04/12/2016 08:00 GMT+7

Tôi là Thị Mầu...

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Cuộc đối thoại giữa cổ và kim, giữa chèo và piano của nghệ sĩ Phó An My đã diễn ra thật ấn tượng và khác lạ trong đêm trình diễn tối 3-12 tại TP HCM.

Phó An My trình diễn piano trong Gió - Ảnh: GIA TIẾN
Phó An My trình diễn piano trong Gió - Ảnh: GIA TIẾN

Gió không phải là cuộc hội thoại đầu tiên của Phó An My với nghệ thuật truyền thống. Nhưng so với Bóng - cuộc trò chuyện giữa piano và chầu văn, Lửa - kết hợp giữa piano và tuồng thì cuộc “nói chuyện” lần này được xem là dễ chịu và dễ lan toả cảm xúc với số đông hơn cả.

Có lẽ bởi so với chầu văn và tuồng, nghệ thuật chèo cổ có một đời sống lâu dài và quen thuộc hơn cả với đa số khán giả yêu văn hoá dân tộc. 

Khán giả có thể sẽ mất 15 phút đầu tiên để hòa nhịp vào không gian chậm rãi, tĩnh tại của Gió. Để lắng nghe tiếng đàn bỏ nhỏ của Phó An My, tiếng trống và bộ gõ của nghệ sĩ Trần Xuân Hoà, tiếng mõ của nghệ sĩ Văn Quý, tiếng nhị của Xuân Hải…

Để đến khi khi giọng chèo ngọt lịm của NSND Thanh Hoài cất lên những làn điệu quen thuộc “Tôi là Thị Mầu, con gái Phú Ông. Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ. Đò đưa cấm gió tôi lên chùa từ thưở mười ba…” thì tất cả những cảm xúc, nghi ngại và e dè lúc ban đầu bỗng chốc tan biến.

Giống như cảm giác người nghe đã tìm được một sợi dây để “dạo bước”, “ngó nghiêng” giữa những làn điệu chèo cổ bên cạnh thanh âm của piano, của trống và contre bass. Từ giây phút ấy trở đi, Gió đã thực sự thổi những cơn mát lành và tươi mới đến người thưởng thức. 

Phó An My - trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ vẫn là lặng lẽ với cây dương cầm đỏ, dường như không quan tâm quá nhiều đến không gian xung quanh. Với chị, tiếng đàn và những ngón tay lướt nhẹ như mây trên phím với những âm thanh lúc dịu êm, khi giữ dội.

Một cuộc đối thoại say sưa và cũng đầy… vất vả! Không vất vả sao được, khi để có gần 90 phút trình diễn hôm nay, chị và êkip của mình đã mất gần ba năm để Gió thành hình…

Với Phó An My nói riêng và những nghệ sĩ dám táo bạo chọn cho mình sự thể nghiệm độc đáo, thì cuộc chơi này không gì hơn là một lời khẳng đinh: âm nhạc cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể giao thoa, kết nối với âm nhạc hiện đại của thế giới mà hoàn toàn không bị hoà tan, mất đi bản sắc đặc trưng của mình. 

Ngoài chương trình âm nhạc đối thoại Gió, khách tham quan trước và sau khi rời khỏi khán phòng có thể dừng chân tại triển lãm đa phương tiện NIG

NIG là một cuộc triển lãm tương tác giữa nhiều ngành nghệ thuật khác nhau như sắp đặt - từ nghệ sĩ Trần Trọng Linh, âm nhạc - Phó An My - Đặng Tuệ Nguyên, ánh sáng, triết học… Và ở đó ranh giới giữa các ngành nghệ thuật trở nên mờ nhạt bởi sự tương hỗ và tương trợ lẫn nhau.

Giữa sảnh chính của không gian triển lãm, một chú heo giống được đặt nằm ngay ngắn. Trên lưng heo là một camera ghi hình toàn bộ những diễn biến mà chú "nhìn" thấy qua lăng kính của mình. Toàn bộ những hình ảnh này được phát lại trên một màn hình phía ngoài cho những khán giả cùng xem.

Theo những nghiên cứu khoa học thì bộ não của người và heo có rất nhiều điểm tương đồng. Và vì không áp đặt bất cứ suy nghĩ nào của tác giả lên người thưởng thức nên mỗi khán giả đến thưởng thức sẽ tự có câu trả lời của riêng mình về hình ảnh có tính chất tượng hình này. 

Xem một số hình ảnh tại Gió - Ảnh: GIA TIẾN 

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên