29/12/2010 06:06 GMT+7

Còn "ự" được thì cứ "ự"...!

BÀ TÁM
BÀ TÁM

TTC - Đã biết nghe vọng cổ, cải lương, không ai có thể quên giọng ca độc đáo với tiếng “ự” mỗi khi xuống hò. Đó là nghệ sĩ Văn Hường mà người đời quen gọi là hề Văn Hường. Với những bài ca cổ vui không có đối thủ Tư Ếch đi Sài Gòn, Vợ tui đẹp ác, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Rượu ơi là rượu... ông đã để lại cho đời một thể loại ca cổ độc đáo cho tới nay chưa có ai theo được.

D1uxnlRQ.jpgPhóng to

Sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc Quận 9) trong một nhà nông bình thường. Ông không xuất thân từ bất cứ lò nghệ thuật cải lương, ca cổ nào, mà chỉ mê nghệ thuật này. Qua radô (máy phát thanh), với sự ham thích và năng khiếu sẵn có, ông thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý. Rồi một ngày, chịu hổng nổi sức hút của niềm đam mê, ông từ giã quê hương lên Sài Gòn... bán hột dưa! Năm đó, ông chừng 15 tuổi! Ở nhờ nhà người quen, ông buôn bán quanh quẩn rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là Nhà hát Kịch TP.HCM - 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1), rạp cải lương nổi tiếng của Sài Gòn.

Độc chiêu của ông là “khuyến mãi” cho khách hàng một câu vọng cổ, vì vậy nhiều khách hàng vốn là khán giả cải lương thích lắm! Cho tới một lần... hễ mua hột dưa là được thằng nhỏ “khuyến mãi” thêm một câu vọng cổ rất mùi, nghệ sĩ Lệ Liễu liền rủ thằng nhỏ về hát phục vụ ở Giải trí trường Thị Nghè (như quán Nghệ Sĩ hiện nay), nơi bà là chủ quán. Dù gì thì hát hò kiếm cơm cũng “ngon” hơn bán hột dưa! Được vài bữa, tình cờ Bảy Cao, bầu gánh hát Hoa Sen, ghé chơi, nghe thằng nhỏ hát là ông kết liền.

Ông hỏi bà Lệ Liễu mới biết nó là cái thằng bán hột dưa trước cửa rạp hát Nguyễn Văn Hảo, nơi gánh Hoa Sen của ông đang đóng đô. Biết mình không được đẹp trai, miệng thì móm lại thiếu chiều cao, nên khi nghe bầu Bảy Cao phán: “Thôi mày làm hề ca đi! Hề thì phải ra hề, phải tạo cho mình một cái “xì-tin” riêng”. Đắn đo suy nghĩ một hồi, ông liền “ự” trước khi xuống vọng cổ cho Bảy Cao nghe. Bảy Cao chịu liền.

Ngay nghệ danh, Bảy Cao đề nghị lấy luôn tên thiệt cho “đỡ mất công” suy nghĩ. Khởi nghiệp ở đoàn Hoa Sen, và khi nổi tiếng thì đoàn Kim Chung mời ông sang ký giao kèo. Và sân khấu sau cùng ông làm việc là đoàn Sống Chung (sau giải phóng). Với hơn 200 bài vọng cổ vui do soạn giả Viễn Châu “đo ni đóng giày” bằng khả năng riêng, ông đã tạo nên tên tuổi một hề Văn Hường không có đối thủ. Trong các tuồng, ông chỉ đóng vai “người ở đợ”, “người làm công”, nhưng khán giả “khoái tui vì mấy câu hát” - ông thố lộ. Ông cũng không nhớ rõ thời điểm thu dĩa hát đầu tiên, mà chỉ nhớ tên dĩa là Đêm tân hôn.

Thập niên 50 - 60, thời kỳ vàng son của cải lương, ca cổ. Thời đó chưa có truyền hình, cát-sét nên đài phát thanh là phương tiện nghe phổ biến của người yêu nghệ thuật, ngoài việc đến rạp. Hàng loạt các tuồng tích đa thể loại của các soạn giả có tiếng được dàn dựng hát tại các rạp. Cạnh đó, thính giả mộ điệu còn được nghe những bản vọng cổ vui có nội dung châm biếm những thói hư tật xấu, phát thường xuyên trên sóng truyền thanh hoặc gia đình nào kha khá “chơi” một cái pick-up (máy hát dĩa) về hát cho vui nhà vui cửa, luôn tiện phục vụ bà con chòm xóm...!

Bằng tài năng thiên bẩm của mình, Văn Hường với các bài ca cổ vui Ba Râu đi Chợ Lớn, Tào Tháo kể ơn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Rượu ơi là rượu, Vợ tôi đẹp ác... tung hoành một cõi, từ rạp hát, đến phát thanh, lẫn dĩa hát. Rất nhiều người chưa thấy ông diễn, nhưng đều biết ông qua tiếng “ự” mỗi lần xuống hò vọng cổ. Chẳng những vậy, ông còn ca rất mùi, và thể hiện một loại ca cổ “nói lối” rất độc đáo, chưa từng thấy trước đó ở bất cứ nghệ sĩ nào.

Sau khi từ giã sân khấu cuối cùng là đoàn Sống Chung, vì bịnh nặng do uống rượu quá nhiều, dĩ nhiên cũng có phần do tuổi tác, ông lui về mở quán sống qua ngày. “Trước biến chuyển thời cuộc đưa đến sự tuột dốc thảm hại của cải lương, tui quyết định không thèm làm nô bộc, ở đợ, làm công cho chủ nữa (các vai diễn của ông trong hơn nửa thế kỷ đi hát), lột xác trở thành ông chủ đàng hoàng à nhe... Lòng vòng nhiều chỗ, khoảng 2 năm nay tui về “ự” tại gia (quán nghệ sĩ Văn Hường - 54A Hàng Tre, KP.Mỹ Thành, P.Long Thạnh Mỹ, Quận 9).

Tuy rằng quán nằm xa thành phố, nhưng quán của tui thường xuyên tiếp những vị khách rất đặc biệt, đó là những chiến hữu, những dân mộ điệu cải lương từ khắp các tỉnh, hoặc các Việt kiều tìm đến để nghe Văn Hường “ự” lại những bài vọng cổ vui xưa...”. Ở tuổi tròm trèm gần 80, nhưng Văn Hường trông khỏe mạnh, và mỗi ngày đều “ự” vài lần thấy vẫn còn có hơi, dù hổng bằng ngày xưa.

“Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có người nhớ, mến, đêm đêm còn được đứng phục vụ theo yêu cầu của dân mộ điệu trên sân khấu quán nhà đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của một nghệ sĩ về chiều như tui. Còn “ự” được tui cứ “ự”, cho đến khi nào “ợ” thì... nghỉ!”

uYCkfQ15.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 418 (ra ngày 15-12-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BÀ TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên