21/09/2014 07:05 GMT+7

“Công trình” của A Đruế

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Cái được nhất mà A Đruế tự hào đã rõ ràng: con trâu không còn chết vì mưa rét, bệnh tật, không còn bị bệnh tụ huyết trùng.

A Đruế với những chuồng trâu cho đồng bào Mơ Nâm - Ảnh: B.D.
A Đruế với những chuồng trâu cho đồng bào Mơ Nâm - Ảnh: B.D.

Nuôi trâu bò thì phải làm chuồng, làm trại. Việc đó chẳng có gì phải bàn nhưng bao đời nay trong cái bụng người Mơ Nâm ở xã Đắk Long (huyện Kon Plông, Kon Tum) lại nghĩ rằng: con trâu là con vật nên nó không thể ở được trong cái nhà có thể che mưa che nắng như con người.

Sau giờ làm cán bộ ở xã, A Đruế - người Mơ Nâm ở Kon Ke 1 - chạy xe về làng và nghe người làng báo tin con trâu nuôi trên rừng chết rét.

“Phải làm cái chuồng cho con trâu nó nằm thôi. Con trâu cũng như con người, cũng biết sợ cái mưa, cũng biết chạy trốn cái nắng, cũng biết ốm đau và rồi chết như con người” - A Đruế chạy khắp làng bảo thế với đồng bào Mơ Nâm của mình. 

Người dân các làng ở Đắk Long sống dựa vào hai nguồn thu chính: làm lúa thủ công và nuôi trâu bò. Mà cái việc nuôi trâu bò của người Mơ Nâm thì mãi không thay đổi: trâu bò được thả lăn lóc giữa rừng, gửi cho ông trời canh giữ.

Người Mơ Nâm thật thà, cũng chẳng sợ bị bắt mất bò nhưng cái ốm cái đau của con vật thì liên tục. Cuối mùa đi lên thăm trâu bò, nhiều lúc người dân phải bưng mặt khóc vì thấy con vật quý đã lăn ra chết.

Năm 2012, sau khi được giao nhiệm vụ về làng vận động bà con, A Đruế họp làng rồi bảo: con trâu con bò của làng mình lâu nay chết nhiều quá. Bà con có biết vì sao không? Không phải là vì cái đói, mà vì cái rét, vì cái bệnh đấy!

Rồi A Đruế quả quyết: mình có đi học mình biết, bà con phải làm cái chuồng che chắn cho con trâu con bò thôi, chứ không thì còn chết nữa.

Hai ngày sau khi cắt tiết gà làm lễ khởi công, chuồng trâu nhà A Vơng - khu ở cho gia súc đầu tiên của người Mơ Nâm ở Kon Ke 1 - được “khánh thành”.

Tối đó, A Vơng loay hoay mãi trên rừng, tới tối mịt mới lùa được đàn trâu vào hết trong cái chuồng mới đóng. Sáng mai ra thăm chuồng, A Vơng bảo: “Cái chuồng trâu tài thật, cái nền cứng nên con trâu ngủ yên, người không bị lấm”.

Sau cái chuồng trâu của A Vơng, nhiều gia đình khác trong làng Kon Ke 1 cũng đến nói A Đruế bày cách làm chuồng trâu, rồi mua rượu về mời A Đruế qua uống, học hỏi.

Những ngày sau đó, mỗi lần có nhà nào làm chuồng trâu là thanh niên lại tập trung đông đủ. Người cõng đá lót nền, người nện đất, người cùng nhau gánh cát.

Cứ như thế chuồng trâu mọc lên ngày một nhiều, đến nay thì nhiều gia đình ở Kon Ke 1 và các làng lân cận đã có chuồng trâu, cái chuồng ấy chẳng còn lạ lẫm gì nữa.

Và cái được nhất mà A Đruế tự hào thì đã rõ ràng: con trâu không còn chết vì mưa rét, bệnh tật, đặc biệt là không còn bị bệnh tụ huyết trùng - nỗi ám ảnh của người nuôi trâu ở cao nguyên ẩm ướt này.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên