25/06/2015 10:14 GMT+7

Công nghệ mới trong cứu hộ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Khi thảm họa xảy ra, điều đầu tiên mà các nhóm cứu trợ xưa nay thường nghĩ đến là tiếp tế thực phẩm, nước uống và hỗ trợ y tế.

Công nghệ hiện đại giờ đây đóng vai trò to lớn hơn trong việc tìm kiếm, cứu trợ.

Máy bay không người lái cỡ nhỏ xuất hiện tại một khu vực đổ nát ở Bhaktapur (Nepal) sau động đất - Ảnh: Reuters
Máy bay không người lái cỡ nhỏ xuất hiện tại một khu vực đổ nát ở Bhaktapur (Nepal) sau động đất - Ảnh: Reuters

Theo Straits Times, các chuyên gia quốc tế tụ họp tại một hội thảo về cứu trợ nhân đạo ở Thái Lan tuần trước đã nhất trí rằng công nghệ hiện nay đang thay đổi cả phương thức và hình thức cứu trợ trong các thảm họa. Ngày càng nhiều người sống sót sau thảm họa có nhu cầu được kết nối với nguồn điện để sạc điện thoại di động và truy cập Internet bên cạnh nhu cầu về thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Thông qua các thiết bị công nghệ, những người sống sót có thể tìm các tuyến đường thoát ra khỏi vùng thảm họa an toàn, thông báo cho người thân về tình trạng của họ hoặc thậm chí là nhờ người thân chuyển tiền khẩn cấp.

Tầm quan trọng của kết nối

Theo bà Meghan Sattler thuộc Mạng lưới viễn thông khẩn cấp (ETC) - một mạng lưới quy tụ các tổ chức do Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc điều phối, kết nối liên lạc là một nhu cầu lớn và các cộng đồng trong thảm họa ưu tiên nó hơn những thứ khác.

Trong khi đó, các nhóm cứu trợ thảm họa ngày càng sử dụng nhiều các hệ thống viễn thông truyền dữ liệu tiên tiến có khả năng truyền tải các cuộc đàm thoại, hình ảnh và văn bản.

Các hệ thống này sẽ giúp đánh giá tình hình khu vực thảm họa. Các tổ chức cứu trợ, các mạnh thường quân và các công ty tư nhân đang được khuyến khích phát triển các thiết bị thông tin liên lạc có thể được vận chuyển dễ dàng đến vùng thảm họa và hoạt động ngay lập tức khi đến hiện trường.

Sau trận động đất 7,8 độ Richter ở Nepal hồi tháng 4, ETC đã điều động ngay các hệ thống thu phát tín hiệu vệ tinh khẩn cấp đến nước này trong vòng 36 tiếng. Mỗi thiết bị vệ tinh này nặng dưới 32kg, gắn vào một bóng khí cầu có chiều cao 2,4m khi được làm phồng. Hệ thống này sẽ giúp kết nối với vệ tinh và cung cấp kết nối Internet không dây.

Tại Chautara, một làng bị thiệt hại nặng nề sau động đất ở phía đông thủ đô Kathmandu (Nepal), một điểm phát sóng Internet không dây như vậy bao phủ một diện tích chừng 5.000m2, phục vụ cho khoảng 1.000 nhân viên cứu trợ nhân đạo từ 130 tổ chức trong một tháng đầu làm nhiệm vụ.

Nepal cũng là nơi mà một số lượng máy bay không người lái (UAV) hoạt động nhiều chưa từng có trong việc trợ giúp cứu trợ nhân đạo vừa qua. Thiết bị thường ngày được coi là món đồ chơi của những người mê công nghệ hay của báo giới trong việc chụp ảnh toàn cảnh đang được nhiều công ty lớn để mắt trong việc phát triển chúng thành những công cụ vận chuyển hàng hóa trong tương lai.

Straits Times dẫn lời tiến sĩ Patrick Meier, sáng lập viên Mạng lưới UAV nhân đạo, cho biết 15 nhóm điều khiển máy bay không người lái đã hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng địa phương ở Nepal và giữa các nhóm với nhau để chia sẻ những dữ liệu hình ảnh về vùng bị ảnh hưởng bởi động đất ở Nepal, từ đó giúp các nhóm hỗ trợ y tế và các cơ quan hữu quan xác định xem khu vực nào cần ưu tiên cứu trợ nhiều nhất.

Vì thiếu các quy định cụ thể về UAV ở Nepal, các nhóm này đã phải xin phép trực tiếp Chính phủ Nepal và chính quyền địa phương cũng như liên lạc thường xuyên với các cộng đồng nơi UAV hoạt động.

Việc sử dụng UAV trong thời gian qua gây nhiều tranh cãi vì xâm phạm đời tư cũng như đe dọa an ninh, hoạt động hàng không. Thế nhưng trong hoàn cảnh thảm họa thì khác.

Theo ông Meier, những chiếc UAV hạng nhẹ có thể dùng để chuyên chở văcxin, bộ lọc nước hay thậm chí là điện thoại vệ tinh đến những khu vực khó tiếp cận. Ông Travis Heneveld thuộc Công ty Motorola cho biết những UAV được trang bị bộ cảm biến đặc biệt có thể phát hiện dấu hiệu những người sống sót dưới đống đổ nát.

Ứng dụng công nghệ không gian

Trong khi một số tổ chức, công ty tận dụng UAV trong việc cứu trợ thì Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) từ lâu đã nghiên cứu cách thức áp dụng công nghệ không gian tiên tiến vào thực tế trên Trái đất.

Theo Fox News, gần đây nhất, NASA đã ứng dụng công nghệ vốn chỉ dành để khám phá sao Mộc và sao Thổ để cứu người trong các thảm họa. Trong một ví dụ điển hình, thiết bị có tên Tìm kiếm người trong phản ứng khẩn cấp và thảm họa (FINDER) đã cứu được 4 người dưới đống đổ nát tại một nhà máy dệt may và một tòa nhà khác ở Chautara (Nepal). Đây cũng là lần đầu tiên công nghệ này được ứng dụng trong một thảm họa thật sự.

FINDER là một thiết bị gọn nhẹ với kích cỡ chỉ bằng một chiếc vali trung bình có trang bị hệ thống dò tìm bằng rađa. Hệ thống dò tìm này rất lý tưởng trong việc tìm người sống sót dưới các đống đổ nát sau thảm họa như lở tuyết, động đất hay cháy rừng.

Các nạn nhân được tìm thấy sớm chừng nào sẽ được cứu và chăm sóc y tế sớm chừng đó. Thời gian dò tìm quyết định sự sống hay cái chết của nạn nhân.

FINDER có thể xác định được người dưới đống đổ nát bằng cách phát đi một tín hiệu vi sóng tần số thấp xuyên qua đống đổ nát. Sau đó, thiết bị này sẽ tìm kiếm những sự thay đổi trong những tín hiệu dội ngược lại thiết bị.

Những sự thay đổi trong tín hiệu có thể phát sinh từ những chuyển động nhỏ nhất của nạn nhân còn sống dưới đống đổ nát. Trên thực tế, khi NASA thử nghiệm FINDER, thiết bị này có thể phát hiện được nhịp tim của nạn nhân bị chôn vùi dưới đống bêtông dày 6m hay đống đổ nát thông thường dày 9m.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên