29/08/2004 21:02 GMT+7

Cuộc hội ngộ của những người cùng chí hướng

              THI NGÔN
              THI NGÔN

TT - Sáng 28-8-2004, hơn 200 bạn đọc, cộng tác viên thân thiết của Tuổi Trẻ đã đến họp mặt nhân sinh nhật lần 29 của báo.

nN47cMJx.jpgPhóng to
Bạn đọc thân thiết và người làm báo Tuổi Trẻ cùng hát vang bài Nối vòng tay lớn - Ảnh: Thanh Đạm

Đồng thời cùng dự buổi trao giải thưởng hai cuộc thi “Phóng sự - ký sự” và thi viết ngắn “Mẹ tôi”.

“Một hoạt động ý nghĩa lớn - bằng tất cả sự trân trọng và trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, phóng viên trong ngôi nhà Tuổi Trẻ, cảm ơn các bạn đã đóng góp những bài viết, những thông tin, cảm xúc của mình cho Tuổi Trẻ” - tổng biên tập Lê Hoàng đã xúc động phát biểu như vậy.

Alô... Tuổi Trẻ đó hả?...

Trong hai năm thiết lập, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ đã nhận hơn 2.000 cuộc điện thoại cung cấp thông tin của bạn đọc khắp nơi (chưa kể thông tin qua email, thư từ).

Trong một lần về thăm quê ở Long An, anh Nguyễn Châu Hoàng Vũ chứng kiến cảnh “gà mắc toi, chết hàng loạt” gây điêu đứng cho không ít nông dân (trong đó có gia đình, bạn bè anh), trong khi chính quyền địa phương lại “làm ngơ”. Quá bức xúc, anh cầm điện thoại lên: “Alô, Tuổi Trẻ đó hả?”... Ngay hôm sau, người bạn Long An gọi lên Bình Dương cho anh biết: “Báo đăng rồi đó mày, một bài dài, chi tiết luôn”.

Anh Vũ là người cung cấp thông tin đầu tiên về dịch cúm gà tại VN, sau đó nhiều báo đài đã lên tiếng và Chính phủ vào cuộc. Không chỉ riêng anh Vũ, rất nhiều bạn đọc cũng đã chọn Tuổi Trẻ. Anh Phan Gia Khang “từ 6g30 sáng đến 22g đều ở ngoài đường” nên “hễ gặp cây gãy, xe đụng... là móc điện thoại gọi Tuổi Trẻ”. Anh Lê Văn Phương (giáo viên Trường THPT Dưỡng Điềm, Tiền Giang) bức xúc chuyện “mấy chiếc ôtô trên tuyến miền Tây chạy bạt mạng lắm. Học sinh đi học bị đụng chết hoài tội nghiệp lắm. Phải gọi để Tuổi Trẻ lên tiếng may ra mới hạn chế được”.

Dì Tư (P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM) còn cụ thể hơn: “Mấy cái hẻm chỗ tui bên ngoài thấy im ắng vậy chứ nạn mua bán ma túy còn ì xèo lắm. Cho tôi gặp phóng viên Võ Hương để nói tường tận hơn để cổ xuống viết bài”.

Nhiều sự kiện độc đáo tạo nên những diễn đàn, phong trào rất... khí thế trên trang báo được khởi đầu chính từ bạn đọc. Mới nhất, còn đang nóng hổi là chiến dịch “Hãy ký tên vì công lý” (giờ đã phát triển thành chương trình “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”) trên Tuổi Trẻ suốt hai tuần nay.

Lê Thúy Bảo Nhi - tác giả đoạt giải nhì cuộc thi “Mẹ tôi” - không tới nhận giải được vì đang làm mẹ trong bệnh viện phụ sản, nhưng chị đã thông qua báo Tuổi Trẻ nhờ trích 500.000 đồng tiền thưởng để ủng hộ vào quĩ “Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam”.

Ngay sau đó, con trai nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký (tác giả đoạt giải nhất cuộc thi viết “Mẹ tôi”) đến nhận giải thay cha, bạn Nguyễn Tiến Dũng - tác giả giải nhì và anh Nguyễn Tiến Đạt - giải ba “Phóng sự - ký sự” mỗi người cũng đã trích giải thưởng 500.000đ.

Thầy Trần Văn Tám - Trường THCS Trung Lập Hạ, Củ Chi - giải khuyến khích “Mẹ tôi” (trích giải 200.000đ), bạn đọc Tô Hoàng Dũng ở P.8, Q.8 (mỗi người cũng trích quà tặng 100.000đ), Nguyễn Đắc Lam ở Đại học Vinh, Võ Văn Thành ở báo Nghệ An cùng đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.

Hai cuộc thi thành công cũng từ chính bạn đọc

Họ - “độc giả biết làm báo” của Tuổi Trẻ - đến với buổi liên hoan như một cuộc hội ngộ. Từng biết nhau qua các bút danh quen thuộc trên chuyên trang 7 phóng sự - ký sự như Lam Giang, Hoa Đắc, Nguyễn Lê Nguyên (Thiếu Gia), Nguyễn Tiến Dũng, Bùi Dũng, Chí Tượng... nhưng hầu như chưa lần nào những con người mê làm báo “tứ xứ” Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội... lại cùng gặp nhau tại TP.HCM này.

Cuộc thi Phóng sự - ký sự năm 2004 của Tuổi Trẻ đã thu hút 527 bài từ hầu hết tỉnh thành cả nước gửi dự thi. Tuy “không có tác phẩm hội đủ tiêu chuẩn phản ánh vấn đề xã hội, góp phần thay đổi tích cực diện mạo cuộc sống mà cuộc thi đề ra để trao giải nhất, nhưng nổi bật một điều là các tác phẩm đều chỉ ra rằng cái đẹp tồn tại hằng ngày ở xung quanh ta” - nhà báo Hàng Chức Nguyên - đại diện ban giám khảo đúc kết. Cuộc thi đã trao hai giải nhì, ba giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác giả.

Một bất ngờ với cuộc thi viết ngắn “Mẹ tôi”, 1.199 bài dự thi là con số kỷ lục từ trước đến nay trong các cuộc thi viết ngắn trên Tuổi Trẻ. Cuộc thi như bắt đúng “mạch” tâm lý vừa gần gũi vừa cao cả trong lòng mỗi người - đó là tình mẫu tử. “90% bài viết về những bà mẹ nghèo vất vả hi sinh cho chồng, cho con.

Phần lớn nay đã mất, để lại bao hối tiếc cho đứa con giờ đã thành đạt nhưng không kịp báo hiếu cho mẹ” - anh Nguyễn Đông Thức - thường trực ban giám khảo - ghi nhận. “Đọc bài nào cũng thấy đâu đó hình bóng của mẹ tôi” - bác Mai Phương (75 tuổi, tác giả bài Mẹ và dòng sông, đoạt giải khuyến khích) bây giờ đã là bà nội, bà ngoại nhưng vẫn ngân ngấn nước mắt khi nhớ về mẹ - “cảm xúc về mẹ thì không bao giờ già và phôi phai”.

“Nhưng đến với Tuổi Trẻ, chúng tôi cũng được nhiều thứ lắm!” - nhiều bạn đọc lên tiếng. Đối với Võ Văn Thành (phóng viên báo Nghệ An) thì “các anh chị trong tòa soạn chỉ dẫn tôi rất nhiều trong cách viết”. Với anh Đắc Hoa (Gia Lai) “phong cách làm báo trẻ”. Với Nguyễn Tiến Dũng (tác giả bài Nàng tiên nhỏ trong gia đình cái bang, đồng hạng nhì cuộc thi Ký sự - phóng sự 2004) thì “gia đình “cô tiên nhỏ” đã đổi đời rồi. 67 triệu đồng của bạn đọc khắp nơi gửi về đã thay đổi cuộc đời cái bang bốn thế hệ”.

Và chúng tôi thấy rõ một điều cho dù bạn đọc chỉ gọi điện thoại, cộng tác viên thường xuyên, không thường xuyên hay là nhân viên, phóng viên, biên tập viên Tuổi Trẻ thì tất cả đều có điểm chung. Đó là cái tâm với con người, trách nhiệm với xã hội và chí hướng góp phần làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

              THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên