12/09/2012 06:28 GMT+7

Của chung ai khéo vẫy vùng

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Gần đây là những thông tin dồn dập về quá trình phá dỡ, làm mới hàng loạt hạng mục tại chùa Trăm Gian (Hà Nội), rồi chuyện tự tháo dỡ, di chuyển sang địa điểm mới đình Ngu Nhuế (Hưng Yên).

Dư luận một lần nữa cồn cào nỗi lo ngại.

Chùa Trăm Gian: phải có phương án phục hồi trước 15-9

hKortPmL.jpgPhóng to
joqm2tMd.jpg

Đá tảng xanh chân cột ở chùa Trăm Gian trước đây và sau khi được “làm mới” (ảnh phải) - Ảnh: VNN

Hệ lụy tai hại của những việc như thế này không chỉ là những mất mát về vật chất và thiệt hại những giá trị phi vật thể vốn cấu thành ngay trong sự tồn tại của di tích. Người dân đã nhẩm tính riêng trong vụ chùa Trăm Gian, khoản tiền 5 tỉ đổ ra để làm mới ba hạng mục gác khánh, nhà tổ và bậc cấp trước sân tiền đường bỗng chốc hóa thành vô ích, không những thế, việc sử dụng số tiền ấy đang trở thành hành vi phá hoại di tích.

Và rồi, theo như lời hứa của các cấp chính quyền liên quan, Nhà nước sẽ phải chi ra nhiều tỉ khác để đưa ba hạng mục vừa bị làm mới ấy về lại nguyên mẫu cũ. Việc sửa sai ấy cực khó khi những vật liệu vốn bị dỡ để bỏ giờ phải kiểm kê gom góp đem sử dụng để tái tạo công trình. Và cả hai lần tiền chi ra để được một công trình gần như cũ, thì cách chi phí mang tiếng bảo tồn di tích như vậy sẽ được lý giải thế nào?

Phần giá trị phi vật thể bị tổn hại còn nghiêm trọng hơn, nó phản ánh một não trạng “thấp tầm” trong bảo vệ di tích như cách nói giản đơn của nhà sư (trụ trì chùa Trăm Gian) Thích Đàm Khoa, rằng mình không rõ lắm về Luật di sản. Hơn nữa, cách làm này còn tạo nên những tiền lệ xấu cho các trường hợp di tích khác có nguy cơ bị tùy tiện sửa đổi, hủy hoại mà lý do khi việc đã rồi chỉ vỏn vẹn là: không rõ về luật.

Nhưng điều bức xúc nhất trong các trường hợp xâm hại di tích là phải có cá nhân chịu trách nhiệm. Đây là nội dung chính của vấn đề, và người dân mong chờ. Tiếc thay, đây cũng chính là nội dung gây thất vọng nhất qua các vụ vi phạm đối với di tích. Cứ như vụ chùa Trăm Gian, cấp bộ và Cục Di sản cho rằng trách nhiệm bảo vệ di tích đã được phân quyền về địa phương; trong khi đó, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm đối với di tích là ban quản lý di tích thì thực trạng rất chán ngán: trưởng ban quản lý di tích (phó chủ tịch xã) không sâu sát, còn thành viên ban quản lý di tích (sư trụ trì chùa) thì không rành luật!

Hay như sự việc đang ồn ào là di chuyển và làm mới đình Ngu Nhuế ở Hưng Yên - một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận từ 23 năm trước, mặc dù lệnh đình chỉ thi công của Thanh tra Bộ Văn hóa được ban hành từ ngày 9-5-2012, phổ biến cho toàn dân sở tại biết vào ngày 15-5, nhưng những người xâm phạm di tích vẫn thản nhiên thi công cho đến khi hoàn thành xong phần khung của đình mới.

Dư luận bức xúc muốn biết ai đã xem thường quyết định đình chỉ của bộ đến vậy? Liệu có quá khó để chế tài cụ thể các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp hay không? Tại sao tài sản văn hóa của toàn dân mà vị chủ tịch xã trước tình trạng xâm hại lại thản nhiên nói rằng: “Xã biết là các cụ tự ý thi công nhưng cho rằng đó là việc của dân nên không ra”?

Như vậy là người đại diện pháp luật đã bỏ qua trước cái sai, cái phạm pháp đang diễn ra trước mắt. Không ra, tức là để mặc cho những cấu kiện ngôi đình cổ - cũng là những cổ vật - bị dỡ ra, thay đi. Người dân không tiện nói ra, nhưng hẳn giới buôn bán cổ vật đều nhẩm biết giá trị của những cổ vật ấy một khi nó được chuyển từ di tích ra thị trường.

Một nhà nghiên cứu văn hóa tại TP.HCM cho rằng mức xử phạt hiện nay quá nhẹ cho hành vi làm hư hại di tích cũng là nguyên do khiến tình trạng “mạnh tay vi phạm” ngày càng phổ biến. Nhận định này có cơ sở, bởi theo nghị định 75 của Chính phủ quy định xử phạt đối với hành vi “làm hư hại nghiêm trọng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật” chỉ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Mức phạt này chẳng bõ bèn vào đâu, khi mỗi bệ đá hoa sen cổ, mỗi chiếc cột lim cổ, những sản phẩm kiến trúc chất liệu đá, gỗ thời Lê, Nguyễn đã tính bằng hàng nghìn USD.

“Không loại trừ chính mức phạt quá thấp đã kích thích lòng tham của những kẻ muốn “khuân” cổ vật từ những công trình kiến trúc cổ bằng “chiêu trò” trùng tu, thay mới”, một cán bộ ngành văn hóa TP.HCM đặt vấn đề như vậy.

Còn nhớ cách đây mười năm, khi quận 1, TP.HCM có chủ trương thay đá xanh bó vỉa hè, nhiều người đã phản đối vì tiếc “đường cũ bó vỉa bằng đá xanh vẫn còn đẹp và tốt, lại giữ được nét văn hóa cổ vốn có”. Lúc đó, giới sưu tầm cổ vật ở đường Lê Công Kiều đã kháo nhau tìm mua lại những phiến đá xanh cổ bó vỉa hè ấy. Người ta lại “nhớ ra” nhiều sự kiện khiến những cổ vật có tính lịch sử của Sài Gòn đã “không cánh mà bay” do sự “thay mới” của thời cuộc.

Một trong những sự kiện gây băn khoăn cho nhà nghiên cứu Lý Lược Tam là chiếc đồng hồ lớn ở cổng chính chợ Bến Thành trước kia không phải là chiếc đồng hồ hiệu Gimiko, nhưng từ khi thay thế, không rõ chiếc đồng hồ cổ kia đã được đem đi đâu?

Đành rằng những tài sản vật chất đắt tiền cỡ như cổ vật ấy là của chung quốc gia, dân tộc, nhưng sự mất mát, hư hại dù do khách quan hoặc bị biển thủ, thay thế cũng đều gắn với những cá nhân cụ thể chịu phần trách nhiệm ấy. Có điều, tùy vào cơ chế nhà nước đang điều hành xã hội, những hành vi đó đang dần được loại trừ hay đang được dung dưỡng.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng trong một lần tâm sự có nhắc câu vè: Trống làng ai đánh thì thùng/Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng. Lạy trời, cái “khéo” đó đừng trùng với “nghệ thuật” quản lý di tích cổ của đất nước ta.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên