28/10/2013 13:02 GMT+7

"Công nghệ" làm thuốc chăn nuôi dỏm

Nhóm PV CTXH
Nhóm PV CTXH

TT - Phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện tại TP.HCM có một “lò” chuyên pha trộn kháng sinh giả dùng trong chăn nuôi. Mỗi tuần “lò” này đưa ra thị trường hàng trăm ký kháng sinh giả.

dfeJ8QVl.jpgPhóng to
Trộn kháng sinh giả ngay trong phòng trọ - Ảnh: Ngọc Khải
sObqU9dj.jpgPhóng to
Ông Đài pha trộn thuốc kháng sinh với đường lactose để làm ra hàng dỏm - Ảnh: N.Khải - KH.Văn
Clip Công nghệ” làm thuốc chăn nuôi dỏm

Lối ra vào dãy phòng trọ ở 10/23/2 Cống Lở (P.15, Q.Tân Bình) thường xuyên có gần chục thùng nhựa màu xanh loại 25kg. Ở đây nồng nặc mùi của nhiều loại kháng sinh. Hai người thường xuyên có mặt ở chỗ này là ông Đài và Hải, họ là những “nghệ nhân” trộn chất độn làm tăng trọng lượng của các thùng kháng sinh, chủ yếu là đường lactose, có xuất xứ từ Mỹ, giá thành khoảng 1 triệu đồng/bao 25kg.

Trộn chất độn

"Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhiều loại kháng sinh dùng trong thú y có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt tới 100 triệu đồng"

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Sáng 11-10, sau khi nghe mối điện thoại đặt một thùng amoxicillin 25kg của Ấn Độ, ông Đài và Hải nhanh chóng cân đo lượng đường lactose và bột amoxicillin (hàng chính hãng) cho vào cùng một bao nilông lớn rồi dùng lưới inox sàng hỗn hợp bột này vào hai lớp bao nilông đặt trong một thùng rỗng màu xanh. Sau khi bỏ thùng lên cân, Hải lấy thêm khoảng 1kg amoxicillin rải lên bề mặt. Hải lý giải làm như vậy để tạo mùi hàng “zin”, khi kiểm tra hàng khó phát hiện được là hàng trộn. Lúc này, ông Đài lấy trong nhà ra một túi nilông gồm các dây rút bằng nhựa có in mã số và một xấp nhãn mác in sẵn. Hải lấy hai dây rút niêm phong lại hai miệng bao nilông, lấy xăng từ xe máy lau sạch thùng rồi lột decal dán nhãn mác, ngày sử dụng. Hải và ông Đài đóng nắp thùng, dùng khuy sắt niêm phong nắp thùng lại. Nhìn bên ngoài, thùng kháng sinh giả này không khác gì hàng chính hãng. Ngay sau đó, ông Đài chất thùng hàng lên xe máy chạy hơn 40km xuống khu dân cư Việt Sing (P.An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) giao hàng cho người đàn ông tên Hoàng.

Đối với kháng sinh doxycycline (thùng 25kg, xuất xứ từ Trung Quốc), do có màu vàng nhạt, ông Đài và Hải nhuộm đường lactose (có màu trắng) bằng cách phun xịt phẩm vàng rồi đem phơi nắng, sau đó trộn với hàng “zin”. Chiều 2-10, khi Hải cho hỗn hợp bột màu vàng đã trộn vào thùng thì Hải hỏi ông Đài sao hàng vón cục nhiều quá, ông Đài nói cần sàng lại bằng lưới inox lỗ lớn. Chỉ mất khoảng 10 phút, Hải sàng lọc xong, rồi dán nhãn mác doxycycline và gắn chì niêm phong ở nắp thùng. Hải chằng thùng hàng này lên xe máy chạy một mạch tới khu dân cư Việt Sing giao cho ông Hoàng.

Theo tìm hiểu, ông Đài làm kháng sinh giả hơn một năm nay, thông thường mỗi ngày có 1-3 thùng amoxicillin hoặc doxycycline, mỗi tuần có hàng trăm ký kháng sinh giả qua “công nghệ” độn bột giá rẻ để bán lại kiếm lời. Theo đó, mỗi thùng kháng sinh giả bán ra, ông Đài lời 1-2,5 triệu đồng, tùy vào tỉ lệ pha trộn và giá cả ông này bán cho mối.

Các loại kháng sinh, đường lactose, chất chống vón (có tên sypernate, xuất xứ Đài Loan) và các loại decal nhãn mác, ông Đài chỉ cần điện thoại là có người giao tận dãy phòng trọ. Sáng 5-10, ông Đài điện thoại cho nhân viên giao hàng của một công ty đặt mua một thùng amoxicillin. Sau khi mua thùng hàng, tính tiền (khoảng 19 triệu đồng), ông Đài mang vào lối đi trong dãy phòng trọ. Phải mất hơn 5 phút, ông Đài và Hải mới cạy lấy được khuy sắt niêm phong nắp thùng này, dây rút co nhựa ở miệng bao nilông và nhãn mác. Toàn bộ vỏ thùng, nhãn mác, khuy sắt, dây rút này được ông Đài dùng lại để đóng một thùng hàng giả khác.

Trong ngày 5-10, ông Đài và Hải pha trộn hàng “zin” với đường lactose làm cả thảy ba thùng hàng giả. Chiều cùng ngày, Hải xuống khu dân cư Việt Sing giao một thùng và nhận tiền từ ông Hoàng.

Núp bóng hàng gian

Theo tìm hiểu, ngoài giao kháng sinh “phù phép” cho ông Hoàng ở khu dân cư Việt Sing, ông Đài thường xuyên giao hàng cho ông Hùng (ở KP5, P.An Phú Đông, Q.12) và một điểm giao hàng trên đường Dương Đình Hội (P.Phước Long B, Q.9). Các mối này sẽ bán lại cho người chăn nuôi trộn vào thức ăn để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Hải tiết lộ hàng trộn bỏ cho mối có khi mối lại pha trộn thêm một lần nữa mới bán cho người tiêu dùng. Khi mua hàng, các mối không hề hay biết đây là hàng “trộn”, chỉ biết là hàng giá rẻ tuồn từ công ty ra, không có hóa đơn chứng từ.

Với hàng kháng sinh giả, Hải và ông Đài “tiếp thị” là hàng trộm cắp hoặc hàng thu gom lại nên mới có giá rẻ. Tối 5-10, ông H. ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điện thoại hẹn gặp Hải vào sáng hôm sau để hỏi mua các loại kháng sinh dùng cho nuôi thủy sản. Sáng 6-10, trong lúc đợi mối hàng mới (tức ông H.) tới quán cà phê ở chung cư Tây Thạnh (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú), Hải dặn người đi cùng: “Mình cũng không cần họ quá, cần họ quá họ nghi ngờ. Nói hàng trộn là chết”. Hải nói giá cả kháng sinh tương xứng với tỉ lệ trộn khác nhau. Thông thường ông Đài trộn với tỉ lệ 5:5, mua một thùng “zin” làm được hai thùng, bán ra kiếm lời 4-5 triệu đồng.

Khi ông H. đến, Hải đưa ra một danh sách hàng chục loại kháng sinh, nói: “Hàng hóa là vậy đó. Nói chung cần cái gì cũng có”. Hải huyên thuyên nói cho ông H. biết có đường dây tuồn hàng trộm cắp từ “công ty” rất lớn, mỗi ngày xuất hàng bán đi khắp nơi gần 2.000 thùng kháng sinh. “Cái này là 5-6 thằng chứ không phải một thằng lấy ra, trong đó có hai thằng thủ kho và bốn thằng bảo vệ nữa. Bởi vậy nó lấy số lượng thì vô tư”.

Hải đưa ra nguyên tắc giao hàng: “Giao hàng hẹn ở đâu đó, ông không biết nhà tôi mà tôi cũng không biết nhà ông, hẹn nhau chỗ nào đó rồi lấy tiền, đưa hàng. Cái này đâu hẹn cố định được, mà phải đổi địa điểm, hàng này giống như hàng lậu rồi, làm gì có giấy tờ”.

Tiến sĩ Võ Thị Trà An (khoa chăn nuôi thú y Trường đại học Nông lâm TP.HCM):

Ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng

Kháng sinh là thuốc dùng để điều trị nhiễm vi khuẩn (gọi tắt là nhiễm khuẩn). Đây là những thuốc cần được kê toa chứ không phải tự ý mua và tự ý bán trên thị trường. Ngoài sử dụng để điều trị bệnh, người ta có thể trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm để phòng bệnh. Một trong những nguyên tắc của việc dùng kháng sinh là kháng sinh phải được dùng đủ liều mới có hiệu quả. Do đó, nếu sử dụng kháng sinh bị làm giả thì hiệu quả điều trị bệnh sẽ không cao hoặc thất bại. Nguy hiểm hơn, ở thuốc bị làm giả, hàm lượng kháng sinh sẽ giảm, gián tiếp tạo ra vấn nạn: thay vì vi khuẩn bị tiêu diệt thì chúng lại đề kháng với kháng sinh. Nói tóm lại, dùng thuốc ở liều thấp sẽ dẫn đến lờn thuốc. Nguy hiểm hơn nữa là những vi khuẩn lờn thuốc này có thể lây sang con người qua việc nhiễm lên thực phẩm (thịt, sữa...). Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của con người, việc điều trị bệnh cho người có thể rất khó khăn khi nhiễm vi khuẩn lờn thuốc.

Nhóm PV CTXH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên