Tín hiệu khả quan của công nghiệp năm 2014 biểu hiện ở tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng cao lên tương đối rõ rệt qua các quý trong năm (nếu quý I tăng 5,2%, quý II tăng 6,4%, thì quý III tăng 8,5%, quý IV tăng khoảng 9%).
Nhờ đó tốc độ tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm nay đã cao hơn của 3 năm trước và cao hơn tốc độ tăng bình quân của 3 năm đó (6,3%).
Tăng trưởng công nghiệp đạt được ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khai khoáng.
Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành, ngành có “tính chất công nghiệp” rõ nhất (bởi tỷ trọng của nó đủ lớn mới được coi là nước công nghiệp) đã tăng khá cao (8,7%).
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao (11,7%) nên đã góp phần vào tốc độ chung, hạn chế tình trạng cắt điện, mất điện trong những năm trước đây.
Công nghiệp khai khoáng năm nay đã tăng 2,7% (năm 2013 giảm 0,6%).
Do tăng trưởng với tốc độ khác nhau, nên cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực.
Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động trong điều kiện Việt Nam có thế mạnh về số lượng lao động dồi dào, những ngành có sản phẩm xuất khẩu đều tăng trưởng với tốc độ cao (dệt may, sản xuất da, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học…); sản xuất vật liệu xây dựng đã tăng cao hơn tốc độ tăng chung…
Tốc độ tăng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đã cao hơn trước đây và cao hơn tốc độ tăng của chỉ số sản xuất. Tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm gần đây đã giảm so với cùng thời điểm các tháng trước, đã chậm lại so với cuối năm trước và đã trở lại mức bình thường, nhờ tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố tăng giá) đã cao hơn trước.
Doanh nghiệp đăng ký mới đã tăng lên về số lượng, về số vốn; số doanh nghiệp trở lại hoạt động cũng tăng lên... Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp tăng cao hơn tốc độ chung và cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu nông, lâm-thuỷ sản.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt kỷ lục mới và tập trung cho công nghiệp.
Bên cạnh tín hiệu khả quan về số lượng (tốc độ tăng sản xuất), thì chất lượng tăng trưởng công nghiệp (và xây dựng) còn thấp, việc cải thiện còn chậm.
Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng năm 2013 là 124,1 triệu đồng/người, trong đó của công nghiệp là 151,4 triệu đồng/người, tuy cao hơn mức năng suất chung (68,7 triệu đồng/người), nhưng nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái chỉ đạt tương ứng là 5.922-7.225 USD/người thì vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cơ cấu sản xuất công nghiệp cũng có những hạn chế, trong đó nổi lên là vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển.
Tổng số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cả nước hiện có 1.303 nhưng phần lớn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật còn thấp; tỷ lệ sử dụng linh kiện trong nước của các nhà lắp ráp tại Việt Nam đối với công nghiệp công nghệ cao mới đạt 10%, sản xuất thiết bị đồng bộ đạt 20%, ô tô đạt 15-40%... Do vậy, nhập siêu nguyên phụ liệu còn lớn.
Công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất nông cụ, chế biến sản phẩm...) còn ít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận