức Phát vào bảng đấu 'dễ thở' tại Olympic 2024

Chiều 12-7, môn cầu lông Olympic 2024 đã bốc thăm phân định bảng đấu, hai tay vợt của Việt Nam Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát đều có kết quả khả quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên