26/05/2004 17:07 GMT+7

Cồng chiêng - một kiệt tác văn hóa

GS-TS Tô Ngọc Thanh
GS-TS Tô Ngọc Thanh

Nhân việc cồng chiêng Tây Nguyên được trình UNESCO để công nhận là di sản văn hóa thế giới, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian VN, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Di sản Văn hóa trò chuyện về những giá trị lớn lao và nỗi lo mai một di sản quý giá này.

IO5mmMEz.jpgPhóng to
Đội chiêng Mnông trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Đắc Lắc
Nhân việc cồng chiêng Tây Nguyên được trình UNESCO để công nhận là di sản văn hóa thế giới, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Dân gian VN, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Di sản Văn hóa trò chuyện về những giá trị lớn lao và nỗi lo mai một di sản quý giá này.

* Là người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, xin ông cho biết những giá trị của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên?

- Cồng chiêng là một loại hình di sản tồn tại từ nền văn hóa đồng Đông Sơn, cách đây ít nhất 3500-4000 năm, mà trống đồng và chiêng cồng là hai nhạc cụ điển hình.

Nghệ thuật cồng chiêng của VN đã phát triển đến một trình độ cao so với các nước trong khu vực Đông-Nam Á. Mỗi bài chiêng đều có rất nhiều bè, trong đó, mỗi cá nhân sẽ dùng một cái chiêng, bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh. Các nghệ sĩ cồng chiêng nhớ rõ các tiết tấu trong đầu và kết hợp với nhau rất hài hòa.

Mặt khác, VN không chỉ dùng riêng một loại chiêng có núm hoặc chiêng bằng, mà thường dùng chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu.

ZtlCAzci.jpgPhóng to

Khó có thể khôi phục đời sống cồng chiêng như trước đây, nhưng giữ gìn và bảo tồn loại hình di sản này là một việc làm rất cần thiết. Cần phải giúp người dân hiểu được giá trị quý của cồng chiêng, bảo vệ và khôi phục lại những sinh hoạt cộng đồng với sự tham gia của loại hình nhạc cụ độc đáo này. Mỗi chúng ta, cần phải biết kính trọng những giá trị bản chất, nguyên gốc của cồng chiêng, chứ không phải là những giá trị đã được cải biên.

Cồng chiêng cũng là một nhạc cụ rất phổ biến trong nền âm nhạc của các tộc người VN. Nhưng với văn hóa Tây Nguyên, cồng chiêng là đại diện. Tây Nguyên là cái nôi của loại hình nghệ thuật này, không có cồng chiêng thì không có Tây Nguyên.

Chúng ta nhìn cồng chiêng với một độ phổ biến rộng như thế, hết năm này qua tháng kia để khẳng định rằng, cồng chiêng là một bộ phận của lịch sử. Giá trị của cồng chiêng không phải nhạc cụ nào cũng có.

Ngoài sự phát triển đến một trình độ cao như thế, người Tây Nguyên còn có nhiều phong cách chơi cồng chiêng rất phong phú và bài bản.

Phương pháp chủ điệu là một bài trầm đánh trên một vài giai điệu được tìm thấy ở người Ba Na và Gia Rai. Phương pháp đánh từng chùm gặp ở người Ê Đê. Phương pháp đối thoại gặp ở người Mnông.

Đó là còn chưa kể tới phong cách sử dụng chiêng của những tộc người khác như người Chăm, Chu Ru, hay người Răklây. Họ thường chỉ có năm, sáu chiêng, số lượng ít hơn so với Gia Lai, Ê Đê, Mnông...

Cồng chiêng cũng là biểu tượng của tiềm lực kinh tế của đồng bào Tây Nguyên xưa. Đã có thời, có những chiếc chiêng trị giá hai con voi hoặc hàng chục con trâu. Nhà nào nhiều chiêng, có chiêng quý là nhà có quyền lực, giàu có trong buôn làng. Điều đó cũng nói lên rằng, cồng chiêng "bám" rất chắc vào cuộc sống của các tộc người ở Tây Nguyên. .

* Chất "thiêng" thể hiện như thế nào trong văn hóa cồng chiêng của người Tây Nguyên, thưa ông?

- Bây giờ có nhiều quan niệm cho rằng, cồng chiêng là nhạc cụ để vui chơi, nhưng thật ra trong nguyên thủy, chiêng là tiếng nói của thần linh. Người Tây Nguyên thường dùng chiêng trong lễ hội, họ quan niệm chiêng là tiếng nói của con người với thần linh.

Hãy đọc lại các sử thi Tây Nguyên như Đam San, Xinh Nhã... mà xem, bạn sẽ thấy người ta có thể ngồi lên chiêng để bay, khi ngửa chiêng ra thì có cây thuốc lá mọc ở trên đó... Có rất nhiều khả năng thần kỳ, chứng tỏ chất thiêng trong các bộ cồng chiêng.

Người Tây Nguyên cũng tin rằng, chiêng càng cổ thì vị thần trú ngụ trong đó càng có sức mạnh. Nói vậy để thấy rằng giá trị của cồng chiêng không chỉ nằm ở kỹ thuật chế tác, mà chính là ở ý nghĩa tâm linh của nó.

Cồng chiêng cũng thường được người Tây Nguyên sử dụng trong nhiều nghi lễ rất quan trọng. Mọi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên đều gắn liền với tiếng cồng chiêng.

Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một tâm trạng an toàn, một không gian huyền ảo.

Không chỉ có thế, tiếng cồng, tiếng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên cánh bay của sự lãng mạn, đó cũng là nguồn gốc của những áng thơ ca, sử thi bay bướm. Cồng chiêng vì thế, không chỉ đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, mà còn là một sứ giả của nền văn hóa VN, xứng đáng là một kiệt tác văn hóa.

* Nhưng hiện nay, dư luận đang nói nhiều đến hiện tượng "chảy máu cồng chiêng" ở Tây Nguyên?

- Đúng vậy, số lượng cồng chiêng ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây đang sụt giảm tới mức báo động, tiếng cồng chiêng ngày càng thưa thớt trong đời sống cộng đồng Tây Nguyên.

Có nhiều lý do, đời sống kinh tế mới đã phá vỡ kết cấu cộng đồng xưa, các sinh hoạt truyền thống ngày càng ít đi khiến cồng chiêng không còn vị trí như trước. Trong lúc đó thì người dân cần tiền để làm nhiều việc khác, họ đã bán cồng chiêng, có lúc theo mức giá chỉ 3.000 đồng/kg.

Mặt khác, người Tây Nguyên bây giờ cũng không còn quá tin tưởng vào thần linh, tính thiêng của cồng chiêng vì thế cũng giảm dần. Thanh niên Tây Nguyên ngày càng ít biết đến những giá trị của cồng chiêng, ít gắn bó với những sinh hoạt của cộng đồng như xưa. Cồng chiêng vì thế đã trở thành chuyện của người già, nó đang nằm bên bờ vực của sự mai một. Ngay cả các nghệ nhân nắm giữ những giá trị của nghệ thuật cồng chiêng cũng đã mất hoặc còn rất ít, họ đã ở vào độ tuổi 70, 80.

GS-TS Tô Ngọc Thanh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên