22/09/2016 09:25 GMT+7

Cuộc cách mạng một cọng rơm: hành trình tìm kiếm bình yên

PHƯƠNG HUYÊN
PHƯƠNG HUYÊN

TTO - Tại sao Cuộc cách mạng một cọng rơm - cuốn sách của một nông dân Nhật Bản (vừa đoạt hai giải tại giải Sách hay 2016) - có thể trở thành kim chỉ nam cho hành trình tìm kiếm bình yên của chúng ta?

Sách Cuộc cách mạng một cọng rơm


Cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka (1913-2008) được xuất bản ở Việt Nam giữa thời điểm người người, nhà nhà bàn đến vấn đề thực phẩm sạch mỗi ngày.

Vô canh: lựa chọn cuối cùng

Người nông dân, ngư dân đột nhiên trở thành đối tượng bị “vạch trần” các hành vi sử dụng hóa chất, lừa khách hàng trên mọi kênh truyền thông từ chính thống đến không chính thống. Ngày nào người dân cũng phải ăn và ngày nào cũng sống trong sợ hãi.

Sự bất an ấy không chỉ giới hạn trong thực phẩm, vì giờ đây chúng ta luôn sợ bị lừa trong mọi phương diện. Tóm lại, ta đang có một cuộc sống thiếu hạnh phúc!

Thật ra, bối cảnh ra đời của cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm tại Nhật Bản cũng không khác gì. Nước Nhật, với tham vọng trở thành một cường quốc, đã chạy theo niềm tin rằng các kỹ thuật nông nghiệp phương Tây sẽ giúp các nông trại phát triển bền vững và cung cấp nguồn lương thực lớn.

Các cánh đồng tại Nhật Bản nhiều năm trở thành sân tập của nhiều loại hóa chất. Chính Masanobu Fukuoka đã dành phần đầu sự nghiệp cho việc nghiên cứu và theo đuổi những kỹ thuật ấy, đến khi sự hoài nghi đẩy ông vào khủng hoảng tinh thần để rồi cuối cùng đưa ông về với lựa chọn cuối cùng: “vô canh”.

Cuộc cách mạng một cọng rơm không phải là bản báo cáo kết quả của một nghiên cứu ngắn hạn, đó là kết quả của hàng thập kỷ theo đuổi triết lý nông nghiệp tự nhiên, là câu chuyện cuộc đời của Fukuoka với những kết quả có thật.

Ông đã từ bỏ công việc của một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, trở lại quê nhà, bắt đầu lại nghề nông giữa đất và trời và gắn bó với nông trại suốt phần đời còn lại

Trong cả đời làm nông, ông không cày xới đất, không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất.

Và trái lại với sự hoài nghi của hàng triệu nông dân cần mẫn đầu tắt mặt tối cải tạo đất đai và diệt sâu trừ cỏ, nông trại của ông có sản lượng vượt trội.

Khủng hoảng do có quá nhiều tham vọng

Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka - Ảnh tư liệu

Cách làm nông của ông thoạt nghe có vẻ lý tưởng với những người lười biếng. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn đi theo con đường của Fukuoka, họ sớm nhận ra rằng việc trở thành một nhàn nông là một con đường nhiều thử thách mà kẻ gây cản trở lớn nhất là nội tâm của mỗi người. Việc đầu tiên mà người ta phải học, đó là sự kiên nhẫn.

Họ cần biết rằng mọi thứ trên đời đều có chu kỳ phát triển, vòng đời và giới hạn khả năng. Họ phải học cách chấp nhận tự nhiên không có thiện ác, tốt và hại. Họ buộc phải đợi, buộc phải quan sát, buộc phải thất bại, buộc phải hiểu rằng sự tự nhiên đã có sự bền vững vĩnh hằng của nó.

Chúng ta trở thành nông dân không phải là để chinh phục tự nhiên như ngộ nhận của nhiều người, trái lại, là để học từ tự nhiên và vay mượn từ đó lương thực cho mình, rồi phải trả lại cho tự nhiên cơ hội phát triển tiếp.

Chính ở đó, tư tưởng của Fukuoka vượt ra khỏi giới hạn của một ngành nghề. Ông nhắc nhở tất cả mọi người, dù họ đang sống ở đâu, đang làm việc gì, về sự tồn tại như một sinh thể gắn với tự nhiên của họ.

Sự khủng hoảng của nông nghiệp, cũng như sự khủng hoảng của một cá nhân, bắt nguồn từ việc chúng ta có quá nhiều tham vọng và mong muốn điều khiển mọi thứ phục vụ tham vọng ấy. Và cốt lõi của sự “vô canh” trong nông nghiệp, cũng như sự tồn tại của cá nhân, chính là việc hiểu được giá trị và vị trí của mọi điều tồn tại trong thế giới và hiểu đâu chính là sự “đủ” của mình.

Sự thay đổi nhân sinh quan của một cá nhân có thể bắt đầu ngay từ việc chúng ta ăn, bằng việc ta không cố tạo ra sự “ngon” mà nhận biết cái ngon trong mọi thực phẩm.

Cũng như vậy, sự thay đổi trong nông nghiệp hay cách loài người tồn tại không bắt đầu từ những thứ vĩ mô to lớn, mà bắt đầu từ việc chúng ta nhận ra sức mạnh của một cọng rơm, của một cá thể bé nhỏ.

Và bởi như vậy, Cuộc cách mạng một cọng rơm có thể trở thành một cuốn sách gối đầu giường của nhiều người. Cuốn sách sẽ cho bạn hiểu như thế nào là sự bình yên, sự an toàn thực sự khi bạn là một con người. Nhưng cũng đừng hi vọng rằng đây là cuốn cẩm nang giúp bạn tạo ra một chiếc bánh kem mang tên hạnh phúc.

Vì như Fukuoka đã nói: “Tự nhiên không bao giờ có thể được thấu hiểu hoặc cải tạo nhờ vào nỗ lực của con người. Cuối cùng thì, để hòa làm một với thượng đế, người ta không thể giúp người khác, ngay cả nhận sự giúp đỡ từ họ cũng không. Chúng ta chỉ có thể tự mình đi con đường của mình”.

PHƯƠNG HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên