Phóng to |
Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên phúc thẩm hai bản án dân sự, một trong hai bản án đã bị Viện KSND TP Hà Nội báo cáo lên TAND tối cao, đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đòi nhà không phải của mình
Chịu trách nhiệm về quyết định của mình Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-7, thẩm phán Nguyễn Phúc Tuấn - chủ tọa phiên tòa xét xử vụ Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội kiện bà Cao Thục Khanh - cho biết: “Quan điểm của tòa là ý kiến bằng bản án và xử lý theo pháp luật, chúng tôi không có ý kiến cá nhân nào nằm ngoài lề bản án. Chúng tôi tuyên án dựa trên hồ sơ, hiện hồ sơ được lưu ở văn phòng. Tôi biết bản án này có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng mọi cái đều thể hiện bằng bản án. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Nguyên tắc luật định là thẩm phán tự chịu trách nhiệm với bản án của mình”. |
Theo hồ sơ vụ án, bà Cao Thục Khanh nguyên là kế toán của Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội. Năm 1988, Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Nội đồng ý cho bà Khanh sử dụng căn nhà số 3, ngõ 115, đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (vốn là nhà kho của công ty). Bà Khanh ở ổn định từ đó đến nay, hằng năm đều đóng thuế đầy đủ.
Năm 2005, Công ty Vật tư nông nghiệp tự chuyển đổi thành Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Hà Nội. Phần nhà đất có ngôi nhà bà Khanh đang ở không được đưa vào cổ phần hóa, công ty cũng chưa bàn giao ngôi nhà cho cơ quan nhà nước quản lý.
Từ năm 2010, công ty liên tục đòi bà Khanh trả nhà nhưng bà không trả nên đã ra quyết định thu hồi nhà của bà Khanh. Bà Khanh làm đơn khiếu nại gửi UBND TP Hà Nội. UBND TP có công văn trả lời việc công ty ra quyết định thu hồi nhà là thiếu thận trọng, chưa đúng quy định của pháp luật. Theo các quy định của pháp luật, nhà đất là tài sản mà công ty giao cho cán bộ công nhân viên sử dụng thì không được đưa vào cổ phần hóa mà phải bàn giao cho Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, công ty đã phớt lờ các quy định này và làm đơn khởi kiện đòi nhà với bà Cao Thục Khanh tại TAND quận Hoàng Mai. Tương tự, công ty cũng nộp đơn khởi kiện đòi nhà đối với bà Phạm Thu Hà (45 tuổi) tại TAND quận Đống Đa. Bà Hà được công ty phân nhà cho ở từ năm 1994.
Bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai và TAND quận Đống Đa đều chấp nhận yêu cầu đòi tài sản của công ty, buộc bà Khanh, bà Hà phải trả lại nhà cho công ty sử dụng. Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, bà Khanh và bà Hà làm đơn kháng cáo.
TAND TP Hà Nội mở hai phiên xét xử phúc thẩm lần lượt vào ngày 15-5 và 24-5 nhưng hai thẩm phán của tòa này lại tuyên hai bản án trái ngược nhau. Cụ thể, với yêu cầu khởi kiện của công ty đối với bà Phạm Thu Hà thì tòa tuyên hủy án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do công ty sau khi cổ phần hóa thì tài sản thuộc sự quản lý của Nhà nước, công ty không có quyền khởi kiện. Còn với trường hợp bà Cao Thục Khanh, tòa lại tuyên y án sơ thẩm, buộc bà Khanh phải trả lại nhà cho công ty, mặc dù tính chất hai vụ việc này đều giống nhau.
Bản án của TAND TP Hà Nội với trường hợp bà Cao Thục Khanh ngay lập tức bị Viện KSND TP Hà Nội có công văn gửi Viện KSND tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo công văn của Viện KSND TP Hà Nội, công ty sau khi cổ phần hóa phải giao lại tài sản (là khu nhà ở của cán bộ công nhân viên công ty) cho Nhà nước quản lý, công ty không có quyền khởi kiện. Việc tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm thụ lý và chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp là trái với quy định của pháp luật. Viện KSND TP Hà Nội đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên.
Kháng nghị là chuẩn xác
Kiểm sát viên Hoàng Vĩnh Thảo (Viện KSND TP Hà Nội), người giữ quyền công tố tại phiên tòa mà bị đơn là bà Cao Thục Khanh, cho biết: “Tôi hết sức ngạc nhiên và không ngờ thẩm phán của tòa án Hà Nội lại tuyên một bản án như vậy. Các chứng cứ pháp lý của vụ án quá rõ ràng. Tại phiên tòa, tôi đã đề nghị quan điểm từ năm 2005 Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Hà Nội được cổ phần hóa thì căn nhà mà các bên hiện đang tranh chấp không còn là tài sản của công ty. Công ty đứng đơn đòi nhà với bà Khanh là không đúng quy định pháp luật”.
Sau phiên tòa, kiểm sát viên Hoàng Vĩnh Thảo đã báo cáo lên Viện KSND TP Hà Nội để có công văn gửi Viện KSND tối cao đề nghị giám đốc thẩm bản án.
Cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi xem hồ sơ vụ án này, luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nói: “Xem hồ sơ vụ kiện giữa Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Hà Nội với bà Cao Thục Khanh, tôi cảm thấy quá ngạc nhiên, không hiểu nổi tại sao thẩm phán của tòa Hà Nội lại tuyên như vậy. Hai vụ việc với nội dung và tính chất như nhau lại được xử khác ngay ở cùng một tòa án. Theo tôi, bản án với bà Phạm Thu Hà là chuẩn xác, còn bản án với bị đơn là bà Cao Thục Khanh là trái pháp luật. Vì thứ nhất, công ty giao nhà ở cho bà Cao Thục Khanh khi còn là doanh nghiệp nhà nước. Gia đình bà Khanh có số nhà, ăn ở ổn định từ đó đến nay. Khi công ty cổ phần hóa thì tài sản này không nằm trong tài sản đưa vào cổ phần hóa. Trong sơ đồ giao đất của công ty khi cổ phần hóa cũng không có phần nhà đất này.
Thứ hai, bà Khanh đã khiếu nại việc tranh chấp nhà đất này lên UBND TP Hà Nội, UBND TP đã có quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó nêu rõ nhà đang tranh chấp không còn thuộc tài sản của công ty. Thẩm phán của tòa Hà Nội không xem xét các chứng cứ, hồ sơ vụ án”.
Theo luật sư Triển, đáng lý ra TAND TP Hà Nội phải căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP để hủy án sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của công ty chứ không nên tuyên y án sơ thẩm. “Tôi thấy kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội là chuẩn xác” - luật sư Triển nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận