04/06/2013 08:01 GMT+7

Còn nhiều mức học phí "khủng" hơn

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Sinh viên các hệ đào tạo không chính quy của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM còn phải chịu mức học phí cao hơn gấp nhiều lần so với hệ chính quy.

Thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường thu học phí vượt trầnThêm trường được liên thông từ CĐ nghề lên ĐHHọc phí các hệ đào tạo khác cũng tăng “chóng mặt”

slsKrj2a.jpgPhóng to
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xếp hàng chờ đóng học phí tại ngân hàng - Ảnh: Như Hùng

Ngay sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 2-6 đăng bài “Thu học phí vượt trần”, đồng thời báo Tuổi Trẻ Online trích đăng “Thư gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường thu học phí vượt trần” của sinh viên gửi đến, báo Tuổi Trẻ nhận hơn 200 email của bạn đọc gửi về tiếp tục phản ảnh việc lạm thu học phí của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM không chỉ ở hệ chính quy mà các hệ đào tạo khác: vừa làm vừa học, liên thông... với mức học phí mới còn cao hơn gấp nhiều lần.

Học phí không chính quy: cao hơn 1,5 lần

“Năm 2011 tôi vào trường với mức học phí 110.000 đồng/tín chỉ và gần một năm sau tăng lên 147.000 đồng/tín chỉ. Tôi không hiểu vì sao trường lại tăng học phí liên tục đến chóng mặt như thế? So với các trường khác thì chắc giờ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có học phí ngang ngửa các trường tư, nhưng chất lượng máy thực hành thì thật sự quá nản. Nhưng sinh viên các hệ đào tạo không chính quy còn khổ hơn vì tới đây họ phải chịu mức học phí khủng” - T., sinh viên công nghệ thông tin, nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm học 2012-2013 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tăng học phí với lý do “để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc thu học phí theo quy định của Nhà nước, nhà trường cân đối mức thu học phí theo năm học 2012-2013” như sau: hệ ĐH chính quy (khóa 5, 6, 7): 147.000 đồng/tín chỉ; hệ ĐH vừa làm vừa học (khóa 4): 145.000 đồng/tín chỉ, (khóa 5): 200.000 đồng/tín chỉ; hệ liên thông ĐH 1,5 năm (khóa 7): 245.000 đồng/tín chỉ; hệ liên thông ĐH ba năm (khóa 4,5): 245.000 đồng/tín chỉ.

Thế nhưng đến nay cũng với lý do nêu trên, nhà trường tiếp tục tăng học phí “phi mã” và sáng tạo thêm cách thu với học phí môn thực hành, cụ thể: hệ ĐH chính quy bốn năm: môn lý thuyết (khóa 6, 7, 8) 190.000 đồng/tín chỉ, môn thực hành: 285.000 đồng/tín chỉ; hệ ĐH vừa làm vừa học bốn năm: môn lý thuyết (khóa 4, 5): 285.000 đồng/tín chỉ, môn thực hành: 427.500 đồng/tín chỉ; hệ liên thông ĐH một năm rưỡi: môn lý thuyết (khóa 8): 285.000 đồng/tín chỉ, môn thực hành: 427.500 đồng/tín chỉ; hệ liên thông ĐH ba năm: môn lý thuyết (khóa 4,5): 285.000 đồng/tín chỉ, môn thực hành: 427.500 đồng.

Lý giải về các mức thu học phí này, đại diện phòng tài chính kế toán nhà trường cho biết một tín chỉ thực hành được xác định mức chênh lệch từ 1,5-2 tín chỉ học phí (lý thuyết). “Một tín chỉ các hệ đào tạo không chính quy (hệ vừa làm vừa học, liên thông - PV) được xác định mức chênh lệch 1,5 lần so với hệ chính quy. Môn thực hành có mức học phí cao hơn 1,5 lần so với học phí môn lý thuyết. Sở dĩ các hệ đào tạo không chính quy có mức học phí cao hơn do các lớp này phải học buổi tối và chủ nhật. Nhà trường phải chi trả lương cho giáo viên mức từ 150-200% do làm việc ngoài giờ” - một cán bộ phòng tài chính kế toán nhà trường giải thích.

“Trường đã tạo điều kiện cho sinh viên rồi...”

Về việc nhà trường thực hiện thu học phí theo từng học kỳ, không thu theo từng tháng như quy định của Nhà nước, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho rằng: “Do nhà trường đào tạo theo học chế tín chỉ nên không thể thu học phí theo từng tháng. Mỗi sinh viên tùy khả năng tài chính, năng lực học tập của mình có quyền chọn số tín chỉ tương ứng để học và đóng học phí. Việc trường phân thành ba học kỳ/năm học đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên hơn trong việc nộp học phí rồi”.

Lý giải việc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đào tạo đa ngành nhưng chỉ áp dụng đánh đồng một mức thu học phí chung cho tất cả các ngành học theo mức đóng của nhóm 2, ông Nguyễn Thiên Tuế - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Ở trường này các ngành khối kinh tế không chỉ học lý thuyết mà còn được thực hành. Nhà trường đã đầu tư các phòng thực hành mô phỏng trị giá hàng tỉ đồng cho sinh viên khối kinh tế, tài chính ngân hàng thực hành, giảm bớt thời gian thực tập bên ngoài”. Cũng theo ông Tuế, việc năm nay trường quy định hai mức học phí môn lý thuyết và môn thực hành riêng biệt để “thay vì mỗi giờ thực hành sinh viên phải góp tiền mua phôi liệu, từ nay nhà trường thu học phí cao hơn một chút để làm việc này cho sinh viên”.

Đồng thời ông Tuế cũng cho biết: “ĐH Công nghiệp TP.HCM là trường công lập nhưng phải tự chủ tài chính, không được hưởng ngân sách nhà nước như các trường công lập khác. Hiện nay nhà trường chỉ được tự chủ chi, còn thu vẫn bị khống chế theo quy định”.

Không được ép sinh viên đóng học phí cả học kỳ

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện giãn thời gian điều chỉnh học phí năm học 2013-2014. Theo đó, các cơ sở giáo dục phải xây dựng tiến độ điều chỉnh mức học phí một cách hợp lý, phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo và hình thức đào tạo. Học phí được thu định kỳ hằng tháng, không được ép học sinh, sinh viên đóng học phí một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học (trừ trường hợp người học tự nguyện), nhất là vào đầu năm học mới.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc trung ương quản lý cần đăng ký với bộ chủ quản về lộ trình, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh học phí. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá tác động của việc điều chỉnh học phí đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước, đồng thời có ý kiến để quyết định việc điều chỉnh học phí nhằm đảm bảo không để nhiều tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo cùng tăng học phí vào một thời điểm, nhất là đầu năm học mới 2013-2014.

_______________________

Ý kiến bạn đọc

Tăng học phí có hợp lý?

Học phí của trường tăng liên tục nhưng chất lượng cơ sở giậm chân tại chỗ, có nghịch lý chăng? Trường thay hiệu trưởng mới hai năm, cổng được xây lại nhưng phòng học vẫn còn nóng, hầm, ngột ngạt; máy chiếu hư lên hư xuống, thang máy không được sử dụng vì luôn kẹt và kẹt, hóa chất để sinh viên thực hành không đầy đủ, dụng cụ thiết bị cái thì hư, cái đang bảo dưỡng. Mang danh trường công sao mức học phí tương đương dân lập trong khi cơ sở để phục vụ sinh viên thua xa những trường khác. Tăng học phí có hợp lý?

(anhky.phan@...)

* Chất lượng đào tạo có tốt hơn?

Phải chăng bấy lâu nay sinh viên đóng học phí chỉ để trả cho lý thuyết, nhà trường vẫn chịu tiền đầu tư cơ sở vật chất cho việc thực hành? Không biết khi học phí thực hành tăng, sinh viên chúng tôi có được mỗi người ngồi một máy tính để thực hành hay không? Hay vẫn nhồi nhét 40-50 sinh viên trong phòng máy có 30 máy tính (chưa chắc dùng được hết)?!

(Nguyễn Minh Hiếu)

* Cơ sở vật chất yếu kém

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho học tập của sinh viên rất thiếu thốn và mang tính hình thức. Phòng học nhỏ, thấp, những ngày trời nóng thì trong lớp học vô cùng nóng bức, ngột ngạt. Nhất là những lớp có sĩ số lên đến 200 sinh viên.

Ví dụ như dãy nhà T trời nắng thì nóng, trời mưa nước ào ào chảy từ mái vào lớp học, giảng viên, sinh viên sợ điện giật phải chạy nháo nhác ra ngoài. Phòng thí nghiệm thiếu trang thiết bị nên những môn thực hành chỉ làm mang tính chất cho có, chứ phần lớn không có nội dung tương thích với phần lý thuyết.

(tuongnguyen9191@...)

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên