Bẫy được làm rất đơn giản, chỉ một thanh gỗ bề ngang khoảng 1-2cm, dài 1m, được bôi keo dính khắp bốn mặt và có rắc vài hột lúa. Ở một đầu thanh gỗ treo chiếc loa mini, phát ra liên tục tiếng hót đặc trưng của loài chim sẻ. Tôi nhìn thấy hai chú chim sẻ bị dính chân vào keo đang cố sức đập cánh một cách tuyệt vọng. Nghe tiếng kêu thảm thiết của hai “nạn nhân” này, xen lẫn với tiếng hót giả tạo từ chiếc loa kia, tôi không cầm lòng được. Quan sát chiếc lồng sắt to được buộc vào yên xe máy của người đàn ông, tôi thấy còn có bốn chú chim sẻ nữa đã bị nhốt. Tôi liền thương lượng với ông ta để xin phóng thích sáu chú chim tội nghiệp. Sau một hồi ngã giá, tôi trả 50.000 đồng mới đổi lại được tự do cho sáu chú chim vô tội.
Mặc dù người đàn ông kia giải thích bẫy chim sẻ để mang đến các ngôi chùa bán cho người ta phóng sinh, nhưng tôi biết số phận những chú chim này thường kết thúc ở các quán nhậu. Mỗi ngày có bao nhiêu con người thưởng thức những món họ cho là “độc” mà không biết rằng chính mình đã khuyến khích và tiếp tay cho việc làm tàn nhẫn kia? Tôi nghĩ với “năng suất” giống như người đàn ông nọ, chẳng bao lâu nữa loài chim sẻ chỉ còn thấy trên hình vẽ.
Trước đây, có lần tôi phải mua cái lẩu dê để xin chuộc ba con sóc bị một nhóm thợ hồ bẫy được, định làm mồi nhậu vào chiều thứ bảy. Ở quận 9 (TP.HCM) của tôi còn may mắn được nhìn thấy những chú sóc vô tư chuyền từ cành này qua cành kia, chứ ở trong nội thành chắc nằm mơ cũng hiếm thấy.
Sẽ không phải chuyện nhỏ nếu hành động săn bắt chim muông vẫn diễn ra hằng ngày. Rất mong cơ quan chức năng quan tâm ngăn chặn sớm, cũng như không ngừng giáo dục người dân không mua, không dùng thịt chim, thú đang cần được bảo vệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận