02/03/2008 03:38 GMT+7

Cùng nghe guitar cổ điển với Kim Chung

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Bằng ngón đàn giàu nữ tính, trên nền âm thanh êm dịu, Kim Chung (ảnh) đưa người nghe vào cuộc hành trình âm nhạc của mình với tiếng tây ban cầm réo rắt dẫn đường.

BopSwEn2.jpgPhóng to

Nghe trực tuyến CD Recuerdos de tremoloRadio online 43: Lắng cùng giai điệu guitarKim Chung - phiêu linh cùng ngón đànYểu điệu guitar

Cô nói mình muốn chứng minh nhạc cổ điển không hoàn toàn khó nghe như mọi người vẫn nghĩ. Để làm được điều đó, Kim Chung đã cố công giảm tính hàn lâm bằng những kỹ thuật nhà nghề mà vẫn giữ được cái "cái thần" và sự tinh tế của "nhạc bác học" trong các album của mình.

Giấc mộng vườn hoa (12-2007) là album thứ hai vừa phát hành của nữ nghệ sĩ guitar Kim Chung. Khác với vol.1 Hoài niệm tremolo (6-2006) toàn độc tấu, album vol.2 vừa có những bản độc tấu, vừa có những bản chơi cùng dàn nhạc. Vẫn là những tác phẩm âm nhạc cổ điển có khi đã trở thành những kỷ niệm của bao thế hệ người nghe: Canon in D major của Pachelbel, hai bản Ave Maria của Bach/Gounod và Schubert, Concerto in D major của Vivaldi, Waltz n.7 của Chopin... Nhưng tất cả dường như đã được khoác một chiếc áo mới với những kiểu cách hiện đại hơn.

Như bản Canon in D major, từ "canon" có nghĩa là "hát đuổi", một hình thức đuổi bắt giai điệu nên Kim Chung mạnh dạn áp vào tác phẩm vốn được viết cho đàn organ nhà thờ này kỹ thuật móc dây khó thần sầu. Hay Ave Maria, Kim Chung lại "cả gan" chơi nguyên tác phẩm bằng kỹ thuật tremolo sở trường với mong muốn giai điệu được ngân dài, không ngắt quãng, vang mãi trong lòng người nghe. Còn việc chọn Hoài cảm(không thuộc hàng cổ điển), bản nhạc Việt duy nhất vào album, chỉ vì muốn mở ra một khoảnh khắc của sự đổi thay, đưa người nghe vào một không gian thân thuộc hơn.

Và Kim Chung đã chọn lối chơi rất đặc biệt cho ca khúc VN này để thấy rằng nhạc nhẹ VN nếu khéo đánh nghe "trình độ” không thua gì nhạc cổ điển. Nhờ vậy mà Hoài cảm qua tiếng đàn của Kim Chung nghe thật đầy đặn với những cảm xúc nhẹ nhàng lúc ban đầu, dâng trào ở đoạn giữa và mãnh liệt vào đoạn cuối...

Dẫu giỏi nghề nhưng hầu hết các nghệ sĩ hàn lâm Việt vẫn e ngại phát hành sản phẩm âm nhạc cổ điển ra công chúng, bởi nếu đánh thật bác học cho xứng tầm thì khó lòng "lọt tai" phần lớn người nghe Việt (chưa kể các sản phẩm đó đã đầy rẫy trên thị trường qua sự thể hiện của những tên tuổi khắp thế giới). Còn nếu chơi "nhẹ” hơn như Kim Chung lại lo các đồng nghiệp chê cười. Thế mới thấy "cô gái vàng của môn guitar cổ điển" Kim Chung thật "lì”.

Tám tuổi đã "móc" guitar cổ điển, tốt nghiệp Nhạc viện TP với thứ hạng xuất sắc, giành được học bổng và tốt nghiệp môn guitar cổ điển tại Nhạc viện Hoàng gia Madrid (Tây Ban Nha) cùng vô số giải thưởng, vậy mà Kim Chung chỉ ao ước có những sản phẩm thật phổ thông. "Ngoài việc là một nghệ sĩ, Chung còn là một cô giáo nên việc trước tiên Chung phải làm là phổ cập bằng được nhạc cổ điển cho các học trò nhỏ của mình. Vì điều kiện chung nên ngay cả các em thi vào nhạc viện vẫn chưa quen nghe nhạc cổ điển huống chi những thành phần khác của xã hội.

Trên thị trường gần như không có những sản phẩm nhạc cổ điển "nhẹ đô" để mọi người có thể tìm hiểu và tập nghe dần. Các album của Chung nhắm vào điều đó và cũng để thỏa lòng đam mê của riêng Chung. Có ai chơi nhạc mà không muốn thử thể hiện các tác phẩm yêu thích với những kỹ thuật và cảm nhận của riêng mình? Mà khi tự mình biên tập, chuyển soạn và thể hiện các tác phẩm cho album cũng là lúc mình học thêm được nhiều điều có ích cho nghề nghiệp" - Kim Chung tâm sự.

Nghe đâu đó vang vọng tiếng đàn của Kim Chung, thật nhẹ, thật êm như chẳng vướng bận chút phép tắc nào của nhạc hàn lâm nhưng cũng thật nặng, thật sâu những trăn trở của người học và chơi loại nhạc này.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên