Phóng to |
Kapsis luôn đeo sát và vô hiệu hóa Koller |
Những ngày qua, gần như tất cả cơ quan thông tin đại chúng khắp thế giới đều nhắc đến việc Hi Lạp vào chung kết với Bồ Đào Nha như là một sự kiện bất ngờ khủng khiếp. Yếu tố bất ngờ mang tính thần linh.
So sánh với những “hiện tượng” mà bóng đá mang lại trong nhiều thập niên qua như việc đoạt Cúp châu Âu của Đan Mạch năm 1992, Bulgaria tại World Cup 1994, Pháp tại World Cup 1998 hay Euro 2002, thậm chí đến đội Đức già nua vẫn vô địch Euro 1996... thì tất cả đều có những lời lý giải. Đó là việc phòng thủ chặt chẽ và tấn công hiệu quả, gắn liền với đó là sự chói sáng của các ngôi sao.
Vậy hiện tượng mà bóng đá Hi Lạp mang đến tại Euro 2004 lần này là gì ? Ngoài lối chơi phòng thủ chặt cổ điển kiểu Ý mà tờ La Repubblica đã gọi là “lối chơi đã có từ 30 năm trước...” được thể hiện với phong cách lực sĩ là thể lực cuồn cuộn, thì điểm xuyên suốt luôn hiển thị là may mắn.
Trong trận bán kết gặp Czech, có ít nhất ba lần thủ môn đã bất lực thì xà ngang hay cột dọc lại “đứng ra” cản trở bàn thắng. Sự may mắn đang được người Hi Lạp nhìn nhận như một sự hỗ trợ của các vị thần linh.
Không thể phủ nhận một thực tế: trong bóng đá, cái hay, cái đẹp chưa hẳn đi liền với chiến thắng. 30 năm trước người Ý đã đưa ra chiến thuật phòng thủ bêtông để tìm chiến thắng với cách điệu: phòng thủ phản công.
30 năm sau là một vị HLV thực dụng người Đức, ông Otto, hiểu rõ bóng đá Hi Lạp không thể công khai sòng phẳng đối đầu với các đội bóng “đầy sao” và chơi tấn công nên đã áp dụng lối chơi phòng thủ cũ của người Ý.
Tuy nhiên điều mới đáng ghi nhận là cách thể hiện của chiến thuật này có nét mới đó là lối chơi thể lực kiểu các chiến binh thành Athens trước Công nguyên.
Đó là việc cả ba tuyến chỉ làm nhiệm vụ phòng thủ là chính, phòng thủ ba tầng và di chuyển liên tục.
Kể từ trận thắng Pháp, người ta đã phát hiện một Hi Lạp không thể tranh chấp tay đôi trong các cuộc đối đầu nên mỗi khi đối phương có bóng, ít nhất có 2-3 cầu thủ Hi Lạp bao bọc xung quanh.
Nét mới ở lối chơi cổ điển này còn ở chỗ không phải đeo bám theo kiều “ruồi bu” mà là đeo bám có trọng điểm theo kiểu một kèm một và theo khu vực.
Mỗi cầu thủ Hi Lạp được phân công kèm một cầu thủ đối phương nhưng những cầu thủ từng tuyến có trách nhiệm hỗ trợ.
Cách đeo bám như vậy đòi hỏi cầu thủ phải có thể lực rất sung mãn và điều thành công mà ông Otto đã thể hiện là chuẩn bị cho cầu thủ của mình như những lực sĩ điền kinh đúng vào điểm rơi thể lực.
Một đội bóng không có ngôi sao, thi đấu đến năm trận chỉ ghi được sáu bàn thắng và gần như không có một cái tên nào để người ta phải nhớ đã vào đến trận chung kết.
Một đội bóng khi dành phần lớn thời gian và cầu thủ để... phòng thủ và tận dụng được cơ hội để ghi bàn thì không thể gọi là một đội bóng mạnh.
Tuy nhiên điều quan trọng là các đối thủ của Hi Lạp đã không tìm ra cách chế ngự lối chơi cổ điển này.
Trong bài bình luận mới đây, tờ L’Equipe cho rằng bóng đá Hi Lạp không phát triển mà do các đội bóng châu Âu khác đang lùi lại. Một so sánh có cơ sở. Các cường quốc mạnh của bóng đá châu Âu đã quá già nua và các ngôi sao đã mệt mỏi bởi các giải bóng đá nhà nghề.
Họ đã đến với giải vô địch châu Âu không phải với phong độ cao nhất. Và trong bối cảnh đó, thành công của bóng đá Hi Lạp phải được nhìn nhận có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
Đối đầu với Bồ Đào Nha, một đội bóng đang có nhiều ngôi sao sáng giá và khát vọng thắng, chắc chắn hiện tượng Hi Lạp sẽ không còn yếu tố bất ngờ.
Vấn đề là ông Scolari và các học trò của mình sẽ tìm cách nào để hóa giải lối chơi sung mãn, hợp lý của các chiến binh Hi Lạp?
Trong bóng đá, từ đẳng cấp được xây dựng bằng truyền thống, thực lực, con người (các ngôi sao nổi bật) và lối chơi được xây dựng bởi HLV khôn ngoan.
Chiến thắng thuộc về đội bóng có đẳng cấp cao được ngầm hiểu là công lý, là trật tự trong bóng đá.
Tuy nhiên, nếu như sau rạng sáng 5-6 công lý có thể không được tái lập, bóng đá Hi Lạp vẫn đăng quang thì dù có là “kết cục buồn của Euro 2004” cũng phải nhìn nhận Hi Lạp đã thành công trong sự tụt lùi của bóng đá châu Âu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận