23/04/2015 11:12 GMT+7

​Còn nhiều rào cản khi Luật đầu tư có hiệu lực

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 22-4, Diễn đàn kinh tế mùa xuân tiếp tục diễn ra. Các chuyên gia có nhiều ý kiến xung quanh việc còn nhiều rào cản khi Luật đầu tư có hiệu lực.

Ngành thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư nước ngoài. Ảnh tư liệu: Hoàng Thạch Vân

Ngày 22-4, Diễn đàn kinh tế mùa xuân tiếp tục làm việc. Tại đây, các chuyên gia đều khẳng định Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 có nhiều điểm tiến bộ, trong đó quy định mọi người có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, rào cản vẫn còn nằm trong một danh sách dài các luật, nghị định, thông tư khác.

TS Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho biết đến nay đã điểm mặt được 5.585 điều kiện kinh doanh đang tồn tại trong nhiều văn bản quy định khác nhau, trong đó có đến hàng ngàn văn bản ban hành trái thẩm quyền.

“Các điều kiện này đương nhiên hết hiệu lực từ ngày 1-7-2015, chắc chắn môi trường kinh doanh VN sẽ có bước tiến vượt bậc” - ông Cung nói. Theo ông Cung, Luật đầu tư đã xác định rõ danh mục sáu ngành, nghề cấm kinh doanh và 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Luật doanh nghiệp cũng bỏ yêu cầu ghi ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy vậy, “đang có sự chồng lấn của các luật về ngành kinh doanh đối với Luật doanh nghiệp, làm hạn chế và giảm đáng kể quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan.

Ông Cung liệt kê ra ít nhất 20 luật có những quy định hạn chế loại hình pháp lý của doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành nghề, như các ngân hàng thương mại chỉ được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn luật chỉ có thể tồn tại dưới hình thức công ty hợp danh...

Chưa hết, hằng năm Quốc hội chỉ ban hành khoảng 20 luật (gồm cả bổ sung, sửa đổi) nhưng Chính phủ ban hành trung bình hơn 100 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khoảng gần 100 quyết định, các bộ ban hành từ 600 - 700 thông tư, quyết định của bộ trưởng, chưa kể các văn bản của UBND và HĐND cấp tỉnh...

Làm sao dẹp bỏ một rừng điều kiện như... mạng nhện?

Để dẹp bỏ cả rừng điều kiện được ví như hệ thống mạng nhện dây điện hiện nay, TS Cung đề nghị phải coi Luật doanh nghiệp là “luật chung” hay “luật chính” về thành lập, tổ chức quản lý và giải thể các loại hình doanh nghiệp. Các luật về ngành, nghề cụ thể không được quy định về doanh nghiệp nói chung, nhất là về thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể doanh nghiệp.

Đồng thời, cần xác định giới hạn các vấn đề đặc thù và các ngành đặc thù có thể quy định khác so với Luật doanh nghiệp và được ưu tiên áp dụng. “Các ngành đặc thù đó chỉ có thể là các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Như vậy, nhóm các luật khác so với Luật doanh nghiệp chỉ giới hạn và gồm Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán và Luật kinh doanh bảo hiểm. Tất cả các điều khoản trái hay không còn phù hợp với Luật doanh nghiệp trong các luật khác cần được bãi bỏ hoặc sửa đổi” - ông Cung nói.

TS Trần Du Lịch - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho rằng luật có đi vào cuộc sống hay không còn liên quan đến mức độ cải cách nền hành chính công.

“Nếu chúng ta chỉ cải cách thủ tục mà không cải cách bộ máy, cải cách con người thì cải cách thủ tục muôn năm cũng không có tác dụng” - ông Lịch nói. Ông Lịch cũng khẳng định chỉ khi đồng thời có ba điều kiện cơ bản: đó là kinh tế vĩ mô phải luôn giữ ổn định, luật pháp rõ ràng và một nền hành chính công phục vụ thì cỗ xe kinh tế mới chạy tốt.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên