![]() |
Vô số tác phẩm âm nhạc đang được bày bán trên mạng viễn thông mà không hề có sự thỏa thuận, chi trả tác quyền- Ảnh: T.G.T. |
Bài 1: “Nóng” từng centimet
Trong số các sản phẩm nhạc chuông đang được các công ty kinh doanh, có thể nói chỉ có mảng chuông thoại do các nghệ sĩ hài VN như Quang Thắng, Minh Vượng... thực hiện theo hợp đồng là có bản quyền, ngoài ra thì mù tịt.
Tiếng còi xe, gà gáy, ngựa hí, trẻ em khóc, cười... đều được nhặt ra từ các đĩa CD sound samples (âm thanh mẫu) bán đầy ở các cửa hàng băng đĩa. Một số loại chuông thoại đặc biệt hơn như tiếng nói của các dân tộc trên thế giới, soundtrack (nhạc phim) trong các bộ phim đang hút khách thì lấy từ các website nước ngoài thông qua phần mềm thu âm thời gian thực (thu, ghi thành file cùng lúc website đang phát âm thanh mà không cần phải có micro) hoặc từ các diễn đàn. Tất nhiên, âm thanh thu lại từ website không thể có chất lượng cao như bản gốc. Nhưng điều đó có hề gì khi mục tiêu của các doanh nghiệp là có nhiều sản phẩm để kinh doanh.
Công nghệ cắt, cóp
Tín hiệu chuông chờ nhấc máy trên hầu hết các mẫu điện thoại là một phút trong khi mọi tác phẩm âm nhạc đều có thời gian phát dài hơn. Ðể đảm bảo thời lượng và cũng để có nhiều sản phẩm kinh doanh hơn, các doanh nghiệp đã tiến hành chia cắt các file nhạc thành 2-4 mảnh, mỗi phần được bán với giá 2.000-5.000 đồng tùy công ty. Phân tích quy trình biến một ca khúc thành nhạc chuông, ông Phạm Mai Quân, chuyên gia tin học, cho biết: "Dễ lắm! Dùng phần mềm copy file nhạc ra khỏi CD rồi đánh dấu, chia bài nhạc thành nhiều phần, chuyển định dạng và OK là xong. Không quá 2 phút. Với những bài hát lấy từ Internet còn nhanh hơn vì khỏi phải qua công đoạn trích xuất từ đĩa".
Một đoạn nhạc lạ đơn vị này lấy được từ đâu đó đưa lên site, các đơn vị khác tranh nhau lấy lại cũng bằng các thủ pháp tương tự mà không hề sợ vướng bất kỳ tranh chấp pháp lý nào vì "có ai có bản quyền đâu". Sự độc đáo của các sản phẩm mới biến mất chỉ sau vài ngày khi đã bị các nơi khác sao chép lại. Các doanh nghiệp lại tiếp tục cắt, cóp và cắt, cóp...
Việc các đơn vị sử dụng bản ghi âm nhạc để bán cho khách hàng qua mạng điện thoại mà không có sự thỏa thuận, chi trả tác quyền rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Phải nói thẳng rằng tình trạng vi phạm đang diễn ra tràn lan ở mức độ rất nghiêm trọng. Ví dụ như Bến Thành audio - video đã thống kê được hàng loạt tác phẩm của mình được sử dụng trên website bluesea.com.vn mà chưa hề có sự đồng ý của đơn vị. Ông Huỳnh Tiết (ủy viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN) |
Ðiều khiến không ít khách hàng mất tiền nằm ở các chuẩn âm thanh cho điện thoại. Chị Thu Hằng, nhà ở Tân Bình, TP.HCM, kể: "Tôi nhắn tin tải một bài nhạc chuông yêu thích. Tiền thì bị trừ nhưng bài hát nhận về không phát được. Máy báo không tương thích cái gì đó. Gọi lên bộ phận hỗ trợ thì họ đề nghị tải file đa âm. Lại nhắn, lại không tương thích. Gọi lại thì họ chuyển máy lòng vòng và hẹn sẽ thông báo với tôi sau khi xem xét. Vậy mà tôi không hề được thông báo lại gì cả dù đã mất tiền hai tin nhắn".
Khách hàng đã không được tư vấn loại điện thoại nào có thể load file âm thanh nào giữa vô vàn các chuẩn như midi, wav, mp3, amr...; lại thiếu website cho nghe thử để lựa chọn. Hỏi Thanh, nhân viên kỹ thuật của trang da...vn, anh nói: "Trước đây tụi tôi cũng có cho khách hàng nghe thử, nhưng rồi nhạc bị chôm nhiều quá nên công ty quyết định bỏ tính năng này". Vì quyền lợi của mình, các đơn vị đã bỏ qua quyền lợi khách hàng và khách hàng buộc phải mua món hàng mà họ không biết trước chất lượng.
Nhùng nhằng bản quyền
Trong cố gắng bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc, Công ty LK, vốn có liên hệ chặt chẽ với một trang mạng âm nhạc, đã đặt hàng nhạc sĩ Q. sáng tác riêng loạt nhạc chuông hàng độc theo đơn giá 30.000 đồng/đơn vị. Chỉ hơn tuần sau, nhạc sĩ Q. đã giao hàng trước sự khâm phục của LK vì khả năng sáng tác tốc độ. Thế nhưng khi kiểm tra lại các sản phẩm thì hỡi ôi đó chính là những bản nhạc nước ngoài được Q. cắt cúp, gắn thêm vài hiệu ứng âm thanh. Khi được hỏi, Q. thản nhiên: "Giá đó thì chỉ có thể làm vậy thôi". Nhạc sĩ H.T. tuy có sáng tác riêng nhưng lại đồng thời bán sản phẩm cho nhiều đơn vị cũng chỉ vì đơn vị đầu tiên trả giá quá thấp, không như anh muốn.
Câu chuyện của tập đoàn V là một dấu hỏi khác về bản quyền âm nhạc, bởi sau khi V ký hợp đồng sử dụng 2.000 tác phẩm với Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác phẩm âm nhạc VN (VCMPC), các công ty con của V mặc nhiên cho mình quyền được sử dụng toàn bộ 2.000 ca khúc ấy trên website, mạng điện thoại cố định, di động khiến sau đó VCMPC phải bở hơi tai đi tranh đấu với từng công ty con.
Ca sĩ K.L. cũng từng phải chuẩn bị hồ sơ kiện tụng khi tác phẩm của anh, vốn chỉ cho phép một trang mạng đưa lên Internet cho mọi người nghe, lại bị đơn vị này mang bán cho các công ty điện thoại. Tuy sự việc đã được dàn xếp trước khi đáo tụng đình bằng một khoản bồi thường, nhưng thêm một lần nữa cho thấy bức tranh về bản quyền nhạc Việt vẫn đầy lỗ hổng.
Theo rất nhiều nhạc sĩ, họ từng rơi vào cảnh há miệng mắc quai khi được một trang mạng âm nhạc hứa hẹn sẽ lo giúp họ về thông tin để đổi quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ trên mạng, và "quyền sử dụng" này đã được diễn dịch thành quyền kinh doanh tác phẩm qua mạng viễn thông. Và bởi sự mập mờ của bản hợp đồng mà các nhạc sĩ chỉ còn cách chờ nó hết hiệu lực để giành lại quyền định đoạt số phận những đứa con của mình - một bài học đắt giá.
Chưa ai thống kê nổi số lượng tác phẩm âm nhạc VN và quốc tế hiện đang được bày bán trên mạng viễn thông, nhưng chắc chắn đó là con số không hề nhỏ trong tỉ lệ 82% vi phạm bản quyền tại Vn mà các nghiên cứu của thế giới đã minh xác. Một cuộc kiểm tra liệu có quá khó thực hiện đối với cơ quan chức năng?
_____________________________
Bài 3: Những tiên tri thời công nghệ
Những trò bói toán nhảm nhí vẫn đang từng ngày móc hầu bao khách hàng ngay trước mũi cơ quan chức năng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận