06/03/2019 09:12 GMT+7

Cùng giữ sạch không gian mạng

KHÁNH HƯNG - TẠ TƯ VŨ
KHÁNH HƯNG - TẠ TƯ VŨ

TTO - Luôn mong muốn góp phần làm trong sạch không gian mạng, chống lại sự hoành hành của thông tin giả, xấu, độc nhưng cộng đồng mạng đang vô tình tiếp tay phát tán chúng.

Cùng giữ sạch không gian mạng - Ảnh 1.

Đua theo trào lưu

Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao về câu chuyện một nhóm bạn trẻ giành được nút vàng YouTube nhờ chuỗi video clip với môtip "chủ tịch giả nghèo và cái kết". Người chê kênh này rất nhiều bởi nội dung đơn giản và cái kết luôn được định sẵn, không bất ngờ, thiếu hài hước, nghèo giá trị cảm xúc. Thế nhưng thực tế đang có rất nhiều người theo dõi chuyện này với hàng triệu lượt xem mỗi clip,

Đó chỉ là một trong số những trào lưu (trend) mà rất nhiều người đang chạy theo hằng ngày trên mạng. Hễ có sự kiện hoặc một trò vui nào đó trở thành "hot trend" là người người đua chen "post" lên Facebook những điều liên quan, gọi là mình cũng theo kịp thời đại... 

Câu hỏi đặt ra: điều này cần thiết không, ích lợi gì cho xã hội lẫn bản thân? Và phía sau sự thỏa mãn của số đông cộng đồng mạng là gì?

Nổi bật trong tháng qua là mấy chữ "Tiền nhiều để làm gì?". Một câu trích từ phiên tòa ly hôn được nhiều người lấy làm niềm vui riêng và phán xét các kiểu. Những câu chuyện "chủ tịch giả nghèo và cái kết" bắt chước từ những clip xuất hiện ở nước ngoài, nhóm bạn trẻ Việt làm clip về những "vị chủ tịch" giả nghèo, giả xấu xí để thử lòng những bạn bè, đồng nghiệp... 

Như một cái bẫy tâm lý được định sẵn, "vị chủ tịch" sẽ nhận lấy những khinh khi, dè bỉu. Rồi "chủ tịch" sẽ rũ bỏ hình ảnh nghèo hèn để trở lại với tư cách cao sang và rao giảng một bài học cho những người lỡ buông lời chê bai rằng: đừng bao giờ coi thường người khác. Cái kết luôn như thế đã làm "hả lòng hả dạ" đa số đám đông hiếu kỳ, thích bàn tán.

Chúng ta đang ích kỷ, hời hợt, thỏa mãn với cái kết đầy "mưu mẹo" này và lấy cảm xúc thỏa mãn đó làm vui. Tôi cũng nhớ đến những câu chuyện cổ tích Việt Nam, trong đó đặc biệt là Tấm Cám với nhiều cái kết đầy tranh cãi (nhất là cái kết Tấm trả thù). 

Và nếu so với cái kết "chủ tịch giả nghèo" đang nóng trên mạng hôm nay thì cả hai đều giống nhau ở việc chúng ta thích thú với câu chuyện những con người đầy mưu mẹo lẫn ích kỷ. Điều đó có cần thiết chăng? Đó chắc chắn không phải là điều tốt và không hướng chúng ta đến một lối sống tử tế, khiêm nhường nhân ái.

Trào lưu trên mạng rồi cũng qua nhanh. Điều dễ thấy là nhiều người vẫn đang đua theo những điều nhỏ nhặt, tiểu tiết, hời hợt... Có chăng là sự thỏa mãn tò mò trong chốc lát.

Khi tin giả không chỉ để "câu like"

Tuần rồi, rất nhiều người dùng mạng đã chia sẻ thông tin về câu chuyện một em bé 20 ngày tuổi của mình đang ngủ bỗng dưng "biến mất", ai đó đã để lại ít tiền nơi bé đã nằm... Cư dân mạng biểu lộ cảm xúc bằng việc chia sẻ thông tin, an ủi người mẹ. 

Và rồi mọi người đã phẫn nộ khi biết đó là câu chuyện bịa đặt. Sự thật là mẹ của bé đã cho con mình cho người khác và đã bịa chuyện đăng lên Facebook để "hợp thức hóa" chuyện đứa con biến mất.

Trước Tết âm lịch, nhiều người dân xôn xao, hoang mang vì thông tin 200 tỉ tiền giả đang lưu hành ở Quảng Bình. Khi công an vào cuộc, tìm tra người đưa tin trên mạng mới vỡ lẽ đó là thông tin bịa đặt. Những câu chuyện không có thật lan truyền trên mạng không mới về hình thức, nhưng tính chất đã khác hẳn.

Nếu như trước đây nhiều người đưa những thông tin giật gân, bịa đặt cốt để "câu like", ngày nay những thông tin giả mang tính chất nghiêm trọng hơn nhiều. Đó có thể là một âm mưu nhằm phá hoại trật tự an toàn xã hội, hoặc những tính toán nhằm qua mặt luật pháp.

Những hình ảnh và câu chuyện sai sự thật rồi sẽ bị phát hiện. Điều đáng lưu tâm là: khi ngày càng nhiều câu chuyện hư hư thật thật như vậy được phổ biến hơn và bị bóc mẽ, nhiều người sẽ nghi ngờ, giảm niềm tin về những câu chuyện người thật việc thật, những câu chuyện tốt đẹp vốn còn ít ỏi trên mạng.

Vô tình phát tán tin xấu

Đã bao giờ chúng ta cảm thấy xấu hổ khi từng chia sẻ câu chuyện không có thật đến người thân, bạn bè mình? Chia sẻ điều hay lẽ phải sẽ lan tỏa cái đẹp, chia sẻ thông tin thất thiệt sẽ gây hoang mang, rắc rối. Bình tĩnh chọn lọc và kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ là cần thiết, thể hiện là người có ý thức trách nhiệm, vừa là người am hiểu vấn đề hơn là a dua, theo phong trào.

Khi trên mạng quá dày những "tin vịt", chúng ta sẽ chán ngán khi buộc phải thưởng thức những bữa "thịt vịt" kiểu như thế! Thiệt hại cuối cùng ở chính chúng ta. Nếu không cẩn thận, người dùng mạng còn có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật khi bị lợi dụng vào mục đích riêng, động cơ xấu của người chuyên làm và phát tán thông tin giả có ý đồ (mục đích kinh tế, chính trị...).

Luôn mong muốn góp phần làm trong sạch không gian mạng, chống lại sự hoành hành của thông tin giả, xấu, độc nhưng nhiều người trên cộng đồng mạng đang vô tình tiếp tay phát tán chúng.

Khôi Nguyên

Ngăn hình ảnh độc trên mạng: Nhận diện mối nguy với trẻ Ngăn hình ảnh độc trên mạng: Nhận diện mối nguy với trẻ

TTO - Một báo cáo công bố vào tháng 1-2019 của Tổ chức We Are Social cho thấy 99% người dùng Internet có xem video trên mạng, trong đó có đến 95% người xem qua thiết bị di động.

KHÁNH HƯNG - TẠ TƯ VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên