17/12/2011 09:32 GMT+7

Cư dân xóm "bốn không"

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT - Hơn 35 năm qua họ sống trong rừng (thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Hậu Giang) với tình trạng không đường giao thông, không điện nước, không trường học, không trạm y tế...

Read this on Tuoitrenews.vn

VVQ2bi8m.jpgPhóng to
Xóm “bốn không” lầy lội bên bờ kênh Lung Ngọc Hoàng - Ảnh: D.T.H.
Xem video
Muốn vô tới “lõi” rừng phải qua những con đường quanh co chật hẹp gần 8 cây số từ trung tâm huyện Phụng Hiệp tới trụ sở khu bảo tồn. Rồi phải đi bằng tắc ráng len lỏi vô rừng hơn 3 cây số nữa, qua những con kênh đầy lục bình và cỏ lác cản trở lối đi. “Khu bảo tồn có ba khu gồm: phục hồi sinh thái, hành chính dịch vụ và khu bảo vệ nghiêm ngặt là xa nhất thì bà con lại tập trung ở khu xa nhất này. Vì không có đường dẫn vô nên bà con đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng. Cuộc sống khốn khó kéo dài, không có lối ra cứ đeo đẳng họ riết từ năm này qua năm khác” - ông Lê Minh Mẫn, phó phòng quản lý bảo vệ rừng khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết.

Xóm “bốn không”

Xóm “bốn không” nằm dọc con kênh nhỏ thuộc tiểu khu 2 và 3 của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, bà con quen gọi là “lõi” rừng. Khi chúng tôi đến, nước lũ cũng vừa rút nhưng mặt đất còn ướt chèm nhẹp, sình lầy nhão nhoẹt. Bước lên bờ, muốn vô nhà chúng tôi phải đi qua những khúc cây bắc qua bãi sình. Nhà bà con đa số là mái lá, nền đất thấp tè. Nói là “nền” cho sang chứ thật ra đó chỉ là khoảnh đất trống vốn là bờ kênh. Nhờ được đào lên cao hơn mặt nước nên bà con lấy đó làm nền nhà. “Cao vậy chớ năm nào nước lũ lên cao cũng bị ngập 3-4 tấc, lúc đó phải kê đồ đạc lên hết” - ông Mẫn kể.

Ghé vô nhà ông Đặng Hoàng Tuấn ở giữa xóm, ông đang lui cui cột lại tấm lá bị bung một lỗ bự do hồi hôm gió thổi mạnh tốc mái. Gọi là nhà cho sang chứ thật ra chỉ hơn cái chòi chút đỉnh. Cột nhà làm bằng cây... đủng đỉnh (dân quê thường dùng che rạp đám cưới). Kèo, đòn tay toàn bằng cây tràm, mà là loại nhánh chỉ để làm củi.

Phần lớn bà con ở đây đều cất nhà như vậy. Và vì là nhà tạm nên chỉ 2-3 năm là bị mục, gãy phải làm lại nhà khác. Đã “nghèo còn mắc cái eo”. Ông Mẫn cho biết có tất cả 120 hộ với 564 người đang sống trong vùng “lõi” này. Nghề chính của họ là trồng mía, lúa, đốn sậy. Có khi họ lén vô rừng lấy mật ong, đốn cây, bắt cá, thú rừng đem bán...

Những phận người

Ông Tuấn kể ông sống ở đây từ nhỏ tới lớn, nay đã 54 tuổi. Trước năm 1975, nơi đây là rừng, đồng hoang nên vô khai phá trồng lúa, mía. Chỉ lo cái ăn nên đâu tính chuyện đi học, vậy là dốt. Với lại ở đây làm gì có trường mà học. Muốn có phải bơi xuồng đi hơn 10 cây số. Tới đời con, cũng lại chăm bẳm kiếm sống nên trong bốn đứa, chỉ có thằng Út là được tới trường, mà phải gửi nhà người quen tuốt trong chợ. Vậy mà thằng nhỏ chỉ học tới lớp 7 là nghỉ. Bây giờ tụi nó sinh con đẻ cái, chưa biết lớn lên gửi học ở đâu.

Vừa kể ông vừa ôm ngực ho sù sụ. Ông nói nghi bệnh phổi nhưng chưa có thời gian đi khám bệnh. Với lại mỗi lần đi xa quá, ngán lắm. “Từ đây muốn tới bệnh viện phải ra tận Cây Dương, Phụng Hiệp hoặc Long Mỹ, bơi xuồng ba bốn chục cây số cả đi lẫn về nên chỉ khi nào “ngặt” lắm mới đi. Mà đi là nằm viện luôn cả tháng mới về”.

Cách nhà ông Tuấn vài căn là nhà của bà Nguyễn Thị Phương và ông Nguyễn Văn Quyết. Hai vợ chồng này không con cái, sống bằng nghề duy nhất: đốn sậy bán. Với chiếc xuồng nhỏ, ngày ngày hai ông bà bơi vô rừng đốn về chừng chục bó sậy, bán kiếm được 70.000-80.000 đồng. Số tiền đó đủ để ông bà mua gạo đắp đổi qua ngày. Cho nên khi nhà hư, bệnh tới thì chẳng biết xử trí ra sao.

Bà ngước đôi mắt bị mù mất một bên rồi kể: “Lúc đầu tui bị bụi sậy rớt vô mắt. Về nhà chỉ ngứa xốn khó chịu thôi, tưởng sẽ hết. Dè đâu lần lựa hoài không đi khám, nó mờ dần, mờ dần. Tới lúc đau quá chịu không nổi, vô Bệnh viện Phụng Hiệp khám thì bác sĩ nói chỉ còn cách đi TP.HCM. Tiền bạc không có, lại xa xôi quá, đành chịu để mù luôn”.

Chờ kinh phí

Theo ông Dương Văn Hùng - phó giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, do điều kiện lịch sử, người dân sinh sống trong khu này từ vài chục năm trước rồi sinh con đẻ cái, cho ra riêng, tới nay đã lên tới 120 hộ. Đời sống nơi đây hết sức khó khăn, không có đường giao thông, không điện thắp sáng và không có nước sạch sinh hoạt.

Nguồn nước trong rừng bị ô nhiễm từ lá cây, mùa khô thì không có nước, người dân phải xài nước dưới kênh mương thường bị bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết. Nơi đây không có trạm y tế và trường học. Mặt khác, người dân sống trong rừng chủ yếu trồng lúa, mía, mùa khô vào rừng đốn sậy, đánh bắt cá, săn bắt động vật hoang dã, lén lút đốt ong lấy mật... rất khó ngăn chặn. Đó cũng là nhân tố gây nguy cơ cháy rừng.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay đã có dự án phê duyệt, bố trí 5,4ha đất ở khu tái định cư để dời dân ra khỏi rừng. Người dân được cấp đất để sản xuất theo tiêu chuẩn 1,5 công/người, được ở gần trạm y tế, trường học, nhà trẻ, chợ búa. Tuy nhiên, hiện chưa có nguồn vốn để triển khai. UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Chính phủ bố trí khoảng 102 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình 193 về bố trí dân cư để thực hiện các dự án. Hi vọng đầu năm 2012 có vốn triển khai, bà con sẽ có cơ hội đổi đời.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên