11/01/2007 06:12 GMT+7

Công ty công nghiệp cơ khí Sài Gòn: 10 năm gian lận hoành hành

LÊ ANH ĐỦ - VÕ HỒNG QUỲNH
LÊ ANH ĐỦ - VÕ HỒNG QUỲNH

TT - Là một doanh nghiệp nhà nước, mười năm liền Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn dưới sự chỉ đạo của giám đốc Nguyễn Việt Hùng đã tung hoành như một cõi riêng.

GfWlxqrE.jpgPhóng to
Trụ sở Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn số 36/6 Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, TP.HCM (ảnh chụp sáng 10-1) - Ảnh: T.TR.

Cho đến khi cơ quan hữu quan vào cuộc... thì tan hoang, không còn một đồng vốn!

Lỗ ngập đầu vẫn báo... lãi!

Kết quả kiểm tra mới nhất tại Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (CNCKSG) cho thấy có rất nhiều dấu hiệu của hành vi tham nhũng mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Một trong những dấu hiệu đó là toàn bộ hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán được ghi chép gian dối, báo cáo tài chính lên cấp trên không trung thực trong suốt mười năm liền.

Theo kết quả kiểm toán, lỗ lũy kế của công ty từ năm 1995 đến 30-6-2005 là 62,5 tỉ đồng nhưng trong nhiều năm liền, nguyên giám đốc Nguyễn Việt Hùng (đã bị cách chức từ tháng 7-2006) và kế toán trưởng Phạm Thị Lệ Hoàng (bị cách chức vào tháng 10-2006) liên tục báo cáo lãi một cách... có hệ thống. Theo cơ quan chức năng, chính việc báo cáo tài chính không trung thực trong nhiều năm liền đưa đến hậu quả là Nhà nước bị mất vốn với con số khổng lồ là 37 tỉ đồng.

Để thực hiện được việc trên, cả tập thể công ty từ giám đốc đến trưởng phó các phòng ban, kể cả thủ kho, thủ quĩ cùng tham gia, bằng cách phản ảnh khống vào sổ sách về tình hình nhập, xuất hàng hóa; ghi khống việc thanh toán, chi tiền hàng hóa, nhằm nâng khống doanh thu cao gấp 4-5 lần so với con số thật. Táo tợn đến mức, cùng một hệ thống sổ sách nhưng công ty cho ghi cả số liệu khống, số liệu thật, chứng từ giả, chứng từ thật!

Bên cạnh đó, dù năng lực có hạn, trình độ sản xuất cũng như hệ thống kỹ thuật, công nghệ chưa tương thích nhưng lãnh đạo Công ty CNCKSG lại “chơi sộp” mua những máy móc hiện đại... đến mức không thể sử dụng được. Kết quả là có món phải “trùm mền”, có món phải bán đổ bán tháo. Đơn cử: tháng 2-2004, công ty mua máy mài đã qua sử dụng từ Mỹ với giá hơn 1,1 tỉ đồng. Nhưng sau một năm... không mài được cái gì, công ty đã bán đi với giá chưa tới 290 triệu đồng, lỗ hơn 800 triệu.

Với những sai phạm nghiêm trọng như nêu trên, cơ quan chức năng đã kiến nghị lãnh đạo UBND TP.HCM cho chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo qui định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng báo cáo vụ việc này đến ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các cấp.

Các sai phạm trên, theo cơ quan chức năng, trước hết thuộc trách nhiệm của ban giám đốc Công ty CNCKSG. Trong đó, ngoài trách nhiệm trực tiếp là giám đốc Nguyễn Việt Hùng và kế toán trưởng Phạm Thị Lệ Hoàng còn có trách nhiệm của ông Lư Hoàng Minh - trưởng phòng kinh tế phát triển sản xuất; bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng - phó phòng kinh tế phát triển sản xuất; bà Nguyễn Thị Kim Hoa - phó phòng kế toán; bà Phạm Thị Thu Cúc - thủ quĩ; ông Nguyễn Văn Thành - quyền trưởng phòng tổ chức hành chính và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan...

“Ổ” mua - bán hóa đơn khống

Tổng giá trị hóa đơn xuất khống (hóa đơn đầu ra) từ năm 2000-2004 là 74 tỉ đồng (1.974 hóa đơn), trong đó thuế GTGT là 3,6 tỉ đồng. Phương thức xuất khống hóa đơn cho người có nhu cầu để thu phí chênh lệch (giống như bán hóa đơn) là chiêu được công ty sử dụng nhiều nhất.

Bước đầu kế toán trưởng Phạm Thị Lệ Hoàng khai báo đã xuất khống hóa đơn để thu phí cho ba đơn vị là Công ty Ximăng Hà Tiên 1, Công ty cao su Thống Nhất và Công ty TNHH Tân Lâm Viên, tuy nhiên mới chỉ có Tân Lâm Viên thừa nhận.

Sau khi “làm ăn” theo kiểu kinh doanh nói trên, Công ty CNCKSG đã cho hủy 1.875 tờ hóa đơn khống xuất cho các cá nhân với tổng giá trị tiền trên hóa đơn là 55,8 tỉ đồng (trong đó thuế hơn 2,6 tỉ đồng). Các liên đỏ sau đó được giao lại cho kế toán trưởng hủy bỏ. Cơ quan chức năng cho rằng việc hủy hóa đơn còn chứa nhiều điều khuất tất, tiêu cực, Nhà nước thất thu lớn trong việc hoàn thuế GTGT.

Không chỉ “bán” hóa đơn, “nghiệp vụ” “xin” hóa đơn đầu vào của Công ty CNCKSG cũng thật... đáng nể. Có tổng cộng 529 hóa đơn khống mua hàng đầu vào từ 39 đơn vị khác nhau với tổng số tiền là 59,8 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thanh Liêm, phó phòng kinh tế kỹ thuật công ty, nại rằng do có quan hệ với nhiều bạn bè và các công ty mua bán sắt thép, nên ông đã xin về cho công ty mình một số hóa đơn (!).

Và để đáp lại, thỉnh thoảng ông Liêm cũng đã... xin hóa đơn của công ty mình cho bạn bè. Còn kế toán trưởng khai không nhớ nổi hóa đơn khống đầu vào do ai mang về, nhưng cam đoan rằng toàn bộ hóa đơn này có được là nhờ mối quan hệ của giám đốc Nguyễn Việt Hùng, chỉ có “xin cho” chứ không phải chi tiền mua.

Nợ như “chúa chổm”

Chốt sổ để kiểm tra vào ngày 31-12-2005, cơ quan chức năng xác định Công ty CNCKSG còn nợ của các ngân hàng với tổng số tiền 29 tỉ đồng. Trong đó nhiều nhất là nợ Ngân hàng Công thương VN - chi nhánh 1 số tiền 19,6 tỉ đồng. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác định trong nhiều trường hợp Công ty CNCKSG đã lập các hợp đồng kinh tế khống để làm cơ sở vay vốn ngân hàng: cùng một tài sản nhưng lấy hai bộ hồ sơ mang thế chấp cho hai ngân hàng để vay tiền.

Từ năm 1989 - 2002, Công ty CNCKSG đã chuyển nhượng, chuyển giao chín mặt bằng nhà xưởng, thu về 33,7 tỉ đồng. Trong lúc công ty đề nghị và được UBND TP cho phép tiền thu được dùng vào việc mua sắm thiết bị máy móc, đầu tư xây dựng cơ bản thì lãnh đạo công ty dùng tiền để trả nợ vay ngân hàng.

Tháng 7-2002, UBND TP cho phép Công ty CNCKSG vay 3 tỉ đồng trong thời hạn 12 tháng (lãi suất 2%/năm) từ nguồn tiền bán nhà xưởng số 10 Lê Minh Xuân (Q.Tân Bình) để nhập 600 tấn thép. Tháng 11-2002, cũng từ sự cho phép của UBND TP, Sở Tài chính đã ký hợp đồng cho Công ty CNCKSG vay 2 tỉ đồng (cũng từ nguồn tiền bán nhà xưởng) để đầu tư nâng cấp nhà xưởng. Tuy nhiên, hầu hết số tiền vay được, lãnh đạo công ty dùng để trả nợ vay ngân hàng... Hiện nay Công ty CNCKSG còn nợ Sở Tài chính 5 tỉ đồng.

“Tất cả những hành vi sai phạm nêu trên đã được hình thành một cách cố ý, có tổ chức, có hệ thống, với nhiều thủ đoạn gian dối, hết sức tinh vi, thật giả lẫn lộn kéo dài trong nhiều năm...” - cơ quan chức năng nhận định. Nhưng đáng lưu ý là không hiểu các cơ quan có trách nhiệm (Sở Công nghiệp, Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP, Cục Thuế TP) quản lý thế nào mà tất cả những dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng như thế lại dễ dàng qua mặt trong hàng chục năm như vậy?

LÊ ANH ĐỦ - VÕ HỒNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên