Theo chỉ đạo của ông Khánh, tất cả giải trình của những người có liên quan phải đến tay ông trong chiều 20-6, sau đó ông sẽ giao cho một phó giám đốc phụ trách mảng CSGT xem xét, đề xuất hình thức xử lý từng trường hợp cụ thể.
Theo ông Khánh, đối tượng Bùi Đình Hải rất thân với nhiều cán bộ trong ngành công an và các ngành khác (Hải là con của một vị cán bộ Tỉnh ủy đã về hưu). Do đó khi Hải mở dịch vụ thuê xe và mua bán xe, nhiều anh em trong lực lượng công an tin tưởng mua hoặc nhờ người trong gia đình mua xe của Hải với giá rẻ. Ông Khánh khẳng định: "Tôi sẽ làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo phòng CSGT và các cán bộ chiến sĩ CSGT có liên quan. Đã mất cảnh giác thì phải kiểm điểm, xử lý”. Ông Khánh cũng cho rằng việc CSGT sử dụng biển số giả là hoàn toàn sai.
Liên quan đến tính pháp lý trong việc mua xe của Bùi Đình Hải, luật sư Trương Xuân Tám (trưởng Văn phòng luật sư Tường Trương Xuân Tám) cho biết: "Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bất kỳ ai mua ôtô của kẻ có hành vi phạm tội lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về các tội tương ứng trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, để qui kết người mua xe gian có phạm tội hay không, phạm tội gì phải căn cứ vào các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (ý thức, nhận thức của người có hành vi mua xe gian).
Theo đó, nếu người mua biết trước xe do đối tượng lừa đảo đem bán thì người mua xe có thể bị truy cứu TNHS về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (điều 139 Bộ luật hình sự) với vai trò đồng phạm giúp sức. Nếu người mua không hứa hẹn trước nhưng biết rõ xe mua là do Bùi Đình Hải phạm tội mà có thì bị truy cứu TNHS về tội "chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (điều 250 Bộ luật hình sự).
Theo luật sư Trương Xuân Tám: "Căn cứ để xác định người mua xe có biết xe đó là do phạm tội hay không có thể do chính người bán nói rõ nhưng người mua ham rẻ nên vẫn mua, hoặc có thể người bán không nói rõ nhưng thông qua việc các giấy tờ đăng ký có sự gian dối, mập mờ, thậm chí bán với giá rẻ đáng ngờ thì người mua buộc phải biết đó là tài sản bất hợp pháp, do phạm tội mà có.
Đối với những trường hợp do chủ quan hoặc cả tin đã mua nhầm xe gian của Bùi Đình Hải (lúc mua không biết là xe gian), khi biết Bùi Đình Hải lừa đảo thì không che giấu, không sử dụng biển số giả mà tự nguyện khai báo, giao nộp xe gian cho cơ quan điều tra sẽ được xem là nạn nhân của Bùi Đình Hải và không phải chịu TNHS. Những trường hợp này pháp luật dân sự cho rằng họ đã chiếm hữu xe không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Dù hợp đồng mua bán giữa họ với Bùi Đình Hải là vô hiệu, họ cũng phải trả lại xe cho chủ sở hữu. Tuy nhiên, pháp luật cũng dành cho họ quyền yêu cầu Bùi Đình Hải phải hoàn trả số tiền đã trót mua nhầm".
Luật sư Tám nhấn mạnh: "Điều đáng nói là một số CSGT sau khi mua xe gian của Bùi Đình Hải đã sử dụng biển số giả, một hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ khá nghiêm trọng. Hơn ai hết, các cán bộ chiến sĩ CSGT là người biết rõ các qui định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu ôtô, thế mà họ vẫn mua, thậm chí cố tình sử dụng biển số giả thì càng chứng tỏ họ khó mà mua nhầm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận