06/07/2005 00:29 GMT+7

Con thi, cha mẹ cũng thi

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Một bà mẹ giật mình trước cổng trường khi nghe vọng ra tiếng chuông báo bắt đầu giờ thi. Một ông bố leo lên yên xe Honda, đứng dựa vào gốc cây để dõi mắt tìm con. Một bà mẹ ngồi bệt trên bãi cỏ, vừa quạt vừa che nắng cho con gái đang mệt mỏi gối đầu trong lòng.

Z4zd9Usj.jpgPhóng to
Bên cạnh làn da sạm nắng, bàn tay nổi gân, nếp nhăn nhọc nhằn trên mặt bố mẹ, những cô gái, chàng trai bước vào trường thi là ước mơ và niềm tin yêu trọn đời của họ. Trong ảnh: bà Huỳnh Thị Mỹ ở Gò Công Đông (Tiền Giang) và con là Trần Trung Tín thi vào ĐH Kiến trúc - Ảnh: T.Tr.
TT - Một bà mẹ giật mình trước cổng trường khi nghe vọng ra tiếng chuông báo bắt đầu giờ thi. Một ông bố leo lên yên xe Honda, đứng dựa vào gốc cây để dõi mắt tìm con. Một bà mẹ ngồi bệt trên bãi cỏ, vừa quạt vừa che nắng cho con gái đang mệt mỏi gối đầu trong lòng.

Mấy ông bố, bà mẹ nâng niu mang cho con từng hộp cơm được Hội Sinh viên phát miễn phí cho những người ở phòng trọ miễn phí... Đó là những hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại được trong đợt thi đại học đầu tiên tại TP.HCM.

Trăm nỗi chờ thi

Trước cổng Trường Marie Curie (TP.HCM) gần trưa ngày thi đầu tiên 4-7, tôi chen lẫn vào một đám đông các bà mẹ đang ngồi bệt trên bồn cây ven đường chờ con. Những người xa lạ với giọng nói mang nhiều âm sắc khác nhau từ các miền nhanh chóng trở thành thân mật. Họ cùng có một câu chuyện, một nỗi lo, một mong mỏi. Một bà sốt ruột xem đồng hồ, buột miệng bảo “lâu quá!”, lập tức các bà khác đồng thanh phản đối: “Lâu sao được. Phải lâu hơn nữa để mấy đứa đủ thời gian làm bài chứ”.

Một vài bà tranh thủ cùng nhau đi bộ ra một quán gần đó ăn chút lót dạ, nhưng vừa đi đã quay trở lại, bồn chồn. Vừa ngồi xuống vệ đường, họ nói: “Nhiều thứ lắm nhưng thôi, chờ con thi xong dẫn con đi ăn luôn, bây giờ có lẽ nó đói lắm rồi”. Và đôi mắt lại hướng vào phòng thi ngóng trông.

Bà mẹ đến từ Bình Dương say sưa kể về cậu con trai tên Nhu của bà. Mỗi ngày cậu đi bộ 5 - 6km để đến trường, nửa đêm cầm đèn ra lô cao su làm thợ cạo mủ. Mẹ ngăn cản, cậu cặn kẽ tính toán: “Cứ để con làm để có tiền học thêm, không thì mẹ lo sao nổi”. “Mà tôi lo không nổi thật. Làm vườn nắng lên, mưa xuống là đã thấy bấp bênh hũ gạo” - bà thở dài.

Một phụ nữ ngồi bên vừa quạt mồ hôi nhễ nhại trên mặt vừa đồng tình: “Nhà tôi cũng thế, phải ráng lo cho tụi nhỏ ăn học, có học mới đỡ cực. Con học được đến đâu thì mình cũng ráng lo đến đấy”. Nhưng trên trán mấy bà, tôi vẫn thấy những nếp nhăn chau lại khi bà mẹ ngồi bên trái kể cho tôi nghe về chỗ trọ có một cái giường với giá 15.000đ/ngày mà mẹ con bà ở từ hôm qua. Bà mẹ ngồi bên phải kể về tô hủ tiếu với giá khủng khiếp 7.000đ mà mẹ con bà mới đánh liều vào quán ăn khi sáng. “Sống ở Sài Gòn sẽ tốn kém lắm. Tụi nhỏ mà thi đậu thì tụi tui càng lo hơn”.

Ở phòng trọ miễn phí trên đường Lý Chính Thắng, chú Thế Anh tâm sự: “Bây giờ được như vậy là đỡ lắm, nhờ mấy đứa lớn đã đi làm có thu nhập. Ngày xưa mỗi tháng gửi tiền cho chúng ăn học là tôi phải chạy khắp xóm vay, gửi ba bốn lần mới đủ vài trăm ngàn, nhà chẳng có gì để bán”. “Bán vậy chứ bán nữa, bán hết đất, hết nhà thì tôi cũng bán, lên đây bán vé số cho con ăn học tôi cũng bằng lòng” - chị Ba Miên ở Đồng Tháp góp chuyện.

Chú Tư Định ở Tiền Giang cũng đồng ý thế. Họ chứng minh trước hết bằng việc khăn gói theo con, co chân bó gối suốt đêm trên sàn nhà và căn gác cộng lại chưa được 60m2 mà đợt thi này phải chứa tới 60 người. Một lát các em về, đầy ắp tiếng cười, lời hỏi han và cả những giọt nước mắt...

Vòng quanh các điểm thi, bao nhiêu thí sinh là bấy nhiêu hoàn cảnh. Tố Quyên nhà ở Biên Hòa, ngồi dưới chân một cột điện trước cổng Trường Chu Văn An sau giờ thi toán, ngân ngấn nước mắt: “Ba mong em thi đậu, còn mẹ thì... Em ráng làm bài lắm nhưng lại cũng muốn nghỉ học, đi làm ngay để giúp mẹ”.

Quyên kể ba mẹ em phải thức dậy từ 12g đêm mỗi ngày để làm bánh mì, cả ngày ba đi bỏ mối, mẹ mang bánh mì bán lẻ để có thêm vài đồng tiền lãi. “Ở đây ăn một bữa cơm bằng mấy chục ổ bánh mì của mẹ, tiền gửi xe cũng mất một ổ” - Quyên nói. Không biết Quyên có thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế không nhưng trong ước mơ của Quyên có lắm nỗi u buồn.

Đậu rớt gì vẫn là con yêu

Loan đến từ Vũng Tàu, thi vào khoa lý Trường ĐH Sư phạm, khóc tức tưởi khi kể cô đã nhầm lẫn dấu cộng (+), dấu trừ (-) trong bài toán. Linh (Đà Lạt) kể làm bài toán không tốt, đã nản lắm, mắt mở không lên nữa vì cả đêm không ngủ, nhưng “vừa cầm tới đề thi môn lý thì em tỉnh hẳn, làm một mạch từ đầu tới cuối”.

Mấy cô bé khác bẽn lẽn trả lời “tàm tạm” trước câu hỏi về bài thi rồi xúm vào mấy tờ bài giải môn toán vừa mua được mà bàn luận... Các ông bố, bà mẹ ngồi xung quanh âu yếm nghe con gái nói chuyện phương trình đồ thị, dao động điều hòa, phản ứng oxy hóa..., rồi quay sang xếp lại cái mền, cái gối cho rộng chỗ. Người mừng vui khi nghe con làm bài được, người nét mặt buồn vì con làm không hết bài.

Các ông bố, bà mẹ thi nhau kể về giấc mơ được đưa con vào ĐH, về những đêm con thức làm bài tập, mẹ không ngủ, cha cũng trằn trọc như thuở “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn” ngày nào. Chị Ba (Đồng Nai) nói: “Không vào ĐH được năm nay thì cháu có thể ôn thi cho sang năm, cũng có thể học trung cấp, cao đẳng. Cánh cửa ĐH còn mở rộng nhiều năm nữa mà”.

Chú Tư (Vũng Tàu) cũng nói: “Tui có ba con, chỉ đứa gái út này được học hết phổ thông. Nó lên được ĐH thì phải đổi mấy vuông tôm tôi cũng ưng, nếu không đậu được thì thôi, cũng tùy nó chọn nghề, chọn nghiệp”. Nói rồi mọi người quay sang an ủi Loan, cô bé nức nở kể rằng mẹ đang phải nằm bệnh viện, nghe con làm bài không được chắc sẽ buồn lắm. Chú Thế Anh bảo: “Chú rất vui khi mấy đứa con vào được ĐH, nhưng không đậu thì cũng không sao. Con vẫn là con yêu của mình, cơ hội thì vẫn còn nhiều”.

Kết thúc buổi thi thứ ba, quay lại thăm các phòng trọ tôi đã thấy các túi xách, vali xếp đặt gọn gàng. Có bà mẹ chuẩn bị cùng con đón xe về quê, ở đó còn ruộng vườn, gà vịt. Có ông bố ngồi cả buổi tìm hiểu tuyến xe buýt để tìm nhà trọ cho con thi đợt thứ hai... Trên đường xuất hiện nhiều cặp cha - con, mẹ - con, hay có khi là cả nhà, tay xách nách mang vừa đi vừa dò bản đồ. Họ cùng nhau thực hiện một ước mơ...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên