Năm 1930, một người Pháp tên là Mathieu Franchini mua lại khách sạn Continental từ công tước De Montpensie. Lập tức, bạn ông ấy đã đến chúc mừng rằng: "Mathieu, anh vừa mới tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy!".

Trên trang web chính thức của khách sạn Continental có thông tin rằng Mathieu Francini là một trùm xã hội đen người Pháp, gốc đảo Corse. Ông là con rể của Đốc phủ Lê Văn Mầu ở Mỹ Tho. Vợ ông, bà Lê Thị Trọng, được mô tả là một phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống, thuần Việt. Bà đã sinh cho chồng cậu con trai đặt tên Philippe Franchini.

Philippe Franchini thừa hưởng sản nghiệp của cha, tiếp tục quản lý khách sạn Continental Sài Gòn trong suốt những năm từ 1965 đến 1975. Và toàn bộ những câu chuyện về Continental Sài Gòn được ông kể chi tiết trong cuốn sách của mình có tựa đề Continental Saigon.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 1.
Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 2.

Năm 1878, một nhà sản xuất đồ gia dụng và vật liệu xây dựng người Pháp có tên Pierre Cazeau đã bắt tay đầu tư xây dựng khách sạn Continental. Dự án kéo dài trong hai năm. Đến năm 1880, ông cho khánh thành và đưa khách sạn vào khai thác. Từ đây, lịch sử ngành du lịch Việt Nam ghi nhận Continental là khách sạn sang trọng đầu tiên.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 3.

Khách sạn Continental tọa lạc ở đoạn giữa đường Đồng Khởi, con đường xưa nhất và tấp nập nhất tại trung tâm Sài Gòn. Đường Đồng Khởi chạy dài từ bờ sông Sài Gòn đến Nhà thờ Đức Bà. Ban đầu con đường được này đặt tên theo cách đánh số - Đường số 6, đến năm 1865 đổi tên thành Catinat. Đây là con đường sầm uất và đông người Pháp cư ngụ.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 4.

Continental là nơi tiếp đón các du khách từ Pháp đến Sài Gòn. Trong số đó, một vị khách đặc biệt đến trú ngụ tại khách sạn vào năm 1911 - công tước De Montpensie. De Montpensie đã nghỉ tại khách sạn Continental trong chuyến vượt rừng đường xa từ Sài Gòn đến Angkor. Thế rồi, ông quyết định mua luôn khách sạn.

Nhà quý tộc này ở lại Việt Nam một thời gian, và trên đường du ngoạn qua Bình Thuận, ông đã mua và xây một biệt thự trên ngọn đồi nhìn ra biển và thành phố Phan Thiết. Người dân gọi đó là Lầu ông hoàng.

Vị công tước cũng là người đầu tiên mang xe hơi vào Sài Gòn. Xe hơi của Monpensier khởi hành từ khách sạn Continental lên đường đi Angkor. Đó thực sự là một chuyến đi cam go, đầy gian nan vì đường xá lúc đó chưa được làm cho xe hơi chạy.

19 năm sau, De Montpensie bán lại khách sạn Continental cho Mathieu Francini…

Câu chuyện về những người chủ của khách sạn Continental vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bản thân Continental mới thực sự là câu chuyện trong dòng chảy lịch sử Sài Gòn, chứ không phải những người chủ của nó.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 5.
Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 6.

Con đường Đồng Khởi vô cùng quen thuộc với người dân Sài Gòn, hay với bất kỳ du khách nào đến thành phố này, và họ đi ngang qua khách sạn Continental. Nhưng những bí ẩn bên trong khách sạn không phải ai cũng biết hết. Thậm chí, nói như Marc PhillipYablonka, phóng viên chiến trường người Mỹ từng có nhiều năm làm việc tại Sài Gòn thời chiến tranh Việt Nam, "Nếu những bức tường của khách sạn Continental biết nói, chúng sẽ kể cho bạn rất nhiều điều".

Trải qua 142 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Sài Gòn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn Continental Sài Gòn vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng. Cột trụ phù điêu in đậm phong cách kiến trúc Pháp.

Bên ngoài, khách sạn được sơn màu trắng để giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt vào mùa hè. Màu sơn trắng làm giảm bớt sự nặng nề của tòa nhà, đồng thời làm nổi bật sự vương giả và sang trọng của khách sạn.

Bên trong, kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris vào cuối thế kỷ XIX.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 7.

Ngay từ đầu, các kiến trúc sư đã nghĩ đến việc tận dụng khí hậu nhiệt đới như ánh sáng và gió tự nhiên làm cho các phòng ngủ sáng sủa và mát mẻ. Vì vậy, mỗi phòng của khách sạn đều rộng rãi, trần cao 4m, tường gạch dày để chống nắng nóng vào mùa hè. Các phòng luôn tràn ngập ánh nắng từ ban công, từ cửa sổ nhìn ra Nhà hát lớn, từ sân khách sạn hay từ đường phố.

Nhưng các kiến trúc sư cũng không quên thiết kế những căn phòng phía bên trong dành cho những người không thích bị ánh nắng làm phiền khi chưa sẵn sàng chào đón ngày mới.

Khuôn viên khách sạn được thiết kế dạng hình chữ nhật. Ở trung tâm là một khu vườn rộng lớn. Ba cây hoa sứ được trồng từ năm 1880 vẫn xanh tốt và khoe sắc đến tận ngày nay. Những đặc điểm này tạo ra một cảm giác yên bình và tĩnh lặng độc đáo giữa thành phố năng động này.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 8.

Trang web chính thức giới thiệu hiện khách sạn cung cấp 6 loại phòng, gồm phòng Superior dành cho những người thích yên tĩnh; phòng Deluxe Garden View có cửa sổ nhìn vào sân vườn; phòng Deluxe City View có hướng nhìn ra đường Đồng Khởi; phòng Opera Wing rộng đến 45m2 mở cửa nhìn ra Nhà hát Thành phố; phòng Opera Wing Suite cổ điển sang trọng rộng đến 55m2; và loại phòng Heritage đặc biệt.

Những căn phòng của Continental Sài Gòn từng đón tiếp nhiều chính khách, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của thế giới đến thăm và lưu trú. Trong số đó không thể không nhắc đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore - giải Nobel Văn chương năm 1913; nhà văn người Pháp Andre Malraux; nhà văn người Anh Graham Greene - tác giả cuốn "Người Mỹ trầm lặng" nổi tiếng. Các chính khách tiếng tăm như Jacques Chirac - thị trưởng Paris đương thời, sau này là Tổng thống Pháp; Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed…  cũng từng là thượng khách của khách sạn Continental Sài Gòn.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 9.

Khách sạn Continental Sài Gòn càng thêm nổi tiếng khi xuất hiện trong một số cảnh quay chính trong phim Đông Dương của đạo diễn Re1gis Wargnier. Phim được công chiếu trên toàn thế giới vào năm 1992, đoạt hai giải thưởng điện ảnh lớn là Oscar và Quả Cầu Vàng.

Năm 2002, vẻ đẹp lộng lẫy theo thời gian của khách sạn Continental Sài Gòn một lần nữa tỏa sáng trong bộ phim Người Mỹ trầm lặng do Phillip Noyce làm đạo diễn. Khách sạn Hotel Continental Saigon cũng là nơi nhà văn Graham Greene sống trong thời gian ông viết cuốn tiểu thuyết cùng tên vào năm 1951, khi ông di chuyển giữa Sài Gòn và Bến Tre.

Ngày nay, bên con Đồng Khởi hối hả và nhộn nhịp, khách sạn Continental Saigon vẫn giữ được nét quyến rũ và uy nghiêm của quá khứ cổ điển. Bên trong tòa nhà tráng lệ này, một thế hệ nhân viên mới luôn tận tâm mang đến cho du khách những kỳ nghỉ yên bình và thư giãn, những kỳ nghỉ đáng nhớ trong đời.

Continental - khách sạn mang ‘lịch sử của Sài Gòn’ - Ảnh 10.

THIÊN THANH
HOÀNG LÊ BẢO
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên