![]() |
Bên trong trụ sở Seaprodex này là rất nhiều chuyện bê bối kéo dàisuốt mấy năm qua |
Những con số lạnh lùng
Cuối năm 2004, cơ quan thanh tra mới kết luận được một phần sai phạm tại Seaprodex với lời nhận xét chung nhất: công tác quản lý và sử dụng vốn (bao gồm vốn Nhà nước giao, vốn vay và các nguồn vốn khác) tại một số đơn vị thành viên chưa tốt, bộc lộ sự tùy tiện, yếu kém; dẫn đến tình trạng nợ phải thu, phải trả không được phản ánh một cách đầy đủ, chính xác. Đó là nhận xét, còn thực tế thì sao?
Tổng số vốn Nhà nước giao cho Seaprodex năm 1995 là 374 tỉ đồng (chưa kể vốn của 11 đơn vị gia nhập) nhưng số liệu kết toán đến 31-1-2001 thì phần vốn bị mất lên đến 150 tỉ đồng.
Chưa kể vốn có nguy cơ bị mất 136,8 tỉ đồng, nợ phải trả nhưng không có khả năng thanh toán 232,3 tỉ đồng. Như vậy, tính tổng cộng ba khoản này là hơn 500 tỉ đồng.
Trong đó có rất nhiều khoản tiền “khó hiểu” khi sổ sách ghi tiền phải thu lớn hơn tiền phải trả; rồi có trên 52,5 tỉ đồng thuộc loại nợ khó đòi nhưng không có hồ sơ theo dõi, không biên bản đối chiếu công nợ.
Seaprodex không lý giải nổi việc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản lại huy động 1,7 triệu USD từ các đơn vị thành viên, mục đích gì, tiền đó đi đâu; đồng thời cũng không lý giải nổi những khoản nợ phải trả gần 10 tỉ đồng không có hồ sơ.
Tính đến ngày 31-12-2003, số tiền Seaprodex đã thu từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên là 43,3 tỉ đồng. Theo qui định, tất cả số tiền trên phải nộp về Quĩ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương và đã được Bộ Tài chính cũng như Cục Tài chính doanh nghiệp ra văn bản yêu cầu, nhưng Seaprodex chỉ đưa về 8 tỉ đồng, số còn lại sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số dễ thấy và chốt được trên cơ sở những tài liệu Seaprodex tự nguyện cung cấp cho cơ quan chức năng. Số còn lại, theo cơ quan thanh tra, do hồ sơ không đầy đủ, cũng như nhiều vụ việc vượt quá chức năng thẩm quyền của thanh tra nên không có điều kiện làm rõ động cơ, mục đích của các cá nhân liên quan. Trong đó có không ít vụ được coi là đang ẩn chứa nhiều khuất tất.
Liên doanh = mất vốn
Theo các tài liệu chúng tôi có được, hầu hết liên doanh của các đơn vị thành viên cũng như của Seaprodex đều mất vốn, rồi sau đó nhắm đến đích... giải thể, đáng kể nhất là các liên doanh với đối tác nước ngoài.
Theo báo cáo của Seaprodex, tổng số vốn đầu tư liên doanh, cổ phần do tổng công ty tiếp nhận quản lý là 96,3 tỉ đồng. Nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng chứng minh con số thực tế góp vốn lên đến 134,7 tỉ đồng - chênh lệch trên 38 tỉ đồng (?).
Tuy nhiên, số vốn bị mất từ các liên doanh đã hơn 55 tỉ đồng, số ngừng hoạt động chờ xử lý là 5,6 tỉ đồng, với số còn đang hoạt động khoảng 73 tỉ đồng thì có hơn 50 tỉ hoạt động không hiệu quả.
Đơn cử tại liên doanh Primseaco, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản (với một đối tác Nga) góp 1,2 triệu USD (nhưng phản ánh trên sổ sách chỉ 563.000 USD). Do hoạt động thua lỗ nên phía Nga đã đơn phương cho liên doanh ngừng hoạt động từ năm 1998.
Tài sản của liên doanh hiện chỉ còn giá trị khoảng 72.000 USD nhưng nợ công tác phí chưa thanh toán đã là 14.000 USD. Vốn tham gia liên doanh coi như mất hoàn toàn. Hoặc như tại Liên doanh thủy sản Việt Nga Seaprimfico, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản góp 4 triệu USD, nhưng sau thời gian hoạt động thua lỗ, đến nay số vốn của Seaprodex bị mất tại đây lên đến 2,2 triệu USD.
Trong hồ sơ Seaprodex còn những “bí mật” khi ghi vào sổ rằng đã góp hơn 4,6 tỉ đồng vào hai liên doanh là Favigel và Seagco (đã giải thể), nhưng lại không xuất trình được hồ sơ liên quan quá trình hoạt động của hai liên doanh nói trên.
Điểm danh những người liên quan
Tháng 11-2004, trên cơ sở kết luận Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao bộ trưởng Bộ Thủy sản chủ trì kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm từng sai phạm tại tổng công ty qua các thời kỳ, trước hết là ban lãnh đạo Seaprodex hiện nay. Vậy những ai là người chịu trách nhiệm ?
Ông Võ Văn Trác, với tư cách là thứ trưởng Bộ Thủy sản, đã ký quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu bến cơ khí thủy sản Sông Hàn một cách bất hợp lý cho Công ty Cơ khí thủy sản 2, gây lãng phí toàn bộ vốn đầu tư hơn 11 tỉ đồng vì công trình không sử dụng được.
Với tư cách chủ tịch HĐQT cùng tham gia quản lý và điều hành, ông Trác cùng tổng giám đốc lúc đó là Lê Văn Phát đã không xử lý được khoản nợ khó đòi hơn 4 tỉ đồng; cũng như quản lý không hiệu quả phần vốn liên doanh do Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản bàn giao với trị giá 139 tỉ đồng, mất gần 60 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Lê Văn Phát khi làm giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản cũng như khi nắm giữ cương vị chủ tịch HĐQT Seaprodex thời kỳ 1998-2000 còn để xảy ra nhiều vụ bê bối tài chính khác
Kế đến, ông Nguyễn Đình Phương khi vào vị trí tổng giám đốc từ năm 1998 cùng ông Phạm Mạnh Hoạt, chủ tịch HĐQT, đã điều động, sử dụng vốn ngân sách 35,3 tỉ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa không đúng qui định, để cấp dưới làm sai, gây lãng phí vốn đầu tư.
Trước đó, khi ngồi ghế phó tổng giám đốc, ông Phương đã ký văn bản cho tàu Sea 08 hoạt động trở lại trong khi cấp trên yêu cầu phải ngưng vì thua lỗ. Được hoạt động, tàu Sea 08 tiếp tục lỗ, thêm nhiều vi phạm, cuối cùng mắc cạn tại cảng Cửa Lò phải bán rẻ.
Tổng giá trị thiệt hại hơn 20 tỉ đồng. Ông Phương thời kỳ này còn ký giấy bảo lãnh cho một đơn vị có tên là Vinases vay 6 tỉ đồng tại ngân hàng, nhưng không kiểm tra, đôn đốc để Vinases không trả tiền lại cho ngân hàng.
Vào những ngày còn là giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản TP.HCM, ông Phương đã “làm ngơ” trước khoản nợ khó đòi hơn 39 tỉ đồng cũng như nợ 32,3 tỉ đồng mà Seaprodex phải trả nhưng không có tiền để trả.
Ông Đặng Nguyên Dũng, phó tổng giám đốc Seaprodex, với chữ ký của mình đã duyệt chi không có căn cứ số tiền hơn 430 triệu đồng, chi sai qui định số tiền gần 826 triệu đồng. Ông Dũng còn bị qui trách nhiệm với các khoản: nợ khó đòi 11 tỉ đồng và khoản lỗ 3,2 tỉ đồng, số hàng hóa kém phẩm chất 1,8 tỉ đồng, mất lô tôm xuất khẩu trị giá 638 triệu đồng, bán hàng không thể hiện trên sổ sách 303 triệu đồng.
Ông Lê Hòa Bình, phó tổng giám đốc (người vừa bị khởi tố), cũng là một trong những nhân vật góp phần đưa con tàu Seaprodex đến bờ vực thẳm.
Thật ra, đây mới chỉ là bề nổi, là tên tuổi những cá nhân bị qui trách nhiệm vì ngồi cương vị lãnh đạo. Vấn đề mà dư luận quan tâm hơn là “chuyện gì” đằng sau các con số tỉ, chục tỉ và trăm tỉ đồng kia?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận