18/07/2008 06:27 GMT+7

"Cục cưng" và học kỳ quân đội

KIM ANH
KIM ANH

TT - 83 bạn trẻ đã trở thành "tân binh" trong môi trường quân đội thật sự. Đó là những bạn trẻ đã tham gia chương trình "Học kỳ trong quân đội".

C0pjtsKx.jpgPhóng to
Học cách xếp mùng mền
TT - 83 bạn trẻ đã trở thành "tân binh" trong môi trường quân đội thật sự. Đó là những bạn trẻ đã tham gia chương trình "Học kỳ trong quân đội".

Tuýt… tuýt… tuýt... Đúng 5g30 tiếng còi của chỉ huy vang lên, từ những dãy phòng tập thể các chiến sĩ nhí ùa ra sân chuẩn bị tập thể dục buổi sáng, khi màn sương còn bao phủ những rặng đồi xung quanh khu doanh trại của trung đoàn 88, sư đoàn 302 (Quân khu 7) ở huyện Long Khánh (Đồng Nai).

Học kỳ quân đội - một chương trình cần nhân rộngHọc kỳ quân đội cho “cậu ấm, cô chiêu”

Tập làm tân binh

Sau giờ tập các chiến sĩ về phòng thực hành môn học đầu tiên, xếp nội vụ (mùng, mền...). Leo phắt lên giường tầng, chiến sĩ Trần Thanh Nguyên (13 tuổi) ngồi gấp nếp chiếc mùng cứ giũ tới giũ lui cẩn thận một hồi, chiếc mền bao bên ngoài mới vuông vức như cục gạch đặt trên đầu giường. Tưởng gấp mùng mền là chuyện nhỏ nhưng các chiến sĩ đã nôn nao ngay từ đêm đầu tiên ngủ tập thể, nằm giường tầng; lo không kịp gấp nội vụ nhiều chiến sĩ đã lục tục dậy từ… 4g30 để gấp!

Trong những trang nhật ký của các tân binh, nhiều nhất vẫn là những lời tâm sự vượt qua những vất vả, gian khó mà trong cuộc sống thường ngày chưa một lần trải nghiệm. Chiến sĩ Nguyễn Thái Minh tâm sự: "Mọi chuyện hôm nay bỗng dưng thay đổi: mình phải dậy sớm, tham gia hoạt động đội nhóm, điều trước đây chưa làm bao giờ. Một cảm giác thật kỳ lạ...".

Hay viết thư gửi về cho gia đình, chiến sĩ Võ Mạnh Tài trấn an cha mẹ: "Những hoạt động trong quân đội mặc dù rất mệt nhưng con cảm thấy cứng cỏi và lớn lên… Cơm bộ đội khẩu vị không giống mẹ nấu nhưng đầy đủ dinh dưỡng, ba mẹ đừng lo".

Ngày thứ hai trên thao trường, trong bộ quân phục các chiến sĩ nhí vào vị trí, giơ súng ngắm mục tiêu, tập lăn lê bò toài... "Tự nhiên nhớ đến ông ngoại ngày xưa cũng đi chiến đấu" - bạn Trần Thanh Lâm xúc động. Trong nắng mưa vùng đất đỏ Long Khánh, các chiến sĩ nhí thật sự nghiêm túc với đời sống "tân binh".

Đêm. Mỗi người một gậy lặng lẽ "hành quân đêm" qua những quả đồi như "bộ đội Cụ Hồ" những năm kháng chiến. Để giảm nhẹ mức nguy hiểm, ban tổ chức thiết kế tuyến hành quân qua các rừng điều nhưng được giăng bẫy. Con suối trước mặt, những tia đèn pin không tỏ nhiều chiến sĩ trượt té ngã nhưng vẫn bặm môi không bỏ cuộc. Hai giờ hành quân mồ hôi vã ra như tắm, đôi chân rã rời nhưng chiến sĩ Tân khá tự tin: "Sợ bóng tối nhưng hôm nay dám đi trong rừng, mình thấy đã vượt qua một điều thật lớn lao".

"Cục cưng" đã rắn rỏi hơn

Tính kỷ luật là yêu cầu với các tân binh. Giờ nào việc ấy, thậm chí giờ cơm cũng xếp hàng vào nhà ăn, mỗi mâm tròn sáu người. Lê Vy, 14 tuổi (Cần Thơ), là cô út trong nhà, anh trai du học ở xa nên cái gì ba mẹ cũng dành cho Vy. Ở nhà hay giận hờn nhưng đến với học kỳ này, Vy đã hòa đồng với bạn bè; thậm chí trở thành "trung tâm vui vẻ” của mọi người.

Còn chiến sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh thú thật: "Sau khóa học này, về nhà chắc chắn mình sẽ duy trì sinh hoạt dậy sớm tập thể dục đã tập được ở đây, đi học sẽ không cần đồng hồ báo nữa. Mình đã học được những điều mới". Trong nhật ký, Linh cũng cho biết mình là người ghét chốn đông người, ngủ phải có gối ôm, gấu bông… nhưng chỉ qua vài đêm trong sinh hoạt quân đội, Linh tự nhận đã thay đổi.

r2cjSFJS.jpgPhóng to
Hành quân khám phá rừng Nam Cát Tiên - Ảnh: K.Anh
Bên ánh lửa trại, các chiến sĩ đã lắng đọng để chia sẻ, để nhìn lại bản thân, "tự vấn" chính mình về những điều đã gian dối. Mỗi người lần lượt tâm sự. Có bạn xin lỗi người bạn của mình, có người thẳng thắn kể câu chuyện mình đã nói dối cha mẹ... tất cả chỉ để các bạn dũng cảm tập làm người trung thực. Những giọt nước mắt tự đáy lòng của những đứa con quen được cha mẹ bảo bọc có dịp bộc lộ.

Theo suốt chương trình, giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam Trương Quang Huân cho biết: "Ban đầu tưởng chừng các chiến sĩ sẽ khó vượt qua những vất vả, tính kỷ luật về giờ giấc quân đội. Nhưng chỉ qua ngày đầu tiên, các chiến sĩ đã thích ứng dần. Mong sao sau khóa học này, các bạn sẽ duy trì tinh thần của một chiến sĩ thực thụ như những ngày qua!".

Ngày đầu tiên, cũng chính sự kỷ luật và những vất vả, khó khăn của các bài rèn luyện trong quân đội đối với những bạn trẻ chưa một lần rời xa vòng tay yêu thương của cha mẹ khiến không ít chiến sĩ nản chí và có một chiến sĩ "đào ngũ”. Còn hôm nay, sau 10 ngày, ai gặp lại con em mình cũng thốt: "Trông nó rắn rỏi hẳn ra" - chị Nguyễn Thị Liên, mẹ của chiến sĩ Quang, cười rạng rỡ.

Tối cuối cùng, khi người thân đến đón, 83 chiến sĩ đã biết đè nén nỗi nhớ gia đình: không ai dám ùa vào lòng mẹ cha vì vẫn còn phải xếp hàng trong đội ngũ.

Chương trình "Học kỳ trong quân đội" do Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn) phối hợp trung đoàn 88, sư đoàn 302 (Quân khu 7) tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 5 đến 14-7) dành cho các bạn trẻ 13-21 tuổi. Chương trình gồm bốn ngày sống trong môi trường quân đội, ba ngày khám phá rừng Nam Cát Tiên và ba ngày thực hiện công tác xã hội, tập huấn kỹ năng... Chi phí 3,7 triệu đồng/người. Theo ban tổ chức, sau khi rút kinh nghiệm từ chương trình đầu tiên này, hè năm sau có thể sẽ tiếp tục triển khai.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên