Phóng to |
Ca đêm giữa rừng…
Đêm rừng Kontum đầy gió, sương bắt đầu buông xuống phủ nhòa con đường rừng, rừng khuya không yên tĩnh như người ta tưởng. Giữa cái cô liêu của núi rừng, những công nhân trẻ thuộc Công ty xây dựng 501 đang thi công công trình cầu Đắc Mốt đang chuẩn bị vào ca đêm.
“Mùa mưa vừa dứt, anh em tranh thủ tăng ca đêm ngay để kịp tiến độ thông cầu. Vất vả lắm, ăn uống, điều kiện sinh hoạt đều rất thiếu thốn nhưng anh em tăng ca luân phiên để về trước tiến độ trong mùa khô...” - kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Anh phụ trách đội thi công công trình cầu Đắc Mốt tâm sự như vậy.
Trời lạnh cóng vậy mà gương mặt người thợ nào cũng lấm tấm mồ hôi vì cường độ làm việc. Để làm giảm đi sự mệt nhọc, cả nhóm vừa làm vừa chuyện trò tiếu lâm, chuyện chuẩn bị tết nhứt nơi quê nhà, chuyện những món quà cho con cái, gia đình khi ngày phép đã gần kề.
Có ai đó xướng lên bài hát Người lái đò trên sông Pô Cô, rồi một anh thợ khác lên tiếng pha trò: “Chà, chắc cái ông lái đò trên sông Pô Cô giận tụi mình lắm nhỉ? Có cầu rồi ai đi đò nữa ?”. Một anh thợ trẻ năn nỉ: “Mấy anh chụp em một “pô” hình để em gửi về cho người yêu nhé.” .
Nhưng khi chúng tôi chuẩn bị bấm máy thì anh thợ trẻ lại ngồi xuống làm tiếp và buông một câu: “Mà khi các anh gửi lên chắc tụi em đi công trình khác mất rồi, thợ Trường Sơn mà anh”. Tổ trưởng chỉ huy công trường Trần Văn Sang nói: “Đời công nhân trên công trường Trường Sơn là vậy, cứ lênh đênh trên những nẻo đường rừng núi...”.
Gần nửa đêm, nhóm công nhân ca đêm mới lục tục rời công trường trở về lán trại. Anh Sang giới thiệu một cô gái đang loay hoay trong bếp: “Đây là Loan, hoa hậu của cả đội đấy”. Lân la hỏi chuyện, chúng tôi được biết Loan đến từ Phú Yên, đã theo làm hậu cần cho công trường được mấy năm nay rồi.
Loan còn khá trẻ, vậy mà hỏi chuyện tình yêu, cô ngập ngừng: “Tuổi con gái của em cứ nay đây mai đó theo các công trình thì ai thương hả anh? Mấy anh em trong đội coi nhau như gia đình nên em cũng đỡ tủi thân”.
Bà Nguyễn Thị Tình, chánh văn phòng BQL dự án đường Hồ Chí Minh, cho biết hiện đang có trên 150 nhà thầu, đơn vị thi công với gần 20.000 cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và công nhân tham gia xây dựng đường Trường Sơn. Riêng tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh Kontum có sáu đơn vị tham gia thi công (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4, 5 và 6, Liên doanh xây dựng Kontum). Tổng số chuyên gia, kỹ sư, công nhân hiện nay vào khoảng 1.700 người. (Ð.B.) |
Anh Sang đội trưởng cứ xuýt xoa vì hôm nay có khách đến chơi mà không có gì thết đãi. Vừa rót trà mời khách anh vừa nói: “Mùa khô này cái ăn còn đỡ lo chứ gặp mùa mưa nhiều khi anh em thiếu gạo như chơi.
Từ đây về Đắc Tô hay đi Đắc Cần đường sá khó đi lắm. Để có chút tiền gửi cho gia đình, anh em ở đây phải ăn uống tằn tiện từng đồng. Anh xem, lương mỗi tháng được trên dưới một triệu đồng nhưng đến bây giờ mới chỉ nhận được lương tháng sáu”.
Anh Phạm Xuân Ba, một trong những người cao niên trong đội, cứ ngồi ngắm nghía tấm hình của đứa con gái mới gửi lên từ quê nhà: “Nửa năm nay chưa về thăm tụi nhỏ. Nhiều lúc nhớ quá thì bắt xe ôm về thị trấn gọi điện nói chuyện với vợ con vài phút cho đỡ nhớ.
Để gọi được một cuộc điện thoại chúng tôi phải mất hơn 30.000đ tiền xe ôm cho quãng đường đi về khoảng 40km. Hôm nào nhận lương mới dám nói chuyện với con được dăm ba phút chứ tiền đâu mà gọi hoài! Cứ mỗi lần nhấc máy là mấy đứa nhỏ cứ hỏi đúng một câu: “Chừng nào ba về?”.
Câu hỏi đó đã làm tôi thức trắng nhiều đêm, nhưng nhìn quanh anh em ai cũng như mình nên cũng bớt nhớ con…”. Hỏi ra mới biết nhiều anh em đã đón tết, đón năm mới trên rừng nhiều năm rồi. Với họ chỉ có ly rượu, điếu thuốc chuyền cho nhau trong đêm trừ tịch để quên đi nỗi nhớ nhà...
Không chỉ những người thợ thuộc Công ty 501, mà suốt chiều dài hàng ngàn cây số đường Trường Sơn chúng tôi đi qua, hàng ngàn kỹ sư, công nhân vẫn đang miệt mài ngày đêm, chỉ riêng đoạn Ngọc Hồi - Tân Cảnh đã có hơn 100 công nhân của các đơn vị vẫn ngày đêm thi công để kịp hoàn thành công trình trước tết âm lịch. “Công trình còn kéo dài, tết này chắc chắn hơn một nửa quân số phải ở lại công trường và đón tết rừng” - anh Sang nói.
Ngày mai đây trên những chuyến xe ngược xuôi suốt các nẻo đường Trường Sơn có ai hiểu rằng hôm qua đã có bao nhiêu người thợ từ khắp mọi miền đất nước đã gửi lại một thời tuổi trẻ của mình trên những con đường nối liền Nam - Bắc Trường Sơn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận