24/01/2015 10:18 GMT+7

​Cùng nhau về vùng biển vắng

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Ánh mắt ngời sáng trên gương mặt sạm đi vì nắng gió, chị Hoàng Thị Hòa (38 tuổi) kể về cuộc sống nơi đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận những ngày mới theo chồng.


Thượng úy chuyên nghiệp Đinh Trần Lê và con gái Quỳnh Anh. Những ngày này vợ vào TP.HCM khám bệnh, anh một mình lo cho conẢnh: Y.TRINH

Chồng chị - anh Đinh Trần Lê (40 tuổi, thượng úy chuyên nghiệp tại trạm rađa 55, trung đoàn rađa 292) ra đảo sinh sống.

Anh Lê, chị Hòa nên duyên vợ chồng năm 1999. Cùng chung quê hương Nghi Lộc, Nghệ An, cưới nhau xong anh tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ, chị ở lại nuôi con trai mới lọt lòng.

Vượt cạn một mình

Mỗi năm anh Lê được một đợt phép, vợ chồng con cái gặp nhau vài ngày ngắn ngủi lại chia xa. “Thấy cảnh chia cách như vậy, tôi mới bàn với vợ hay là cứ ra đảo sống, khó khổ gì cũng có nhau. Suy nghĩ đắn đo, cuối cùng đành gửi con cho ông bà nuôi, vợ tôi lên đường ra đảo” - anh Lê nhớ lại. Đó là năm 2002.

Những ngày mang thai đứa con thứ hai là những ngày nhiều nước mắt trong cuộc đời chị Hòa. Ra đảo mới hai năm, chị Hòa chưa có nghề ổn định, hai vợ chồng thuê trọ ở xã Tam Thanh.

2-3 tuần anh Lê mới về nhà vào cuối tuần, bao nhiêu buồn tủi thai nghén chị chỉ giữ trong lòng để anh yên tâm công tác. Năm 2005, con gái anh chị chào đời, bụ bẫm xinh xắn.

Một mình anh không thể lo cho cả gia đình, chị xin một chân làm công nhân công ty thủy sản, rồi xoay qua bán hàng ăn.

Còn với chị Nguyễn Thị Quyên (28 tuổi, vợ trung úy chuyên nghiệp Lê Tiến Cần, 31 tuổi, công tác tại trạm rađa 575, trung đoàn rađa 451), những ngày theo chồng ra đảo chị thường thui thủi một mình vì khi ấy anh Cần công tác tại một đơn vị đóng quân ở Hòn Tranh, cách đảo chị sống khoảng 1 hải lý.

Để về thăm chị, anh theo xuồng tiếp phẩm của đơn vị. “Ra đảo, tuy chịu cảnh vài tuần anh mới về một lần, nhưng dù sao cũng đầm ấm hơn ngày ở quê một năm mới gặp. Vậy nên dù thế nào, tôi cũng nguyện cùng anh vượt qua” - chị Quyên chia sẻ.

Năm 2010, chị Quyên mang thai. Đơn vị tạo điều kiện cho anh Cần về nhà nhiều hơn.

Anh Cần xúc động nhớ lại: “Mấy tháng đầu vợ tôi bị nghén, ăn uống rất khó. Mỗi khi về nhà, tôi tranh thủ làm việc nhà, nấu nướng chăm sóc cho cô ấy đỡ tủi thân. Trên đơn vị, tôi cũng thường xuyên gọi điện an ủi vợ. Những ngày tháng đó vất vả nhưng tình vợ chồng vì thế càng thêm gắn bó”.

Mang thai đã khó, sinh con ra chị Quyên lại càng thêm lo toan. Mỗi khi con đau ốm, anh đang ở đảo, chị lại một mình tất tả ngược xuôi để lo cho con.

Chuyện hai nhà chung vách

Cùng là lính nên anh Lê và anh Cần thấu hiểu hoàn cảnh của nhau. Hai gia đình mở chung quán hàng ăn mấy năm nay. Đằng sau quán, họ dựng hai tổ ấm “mini” cửa đối diện nhau, mỗi căn phòng chừng 12m2.

Chị Hòa và chị Quyên coi nhau như hai chị em, cùng lo việc bán buôn chăm chút cho quán ăn và gia đình. Hai bé con của hai gia đình cũng rất thân thiết.

Năm 2012, đơn vị anh Cần công tác sáp nhập với trạm rađa 575 này. Ngày biết tin, chị Quyên mừng lắm vì từ nay vợ chồng ở gần nhau hơn.

“Con gái đã cứng cáp, hai vợ chồng bàn nhau mở quán ăn để có đồng ra đồng vô lo cho con” - chị Quyên nói. Hai vợ chồng anh Cần đang cố gắng dành dụm nuôi con và trả nợ phần nào tiền vay mượn để xây quán ăn dạo trước.

Con gái anh đang học mẫu giáo, luôn quấn quýt bên bố, ngày nào cũng đòi mẹ gọi điện để nghe bố nói chuyện. Chị Quyên cười: “Rồi khó khăn sẽ qua đi khi vợ chồng cùng đồng lòng”.

Thử thách của đời

Tưởng rằng thời kỳ gian khó nhất đã qua đi, nhưng đến năm 2007, con trai lớn của vợ chồng anh Lê là Đinh Hoàng Trần Hiếu bị viêm não. Từ đảo xa, anh cùng vợ về quê đưa con ra Hà Nội chạy chữa.

“Bệnh để lại di chứng liệt nửa người, Hiếu giờ phải ngồi xe lăn. Thương con nhưng chúng tôi phải để cháu ở quê cho ông bà” - anh Lê nói.

Năm 2011, con gái anh Lê là Đinh Hoàng Quỳnh Anh đi khám ở Bệnh viện quân dân y của đảo được chẩn đoán thiếu máu không rõ nguyên nhân. Anh đưa con vào TP.HCM khám bệnh, càng đau đớn hơn khi biết con bị ung thư máu.

Liên tục trong hai năm, tranh thủ những ngày phép, xin thêm ngày nghỉ, anh đưa con vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chữa trị.

“Những đợt xạ trị, nhìn con đau đớn mà ứa nước mắt. Thời gian bé nằm viện, hai cha con cứ hay đùa nhà mình ở số 2 Nơ Trang Long (địa chỉ bệnh viện - PV) vì đó là những ngày tuyệt vọng đằng đẵng” - anh Lê kể.

Rồi con được về lại đảo Phú Quý, nhưng cứ 2-3 tháng anh đưa con vào TP.HCM tái khám. Mỗi lần đi, không kể những tốn kém tiền bạc, chuyện đón tàu cũng đã là một thử thách.

Vào mùa biển động, đợi cả tháng trời không có chuyến nào, hai vợ chồng rất sốt ruột vì sợ ảnh hưởng bệnh của con. Khi lênh đênh trên biển, nhìn con gái, rồi nhìn biển khơi vời vợi, lòng người cha như có ngàn mũi dao đâm.

Ngày chúng tôi đến thăm, Quỳnh Anh ríu rít bên cha như con chim nhỏ. Anh Lê sau những gánh nặng, những lo toan, người trở nên khắc khổ hơn cái tuổi 40. Biển ngoài kia cứ ầm ào sóng gió, đâu biết nơi này có những số phận quá lẻ loi.

“Cũng may tôi còn có người vợ chịu thương chịu khó. Hai con bệnh tật nhưng rất ngoan và thương cha mẹ, thôi thì đó là chút phúc phần của đời mình rồi” - anh trải lòng.

Còn chị, khi được hỏi về anh Lê, về hoàn cảnh của mình, chị chỉ đáp giản dị: “Ở đảo này ai cũng có khó khăn riêng, đã chấp nhận gắn bó với đảo nên tôi không thể than thở. Anh và các con rất cần tôi”.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên