Ngày 24/6, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy di cư an toàn từ Việt Nam thông qua thí điểm thành lập Văn phòng thông tin di cư”. Dự án thiết lập và vận hành thí điểm Văn phòng thông tin di cư (MRC) được thành lập tại Việt Nam từ tháng 11/2011, do Cục Quản lý lao động ngoài nước và IOM phối hợp thực hiện. Văn phòng giúp cung cấp thông tin về thị trường lao động nước ngoài, pháp luật, chính sách của Việt Nam liên quan đến lao động làm việc ở nước ngoài, địa chỉ của các văn phòng, tổ chức trợ giúp liên quan, cảnh báo rủi ro thường gặp khi di cư trái phép…
MRC là trung tâm thông tin chính thống để người lao động có thể tự tìm kiếm thông tin tin cậy liên quan đến thị trường lao động ngoài nước. Mặc dù Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều chương trình thông tin về chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người đi làm việc ở nước ngoài nhưng hiện tượng thiếu thông tin hoặc quá nhiều nguồn thông tin nhiễu do chưa tiếp cận được đầy đủ các nguồn thông tin chính thức đã gây khó khăn cho người lao động trong quá trình di cư.
Tính đến tháng 5/2014, MRC đã tư vấn hỗ trợ thông tin về di cư cho 3.500 lượt lao động, bình quân hàng tháng MRC tư vấn cho khoảng 150 lao động, trong đó 70% số lượt tư vấn qua điện thoại. Số lượng lao động cần tư vấn đang tăng lên theo thời gian, nếu vào thời điểm tháng 6/2012, văn phòng chỉ tư vấn cho khoảng 60 lượt người/tháng thì hiện tại tỷ lệ này đạt trên 200 lượt/tháng. MRC cũng đã xây dựng hồ sơ 15 thị trường lao động nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… in thành sổ tay và đưa lên website của văn phòng để người lao động dễ dàng tham khảo.
Văn phòng MRC đã thực hiện khảo sát đối với người lao động làm việc ở nước ngoài và thân nhân lao động tại một số tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh… Kết quả khảo sát cho thấy ý thức người dân về di cư lao động an toàn đã tăng lên, người lao động đã có ý thức thu nhập, tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc thận trọng hơn trước khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động. Đặc biệt, các thông tin quan tâm tập trung vào việc đi làm việc ở nước ngoài một cách hợp pháp.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần tiến tới mở rộng mạng lưới văn phòng tư vấn để tạo điều kiện cho lao động vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận thông tin về di cư tự do. Văn phòng cần được đảm bảo các nguồn lực về nhân sự và tài chính để duy trì hoạt động. Nguồn lực của văn phòng cần đa dạng hóa, có thể huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cùng với ngân sách Nhà nước để đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên.
Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận