![]() |
Kép tức thầm, ghen trong bụng, vì lúc ấy cô đào duyên dáng sắp lọt vào tay Bạch-công-tử Phước Georges. Ra diễn trên sân khấu, kép đánh giặc thiệt và đánh thật mạnh. Cô đào ban đầu chưa biết, còn hý hởn ghẹo: “Ai đâm thì mình đỡ! Ai để hở mà đâm!” (Câu bên hát bội đã có). Nhưng kép hầm hầm, đập giáo nào ê tay giáo nấy, cô đào thấm mật, nước mắt dầm dề: “Công-tử ôi! xin nương tay cho thiếp nhờ!” Việc năm xửa năm xưa đã trên bốn chục năm, không biết người đương sự còn nhớ chăng??
1928-1929. Núp cánh gà xem đít mọc râu. Tôi đổi đi Sa-Đéc làm thơ-ký phát ngân tại Tòa-bố. Cô Bảy Phùng Há xuống diễn. Cậu Tư Phước Georges, chủ gánh Huỳnh-kỳ có nhã ý mời hai tôi đến xem hát. Đây là vì cảm tình riêng chớ thuở ấy có đủ cách hối lộ, một thông lệ vẫn còn tồn tại nhiều nơi là mỗi gánh đến hát tại tỉnh phải có thứ giấy mời đặc biệt ông thông ngôn đứng bàn ông chánh, thay mặt cho sở kiểm duyệt, đề phòng trong khi hát có nói lời xúc phạm chánh-phủ chăng. Mà hễ mời thầy thông ngôn thì phải mời đủ cặp, có khi ông bà mắc đậu chến thì con vú bác tài đưa nhau đi xem thế, không cho vào cửa có môn dọn đi. Mời rồi bên Tòa-bố lại phải mời thầy ký làm việc Sở Cẩm, đề phòng lính tráng đâm chém làm khó không cho hát. Nhưng đêm ấy tôi không đi giấy mời mà mua vé đàng hoàng, lại vô buồng đứng sau cánh gà để phỉ tình đàm đạo và góp ý kiến với Cậu Tư. Nhờ vậy mà tôi mục kích một lớp hài-hước không có trong chương trình. Cô Bảy hôm ấy diễn tuồng võ, diễn được hai ba màn, thấm mệt, nên khi vô buồng, cô tạm ngồi trên chiếc ghế mây mà sơ ý nhè ngồi đại nên không coi trước. Một anh kép võ hết phiên trước cô vào buồng nằm xả hơi trên chiếc rương lớn, lúc ấy còn xài râu dán bằng keo, nên anh cẩn thận trước khi nằm đã gỡ râu ra cho khỏi vướng. Đến lượt anh xuất hiện, anh ngồi dậy kiếm hoài không thấy bộ râu mình mới để đâu đây, anh chạy giáp buồng hát, miệng lầm bầm “đ.m. thằng nào lấy râu tao!!” Kiếm mãi không có râu và túng quá vì đã đến phiên mình ra tuồng, anh bèn bước đại ra sân khấu, vừa ca hát vừa lấy tay áo rộng che miệng và cằm. Thoạt tới phiên cô Bảy xuất hiện, bộ râu nhủn nhẳn sau mông cô mà cô không hay, cô vừa xây lưng, anh kép vụt thấy bộ râu mình làm mất, mừng quýnh quýu nhảy một nhảy chụp vào phía hậu cô Bảy mà ráp lẹ vào cằm mình, việc xảy ra mau như chớp nhưng cũng đủ cho một mớ khán giả mấy hàng đầu lanh mắt thấy đủ hết từ đầu chí cuối, không nhịn cười được nên đồng rộ cười lên gần bể rạp. Khỏi nói đào kép trên sân khấu rán diễn như thường cho lấp chuyện, nhưng trong màn thấy cớ sự “bại hoại ốc trâu cả đám” nên lật đật cho bỏ màn xuống. Pha nầy đã có người nghe lóm và viết nhại tôi, hoặc giả y cũng đồng thấy như tôi, tôi không cần biết, duy chuyện có sao nói vậy, còn tin cùng không là phần của độc giả. Lúc nầy là lúc quần áo kiểu Cát-Tường (Le Mur) thịnh hành và cũng lúc nầy Cô Bảy đương trong thời kỳ đào tiên hơ hớ, cô diễn tuồng xã-hội, mỗi lần cất giọng ca Quảng, chót đuôi câu y-ỷ-y nghe gần bể rạp! Ngày nay lớp sau ca tấn phát nhiều. Nghe kỹ lại hơi xưa và so sánh với làn hơi kim thời, thấy nhiều chỗ khác. Về giọng ngâm thơ theo điệu Bắc, nay nhờ Radio đã quen tai, chớ chầu xưa duy có Tư Út rỉ rả câu “con cá vàng và anh Tây đen” là còn nghe giông giống. Năm nào tại nhà tôi ở Sốc-Trăng Tư Út đến chơi, lấy dĩa “Huyền-Châu-Nữ” quây nghe lại, rồi Út ca lại bản đó, nhưng đã bớt hơi không bằng khi vào dĩa, Út ngó tôi châu mày và chôn luôn cơn buồn vào ly Bisquit-Soda vàng lườm.
1932-1933. Những năm nầy nạn kinh-tế khủng hoảng hoành hành nặng nhứt trên mảnh đất miền Nam cũng như khắp hoàn cầu. Chẳng lành thì chớ người cậu ruột thứ năm của tệ nội đâm mê một kép hát đực. Không nghe lời khuyên gián, đương làm ông viên-ngoại ăn lương “hàm chánh thất” bên xóm Thiềng-Đức ngang chợ Vĩnh-Long, Cậu Năm bỏ nhà bỏ vợ con để khăn gói theo anh kép. Cậu Năm tôi tuy đàn ông và rất đẹp trai, nhưng ăn trầu xỉa thuốc, khiến tôi nhớ đến ông Cẩn ở Huế gặp sau nầy. Cậu Năm gói bánh trái tôi dám chắc đàn bà không khéo bằng và nghề nấu nướng hơn cả các tay đầu bếp thiện nghệ. Ở không, làm ông nhà giàu ăn lương vợ, Cậu đâm chán rồi lấy tiền nhà lập gánh cải-lương, để có dịp theo anh kép nghe ca, mà lúc ấy phải nhìn nhận anh kép nầy có một giọng khác hẳn giọng Út-Chơi-Châu-Thạch. Anh kép đi thâu dĩa, Cậu cũng đi theo. Anh kép đến đâu, Cậu theo đến đó. Gánh hát lỗ lã, Cậu về vét tiền nhà. Người vợ hiền không cho, Cậu lại nhờ đến tôi. Mãi sau hay tin cậu thất vọng, uống độc dược và xác chôn trên Nam-Vang. Anh kép sau làm bầu, nay đã chết. “... Văng vẳng tiếng chuông chùa...”
Gánh Hồng-Nhựt. Một bộ ba chuyên đóng tuồng Tàu lớp Quan Công hiển thánh. Mười Bửu làm vai Ông, Sáu Lực vai Quan Bình, Năm Diệp vai Châu Thương: ban đầu công chúng thấy lạ, đổ xô đến xem, nhưng sau hơi ngán trách thầm gánh hát gì trịch thượng dám lấy Thần-Thánh làm trò, nên thưa lần. Mười Bửu có tài lấy đất sét nắn tượng rất khéo, sau chết bịnh trên xứ Đà-Lạt. Sáu Lực nay cũng ra người thiên cổ, và bộ ba nầy y như là gánh Hồng-Nhựt nếu tôi không lầm. Mười Bửu có giọng ca “đổ hột” vừa déo dắt, vừa du dương: anh chịu khó chơi với kép hát Quảng trong Chợ-Lớn và học tập từ làn hơi đến điệu bộ, hệt Tàu. Mặt anh no tròn nên dặm mặt Quan Công trông y như trong tranh thờ. Trong nhiều vai võ, Mười Bửu ca sang sảng thanh âm cao vót lanh lảnh như tiếng chuông ngân thật là xuất sắc. Anh cũng là một tay đờn có tiếng và thích ca trên cây tỳ-bà những bản xưa Nam xuân, Nam ai, Giang-Nam, Trường tương-tư. Chính anh thuộc những bản rất cổ “Tô-Huệ chức cẩm hồi văn” v.v... ít người dám ca dám đờn. Mười Bửu là một trong những kép thọ giáo được điệu Tàu tập luyện có căn bản và có phương pháp luật lệ nhất định của điệu nầy. Tuồng Tam Quốc, lớp Quan Công đại chiến Bàng Đức, bộ ba Bửu, Lực, Diệp diễn rồi không có gánh nào diễn ăn qua được. Trong gánh Hồng-Nhựt có Cô Sáu Nết nổi danh một lúc, sau cô có chồng nên thôi hát, ra làm bà chủ quán dưới gốc cây điệp to đường Hai Bà Trưng, Tân-Định.
Gánh Huỳnh-Kỳ của Cô Bảy Phùng-Há và Cậu Tư Phước Georges. Tôi có nhiều cảm tình riêng đối với Cậu Tư. Nay Cậu đã ra người thiên cổ, tập “hồi-ký” nầy vả chăng là một “nồi xào bần thập cẩm”, nên xin cho phép tôi nhắc lại vài đoạn để nhớ “Cậu Tư” cố hữu:
Bạc-Liêu là xứ ăn chơi, giàu lúa gạo giàu muối giàu tiền. Điệu Vọng-cổ cũng từ tỉnh Bạc phát ra... Nhưng Bạc-Liêu còn lắm thú vui khác: thú ăn cháo Tiều với hột vịt muối và cua muối giác khuya, thú xuống biển ăn sò huyết hoặc ăn nhãn chín tại vườn, khi ăn dưa hấu tại gốc trồng ngoài bãi biển... và có dịp để phóng xe chạy cho mát, sau đó sẽ lên mở phòng tại phố Sốc-Trăng. Tại chợ nầy, một năm nọ có cuộc đụng độ của hai công-tử: một chàng đen đúa, thứ ba, sanh trưởng trong ruộng muối tỉnh Bạc, nên được người trong xứ gán cho mỹ-hiệu “Hắc công-tử” khi nào trước mặt sẽ nịnh bằng danh từ “Cậu Ba H.”; một chàng trắng trẻo, thứ tư, sanh trưởng tại xứ sông sâu nước chảy, trái cây ê hề, đất Tiền-Giang (Mỹ-Tho), ăn chơi hào phóng, nên được các tay em tặng hai chữ “Cậu Tư” ngọt xớt, và để đối diện với chàng Hắc, đây là Bạch công-tử có số đào hoa. Người cố cựu tỉnh Sốc còn nhớ vài giai thoại lý thú về hai cậu: tôi cứ viết ra đây nhưng không đảm bảo đúng y sự thật, vì việc lâu ngày đã méo mó không ăn khuôn. Mà thiết tưởng không nên quá câu nệ và cũng chẳng cần biết đích xác làm gì, duy nhớ một đêm nọ, Cậu Ba ngồi xem hát hàng ghế danh dự, Cậu Tư vì nể khách và để tỏ tình thân thiện cũng xuống ngồi gần đàm đạo. Buổi hát đã về khuya gần vãn. Cậu Ba lấy ví thuốc ra hút, lay hoay thế nào mà một tờ giấy con công (năm đồng bạc thuở ấy) từ trong túi bỗng rơi xuống đất, mà quẹt diêm gì cũng không sẵn trong tay, báo hại chàng Hắc-công-tử bất kể giữa đám hát đang hồi cụp lạc trên sân khấu, chàng ngồi chồm hổm xuống đất sờ soạng dưới nền xi-măng dơ dáy như lão thợ may đánh mất cây kim, bộ tịch lụm cụm y như lão thầy bói mù mò tiền hoẻn, trông thật buồn cười. Bạch-công-tử thấy bộ tịch, mắc cỡ giùm nên hỏi:
- Toa làm gì kỳ cục vậy?
- Moa kiếm tờ giấy con công, đ.m., mới rớt xuống đây mà mất tiêu như có ma giấu!
- Nè! để moa cho mượn cây đuốc! Nói rồi Bạch-công-tử vừa đốt một tờ giấy “oảnh” (vingt, hai chục bạc) soi sáng cho Hắc-công-tử thu hồi tờ giấy con công, ngụ ý giấy hai chục khi phải việc tôi còn bất kể sá gì, hà huống anh vừa đánh rơi một tờ cỏn con năm đồng mà anh đã lính quýnh như “họ đạo mất qu...ần?”
Cũng tại chợ Sốc-Trăng, cách đó không lâu, chàng Bạch-công-tử ngộ nạn một cách gián tiếp. Năm nọ, quên mất năm nào, Cậu đưa gánh hát từ chợ Mỹ-Tho xuống diễn một vòng Hậu-Giang và gánh hát đang phô tài tại chợ Sốc-Trăng vừa được một hôm. Vốn người phong lưu hào hiệp nên đi đến đâu Tư Phước có dắt bộ hạ em út tay chơn theo đông lắm. Trong đám có một anh chàng lai, có Pháp-tịch (sau năm đảo chánh 1945, từng làm Cảnh-sát-trưởng tại Gò-Công), lúc ấy anh nầy chưa gặp thời nên theo núp gió làm hộ-vệ cho Cậu Tư, vừa vui vừa học thêm được nhiều việc. Sau mông anh có đeo cộm cộm cây chó lửa, Browning 6m/m 35. Sáng sớm bữa đó, Cậu Tư tự lái xe nhà, Fiat Sport, đưa các em út đi ăn sáng. Quán Hải-Nàm nầy làm xíu mại có danh và bán café đường Đại-Ngãi, nay là Hai-Bà-Trưng, quán ở bên kia đường trước dãy phố nhà Ba tôi ở. Chiếc xe đậu không được sát lề, nên có một cai Phú-lích, bấy lâu cà-xốc nội chợ đều ghét, nay tên cai lại sân si đòi biên phạt. Cậu Tư, quân tử, nhận lỗi một cách rất lịch sự. Nhưng Cai nhà ta nhứt quyết định làm biên-bản một đòi phạt hai đòi phạt cho được mới bằng lòng. Thầy Cai ta làm quá trớn, anh chàng lai hộ-vệ nóng ruột binh chủ, bèn đứng ra can thiệp. Cho hay: một năm chỉ có một phút rủi... Chuyện là chuyện của Cậu Tư, bỗng chuyền qua cho chàng lai chịu đựng. Anh Cai sùng nãy giờ, bỗng sần sộ và thách đố:
- Mầy ỷ mầy Tây, mầy có súng. Mầy giỏi bắn tao chơi?
- Tôi không chọc anh. Cô bác coi đó mà coi! Mà anh thách tôi, tôi bắn anh à!
- Mầy giỏi bắn c.t tao đây nè!!
Một tiếng súng nổ. Chàng lai dằn không được, quả bắn ngay chỗ đó. Cai ta nằm cho một đống. Câu chuyện đi ăn điểm tâm bất thành. Chàng lai đi ngay lại bót tự nạp mình và trình với Cò. Vi bằng lập không khó, nhân-chứng trong quán nước cũng như bàng quan lối xóm đều nhìn nhận có sự khiêu-khích và thách đố của anh Cai cà xốc, v.v... Chàng lai bị tù đã đành, nhưng mãn tù ra, tôi vẫn bắt tay và chào hỏi nhau, trọng nhau, và cử chỉ của chàng ở chợ Sốc-Trăng còn nhiều người nhắc nhở. Nếu các bạn có dịp ghé chợ Sốc-Trăng hiện giờ trên con đường Hai-Bà-Trưng, nếu gặp phố lầu nào hai căn biến thành một rạp chớp bóng nho nhỏ, nhà ấy là nơi nhau rún của kẻ viết mấy hàng nầy, - nhà hương hỏa của phụ-thân chúng tôi để lại, và chỗ tên Cai trả nợ làm phách không nên lối, ở về bên kia lề phố nhưng tiệm nước năm nọ nay đã trở nên một cửa hàng tạp hóa, nhìn không ra.
1938. Tôi còn giữ một chương trình hãng dĩa Béka năm 1938, ngoài bìa có in hình Cô Bảy Nam đang trong thời kỳ xuân sắc và hình Năm Châu còn nheo nhẻo tơ măng không mập nặng như bây giờ. (Tài-liệu số 212 phần phụ-lục tập Hồi-ký II). Năm 1938 là năm rộ của các đào và kép đang sung sức, thêm nhờ có cách thâu âm thanh vào dĩa nhựa nên một đôi nhà còn giữ được những giọng hát ca cũ: tuồng Túy-Hoa Vương-nữ, sau nầy đổi lại là “Dân chúng trước pháp-trường”
- Phụ-phàng, có dĩa Năm Phỉ, Bảy Nam, Ba Vân, Năm Châu ca Tây-thi và bản Tàu; và một dĩa Năm Châu và Bảy Nhiêu ca Nam-xuân và Văn-thiên-tường;
- Sĩ-Vân công-chúa cô Năm Phỉ và Bảy Nhiêu ca Vọng-cổ; một dĩa nữa cô Bảy Nam, cô Năm Phỉ, Bảy Nhiêu ca khốc-hoàng-thiên và xuân-nữ.
- Tơ vương đến thác, Cô Năm Phỉ và Bảy Nhiêu ca Tây-thi và Vọng-cổ. Nghe dĩa nầy, nhớ lại tất cả điệu bộ quý phái trang nhã và tình tứ của Anh Bảy và Cô Năm, xứng đáng là tiên phuông hữu tài của nghệ-thuật cải-lương.
Cũng trong gánh Đại-Phước-Cương nầy khi ra Bắc, tại rạp Thăng-Long, hàng Bạc, Mười Bửu trổ tài diễn tuồng Quan Công đại chiến Bàng Đức, cô Kim-Cúc, con Bảy Nhiêu đóng vai Quan Bình, và cô Bảy Nam hóa trang làm Bàng Đức. Giọng ca của Mười Bửu và cô Bảy Nam giống hệt giọng Tàu, thêm được một người nghệ-sĩ thổi đưa hơi thứ kèn dăm Tàu, gọi “hồ củn hay nàm củn”, nên buổi diễn vô cùng khoái trá.
Cũng năm 1938, gánh hát Phụng-Hảo cho thâu dĩa “trồng vàng” 21 dĩa: Uyên-ương bạt gió, Hiếu tình khó xử, Ái tình giai cấp, Gái trọn nghĩa tình, Nỗi đau người mẹ, Đổi oán ra ân.
Cô Bảy Phùng-Há, Cô Ba Huôi, Cô Tư Sạng, kép Tư Thạch, Tám Mẹo, Bảy Nhỏ, toàn là gạo cội của giới cải-lương thời ấy.
Ngoài ra, hãng Béka cũng thâu dĩa một nhóm danh ca tài-tử không đứng trên sân khấu cải lương nhưng ăn đứt trong điệu ca “thính phòng”:
- 4 dĩa “Gió bạt lạnh lùng” với cô Hai Đá ca Vọng-cổ; cô Ngọc-Nữ ca xuân-tình và ca bình-bán-chấn;
- 1 dĩa tuồng “Thương ai?” với cô Ngọc-Nữ ca tương-tư, có cò kìm phụ họa;
- 1 dĩa tuồng “Đêm khuya” với cô Ngọc-Nữ ca xàng-xê (kìm-violon);
Trong khi ấy, gánh Trần-Đắt (Trần-Đắt-Nghĩa) thâu hết đào kép gánh Huỳnh-Kỳ rã đem về cho mình, y như độ trước Thầy Năm Tú vớt xác gánh Thầy Thận. Gánh Trần-Đắt cho thâu dĩa “tròng tím”:
• Tuồng “Lửa đỏ lòng son”, trọn bộ 4 dĩa:
Cô Tư Sạng ca Vọng-cổ,
Cô Phùng-Há và Năm Châu ca Hành-vân đối đáp;
Cô Phùng-Há và kép Tư Út ca Xuân tình;
Cô Phùng-Há, cô Tư Sạng, và Năm Châu lý Huế, giao duyên ca lưu thủy.
• Tuồng “Khúc oan vô lượng” cô Phùng-Há và cô Tư Sạng ca Vọng-cổ.
• Tuồng “Mãnh lực ái tình”: 2 dĩa
Cô Phùng-Há – Nam-ai, lý-Huế, ca thập tình.
Cô Phùng-Há cùng với Tư Út ca Vọng cổ.
• Tuồng “Tiếng nói trái tim”, cô Tư Sạng và Tư Út ca Xuân-tình.
• Tuồng “Huyền-châu-nữ”, Năm Châu và Tư Út ca Vọng cổ.
• Tuồng “Hồn chinh phụ” (4 dĩa): Phùng-Há Năm-Châu;
• Tuồng “Bằng-hữu binh nhung” 2 dĩa: Phùng-Há, Tư Sạng, Năm Châu;
• Tuồng “Tề-Quân cợt Khương-Thị” 2 dĩa:
Cô Phùng-Há và Tư Út ca Tây-thi Quảng và cổ-bản Quảng;
Cô Phùng-Há và cô Tư Sạng ca bản Tiều và Liễu-thuận-nương.
Lúc nầy cô Bảy và Năm Châu sính tài ca bài “J’ai deux amours”, giọng Tây lời Việt. Lại cũng có người chỉ muốn nghe đờn hòa điệu Sài-Gòn, nên hãng Béka không bỏ qua dịp tốt, đã thâu làm 5 dĩa: (tròng tím).
- Tứ-đại-oán với tranh, cò, kìm, tiêu, chuông;
- Văn-thiên-tường, Khốc hoàng-thiên: Tranh, cò, kìm, tiêu, chuông.
- Nam xuân, Xuân-nữ: Tranh, cò, kìm, tiêu, chuông.
- Tẩu-mã, liễu-thuận-nương, kỳ ba, nhạn lạc vi.
- Chúc ngày Tết: song hỷ, kim-tiền, lạc địa.
• Về loại “tròng vàng”, dĩa hòa đờn ra 7 dĩa:
- Tranh-kìm-violon Vọng cổ lớp trước và lớp sau (2 dĩa)
- Violon Tây-thi, Xuân-nữ
- Kìm Hội ngươn tiêu
- Tranh Lý chuồn chuồn, Tứ-đại.
- Cò Bài hạ
- Tranh Phú lục.
Cùng một lúc, dĩa Béka thâu Hát-bội, gánh Huỳnh-Trí-Phú thâu dĩa ngâm sa-mạc với nhạc-sĩ J. Tịnh đờn violon và ngâm, cô Chu-thị-Bốn, Chu-thị-Năm, Đàm-mộng-Hoàn khi ngâm Kiều, khi sa-mạc, khi bồng mạc, hoặc nói hoặc mưỡu hoặc ngâm thi Đường. Người Miền Trung được cung cấp dĩa Huế, khi cô Nhơn, khi khác cô Sâm, có tỳ tranh nguyệt nhị bầu đưa hơi: “Bóng trăng tròn vạnh”, “Sầu chong trắng dĩa”, “Dạo thuyền dưới trăng”, “Sông tương đôi ngã”, “Cách trở sông Tương”, “Tiếng chuông Linh Mụ”, “Nhơn bất tri”, “Xôn xao anh yến”, v.v... Hòa đờn điệu Huế, thì có dĩa Cậu Tôn, cậu Út đờn nguyệt hơi Tứ-đại hoặc Nam ai; cậu Song, và Út đờn nguyệt, nhị bản Nam Bằng v.v...
Có ba dĩa “bóng chầu mời”: cô bóng Mùi rỗi bài chầu mời Bà (2 dĩa) và “dưng bông, tiền lộc” (1 dĩa). (Những dĩa nầy mà bán chạy, và sang luôn bên Pháp cho các bà ly hương.)
• Kinh Phật có 5 dĩa:
Giáo thọ kỷ tụng: Kim cang khai xá, Phổ-môn Quan Âm, Sám, Đề, phan kinh Đại Bi, Chú nại mo, 12 câu nguyện Bà, 10 câu nguyện thập sư.
• Nói thơ điệu kim thời có ba dĩa:
- Cô Thanh-Trà nói giọng Ai: Nguyệt-Nga cống Hồ,
- Cô Thanh-Trà nói giọng xuân: Phục Huê-Dung,
- Cô Thanh-Trà nói giọng xuân: Ông tha Tào.
• Lớp giễu đặc biệt có ba dĩa:
- Mướn vú nếm sữa,
- Thằng Trùm mắc mưu, thằng Trưởng hưởng gia tài;
- Hỏi đố, nói láo, đào điên, thầy Pháp sai đồng.
• Bốn dĩa hát bội:
- Phụng-Nghi-Đình, cô Ba Cang hát dưng rượu, Nam ai,
- Đương-Dương Trường Bản: Cô Ba Cang, Hai Chơi: Tẩu-mã, thán.
- Lưu Kim-Đính hạ san: Cô Ba Cang hát khách, Nam,
- Đại chiến Vương-Ngạn-Năng: Cô Ba Cang, Hai Chơi: kỳ bài hoa, tẩu mã.
Trước đó và xưa hơn cả là dĩa hát của Thầy Năm Tú hát cho dĩa Pathé, nhưng tôi thiếu tài liệu, dám mong sự bổ túc của hải nội cao minh.
Theo bảng liệt kê trên, nay đọc thấy buồn ngủ nhưng ngờ đâu đó là những tài liệu quí hóa của sự tiến triển của ngành ca hát và giọng phát âm Việt-Nam. Với đà khốc liệt của chiến tranh, làm gì còn lại cho những nhà khảo cổ, khảo về ca hát, làm luận án cao học về tiếng nói v.v..., nghĩ tới thêm buồn.
Năm 1940. Đêm thứ bảy 6 tháng 1 năm 1940, tại nhà hát lớn đường Catinat (Tự Do) hội Đức-Trí-Thể-Dục tổ chức hát giúp hội Bảo-trợ chiến-sĩ, diễn tuồng “Tơ vương đến thác” của ông Ngô-Vĩnh-Khang phóng tác theo tuồng Pháp “la Dame aux camélias” của kịch-gia trứ danh Alexandre-Dumas fils. Tuồng nầy đã được diễn tại Nhà Hát Lớn nầy một lần rồi ngày 11-6-1932 do Ủy-ban Mỹ-thuật Việt-Nam tổ chức (Bùi-Quang-Chiêu, Lưu-Văn-Lang, Trần-Văn-Khá). Tuồng “Tơ vương” sau đó được khai thác bành trướng mãi và mỗi lần hát rất được công chúng hoan nghinh, thậm chí có một cô đào nhờ đóng vai nầy (là vai ăn đứt của cô Năm Phỉ đóng cặp với Bảy Nhiêu trong Đại-Phước-Cương-Ban), nhờ đóng vai ấy mà cô nầy được giới ăn chơi lấy tên trong vai tuồng đặt tên cho cô luôn từ đó, ấy là Cô Ba Tơ Vương, nổi danh tài sắc một thời, nhưng không khác con bướm hoa hòe, nghe đâu sau đó cô rất khổ sở vì thiếu sự lo xa và cũng vì chút ỷ tài ỷ tận. Tuồng “Tơ Vương” năm 1940 khi đem ra diễn, đổi làm tuồng “Đoạn tơ lòng” cho nghe mới. Trước đó, vào năm 1931, ông Diệp-Văn-Kỳ đã trở lại tuồng trữ tình nầy và đã đổi làm tuồng “Bể ái đầy vơi” nhưng chỉ diễn được một lần đêm 7-2-1931 rồi dẹp luôn. Rất tiếc tôi không có bổn ấy, duy còn ba bài ca nhỏ tài liệu làm kỷ niệm Diệp-quân. Ba bài ấy là:
1) một lớp Tứ-đại-oán “Đời khéo vô duyên”
Nghĩ cho đời khéo vô duyên
Chữ kim tiền đứng đầu nhơn ngãi,
Khách má hồng bình rơi trâm gãy,
Cũng bởi hơi đồng, nó khiến người lâm lụy
Còn như tôi phận đào tơ liễu yếu,
Cảnh hàn vi, đeo đuổi gia đình,
Nhưng mà, nếu gá duyên cùng chỗ giàu sang
E đến khi dông tố phũ phàng,
Nó cang thêm càng sanh việc dở dang.
Bây giờ khó nỗi thở than,
Lỡ làng duyên, bèo tan mây hiệp,
Tình kia thêm rối tơ lòng.
Nghĩ cùng chẳng thà không,
Đừng buộc dải đồng, sau khỏi ăn năn.
2) điệu xang-xừ-líu, kỳ nhứt, “Trong đời mấy mặt chơi?”
Trong đời mấy mặt chơi,
Đủ âu yếm lã lơi, cuộc say trận cười.
Nào giai nhơn, chói môi đào má hạnh,
Phấn điểm, hồng trang, giống tiên điệu Hàn
Người chung tình, kẻ thanh thú,
Mùi hương trời, dễ yêu dấu,
Khi câu ca, tiếng hát,
Khi chén rượu đầy vơi, thế mới phong lưu.
3) điệu xang-xừ-líu, kỳ nhì, “Con người phải mua vui”.
Con người phải mua vui,
Để tiêu khiển chút chơi, giải khuây sự đời.
Làng tao nhơn, với cung đàn chén rượu,
Cái cảnh phù sanh, có chi lụy mình?
Nào công hầu, những khanh tướng,
Gò đất vàng, nhắm xương trắng,
Trăm năm trong thấm thoát,
Như giấc mộng Huỳnh-Lương, nghĩ chẳng ra chi!
(ba bài nầy chép trong “Đông Pháp thời báo” và sao lục vào Hồi-ký II dưới số 200-201 và 202). Có phần điêu luyện và cách đặt để lựa chữ vẫn khác với các bài ca đồng thời. Diệp-Văn-Kỳ là con ông Diệp-Văn-Cương, mẹ là cô vua Thành-Thái).
Tôi đã xem kỹ những bài phê bình về vở hát nầy, vừa bài của giáo-sư Lê-Bá-Cang đăng trong tạp chí Đồng-Nai số 9 ngày 15-6-1932, vừa bài viết kỹ câu văn chọn lọc của người anh cả, ông Đoàn-Quan-Tấn, đăng trong báo Nay số 5 và 6 ngày 23-2-1940 và 1-3-1940.
Năm 1942. Ngày 25 tháng Chạp năm 1942, binh Nhật đã ngự trấn thành Sài-Gòn, hẻm đường nào cũng gặp bộ đồ kaki xốc xếch nhưng gương mặt hầm hầm, cây gươm đeo lủng lẳng đâm thiệt và chém thiệt. Để đánh lạc tư tưởng người dân bản xứ, Chánh-phủ bảo hộ bày ra “Hội Trao-đổi Sanh-viên”. Nhơn cơ hội ấy các sinh-viên Đại-học Hà-Nội trở xuống Sài-Gòn và nhóm Trần-Văn-Khê – Lưu-Hữu-Phước gởi thiệp mời (số 213 Phụ-lục Hồi-ký II), tôi đến dự thính tại Nhà Hát Lớn đường Catinat để nghe: a) một bài diễn-văn về “Thanh-niên hoạt-động” do Huỳnh-Văn-Tiễng, đại biểu hội Trao-đổi Sanh-viên (AGEI), đọc; b) tiếp theo đó, có hòa tấu một bản nhạc “Trận Bạch-Đằng” do Nguyễn-Ngọc-Minh, tổng-thơ-ký AGEI điều khiển có đủ mặt Trần-Văn-Khê, Lưu-Hữu-Phước phụ giúp. Thật là một buổi khiêu gợi hồn ái-quốc của toàn dân Nam-Việt, sự phấn khởi, lòng háo hức khó tả nên lời. Trong khi hòa tấu, tôi ngồi nghe bao nhiêu đồng bào kính cẩn lặng thinh, như có bao nhiêu hồn linh các tử-sĩ các trận Chí-Hòa, Cần-Giuộc hay đâu đâu, bay rào rào trên không với tiếng trống rè rè, tiếng kèn nỉ non nhập vào hơi thở nóng hực của thính giả cảm động đến tột độ.
Năm 1943-1946. Những năm nầy tôi lui về quê cũ Sốc-Trăng, con thuyền bể hoạn đã chán, ê chề nặng khoan, thêm đạo thần hôn thúc giục về sống mấy năm với Ba tôi lúc ấy đã trên bảy mươi tuổi. Về quê rồi lại thấy vui vui, quên được mấy năm bươn chải lặn hụp giữa đất Đô-thành chật vật. Tôi mướn lại của tỉnh trên đường đi Bạc-Liêu ngang trại lính tập một vuông nhà ngói ba căn có đủ điện nước nhà bồi mà chỉ tốn năm đồng mỗi tháng. Nhà rộng minh mông, thức ăn rẻ rề, nên mỗi lần gánh Phụng Hảo xuống, anh em trong bạn hát đều tựu lại nhà tôi bày ăn bánh hỏi tôm càng nướng. Nhờ đó mà tôi quen với Cô Năm Sa-Đéc. Một kỷ niệm nhỏ là Tư Út thích ăn cá bống kèo kho tiêu, nhưng chơi cha quá vì Út chỉ ăn khúc đầu, khúc đuôi vẽ lại cho người khác ăn, và nài cho được cá làm còn để gan trong bụng chớ không được móc ra. Cô Sáu Ngỗng, tên tuy xấu, nhưng chung tình với Út và thủ tiết với Út đến nay. Sáu Ngỗng khen cảnh nhà có vẻ “trang-viên u-tịch”. Trưa trưa Út thích ngồi ghế xích đu nhậu rượu thuốc ngâm nhơn sâm. Có khi ra chuồng gà, lượm trứng mới, nút tươi ngon lành. Sáng chúa nhựt, Út ngâm nho nhỏ bài “Anh Khóa” đủ một mình tôi nghe, hoặc tâm tình những buổi lang bạt kỳ hồ, hoặc nhắc thời oanh liệt đêm hát trác táng, em út, me Tây, ngày ngày thục bi-da, xoa bài Mạc-chược, hoặc lên trường đua cho ngựa đá! Út lên hát trên Nam-Vang, đau ban trái rồi chết vì không đủ thuốc men, chôn sơ sài để sau bà Ngỗng lên lấy cốt hối hả đem về, Chánh-phủ Cờ-me lại làm khó, xương khô đốt nát phải gói chung với thập vật lụn vụn, nói cho dễ đánh lừa ba anh lính Thổ giữ ranh giới, kỳ thật đã đút sáp hối lộ họ bằng giấy bạc thứ thiệt. Tội nghiệp cho Tư Út, Phạm-Văn-Đẩu, một đời tài ba, con gái đàn bà mê mệt, nhưng chết không bằng anh bán hàng chợ đen buổi nầy. Khi hay tin Út chết, anh Tư Chơi, một kép-ông-bầu, chủ gánh bị hiền-thê bỏ rơi, khóc chơn thành bốn câu thống thiết ứng khẩu:
Tư Út em ôi! Vội chết đâu?
Để cho kẻ thảm với người sầu!
Những thằng đáng chết sao không chết?
Lại chết chi thằng đáng sống lâu!
Kẻ là ám chỉ vợ đầu tang tóc chế, người đây là Tư Chơi đang gật gù khóc bạn trong cơn tửu nhập.
Cô Tư Thanh-Tùng, Cô Kim-Thoa, cô Sáu Ngọc-Sương, cô Tường-Vi, mấy cô đều có ăn cơm bình dân gánh Phụng-Hảo. Cô Thanh-Tùng đẹp như bức tranh, nhưng cô Sáu Ngọc-Sương vừa đẹp vừa biết đờn, thêm duyên dáng như hoa biết nói.
Năm 1947, Tư Hélène say nhứ nhừ, ngồi ăn đầu cá tra với chúng tôi để giết ngày giờ trên xóm nhỏ nhà lá Cù-lao Phú-Nhuận, tôi đang buồn vì bỏ nhà ở Sốc-Trăng, nay lê thân vô-tích-sự ngồi chung một bàn cây trắng xập xệ với các ngôi sao sáng lừng một thuở nầy, nhớ lại cảnh gia đình tan rã, Ông ứng khiến tôi ca nho nhỏ nhại giọng văn dĩa “Mẹ dạy con” của cô Tư Sạng: “nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một, bồng bồng bột bột, một một hai hai, em cũng muốn “ứ ư” nó dài!!” Cô Sáu ngồi xa nghe không rõ, bắt tôi ca lại, khi cô hiểu về sau, cô véo vế tôi thật mạnh, miệng chửi đổng: “mắc dịch anh vậy hả!” Ấy đó, khi chúng tôi không biết làm gì cho nên thân, đã chờ dứt chiến tranh bằng cách ấy, và than ôi, chúng tôi chờ đến nay đã ngót trên hai mươi năm mà nào thấy dứt!
Năm 1947. Năm 1945-1946, mãi lo chạy giặc, giặc Nhựt giặc Tây, giặc Nông-dân cứu quốc, giặc Thổ, v.v... Đầu năm 1947, ở Sốc-Trăng chịu không thấu, tôi đáp xe lô kỳ chót trước khi các cầu nhỏ đường đi xuống Hậu-Giang bị đốt phá, và tôi lên Sài-Gòn trở lại xin một chỗ công nhựt nơi viện bảo-tàng trong vườn thảo-cầm. Cô Năm Sa-Đéc đưa tôi đến dự hai năm cúng Tổ tại đình Cầu Quan (gánh cựu Bầu Thắng, do con là Khánh-Hồng điều khiển). Nơi đây tôi học xem hát bội và làm quen với các kép có học thức: Tám Tri, Tư Huân, Sáu Hẩu...). Kỳ cúng Tổ năm 1948, tôi dự kiến một vài tục quán chưa từng thấy. Một điều tôi nhận thức trước tiên là vào những năm đó, việc cúng Tổ là đem một niềm tin vững chắc vào lòng nghệ-sĩ đã trải qua sự thử thách của chiến-tranh ly loạn, không như mấy năm sau nầy chỉ xem đó là một cuộc vui ăn uống hội ngộ hơn là một kỷ niệm tin tưởng kính thành.
Cúng Tổ năm 1948. Năm 1948, lễ cúng Tổ rất có trật tự. Hát bội cúng trước, rồi mới đến lượt cải-lương, cúng qua ngày khác kế đó. Bữa tôi dự kiến là phiên cúng của nhóm hát bội, kép và đào tề tựu đã đông, chia nhau theo thứ tự niên kỷ, phân cắt rành rồi cứ đến phiên mình ra hành lễ. Mỗi người tự lựa một câu hát ruột bấy lâu ưa thích nhứt để hát lên kính dâng với lòng thành cho thánh Tổ nghe. Thí dụ kép Tám Tri, trước ở gánh Cần-Thơ nay lên nhập gánh Hai Thắng đình Cầu Quan, y sở trường vai Vương tư-đồ trong lớp Phụng-Nghi-Đình, bữa ấy khăn đen áo dài ra xá Tổ rồi chắp hai tay hát câu “Ngọc chỉ trù trì...” hát dứt câu lạy ba lạy rồi lui ra nhường chỗ cho người kế. Tục lệ phải tránh những câu hát tử vận hoặc quá thảm thê vì e rằng hệ. Năm ấy tội nghiệp cho kép Tư Huân, cũng là tay có hạng, đang đau liệt giường, cũng rán gượng cậy người xóc nách ra lạy Tổ. Huân định thần, cố hát được nửa câu hát khách, tôi lóng tai nghe kỹ rõ là một thứ tiếng cao vút, nhưng đã không phải là tiếng người, có lẽ là tiếng thiêng liêng tự đáy lòng nhiệt thành, hoặc từ cõi dưới cõi âm nào đưa đến. Tư Huân hát được nửa vế đầu, rồi hát tiếp không nổi nữa, đuối hơi quá nằm mọp trước bàn thờ, hai hàng lụy nhỏ ròng ròng, khách bàng quan không cầm giọt lụy cũng khóc theo. Sau phải khiêng anh tránh một bên cho cuộc lễ tiếp tục. Nghe nói không mấy hôm là Tư Huân thở hơi cuối cùng. Cũng dịp ấy tôi nghe nói lại rằng những trường hợp như Huân, nếu có kép nào tập sự còn non nghề mà muốn thọ giáo thì hãy lạy ra mắt xin trước với Huân bằng lòng cho tôn làm thầy. Khi Huân bằng lòng thì người kia nghiễm nhiên là học trò phải ra công săn sóc cho thầy, chạy thuốc và nuôi dưỡng tử tế. Khi thầy gần hấp hối, thì phải túc trực sẵn gần bên, đợi khi vuốt mặt thì người chết sẽ truyền nghề lại trong mấy hơi thở cuối cùng. Như vậy người học trò sẽ thừa hưởng cái “hơi ấm” và nghệ thuật của thầy để lại. Tôi tưởng nhờ đức tin, nhờ lòng thành, người mất sẽ thấy như nghề mình chưa mất, và người học trò đinh ninh thầy truyền nghề hay, truyền hơi ấm tiếng thanh cho mình, tức nhiên sẽ trở nên kép hay kép giỏi và mỗi lần hát sẽ vững bụng tin có hồn thầy theo phù hộ tự tin lấy mình thêm và hát phát hơn trước. Trong lễ cúng Tổ năm ấy tôi học nhiều về nghệ thuật hát bội và tiếc cho mình bất tài không đủ sức để giúp cái nghề ấy khỏi bước suy tàn trước mắt. Kép Chín Tài, Tám Hiển, Sáu Hẩu (vừa mất đầu năm 1968), các cô Hai Nhỏ (đã mất mới đây), cô Ba Đắt, cô Ba Út, cũng không tránh được luật đào thải. Năm ấy tôi đã nghe nhiều câu chướng tai như có người làm tàng nói Tổ hát bội do Tổ hát bội Tàu sang nên tên húy là “Hồng-Tào-Xạc”, tôi muốn nói sao không gọi “Hồng-tàu-xá, Hồng-tàu-chúc”, nhưng tôi dằn vì ngày cúng và hẹn khi nào viết tập sau “Hồi-ký về hát bội”, sẽ xin trở lại.
Cũng năm 1948, thành lập “Hội nghệ-sĩ ái hữu tương tế”. Nhưng cái số đào kép hát bội cũng như cải-lương, hay kịch-nghệ tài-tử ciné sau nầy, là nhóm khó tánh: khi mạnh lành vẫn có tánh ỷ tài ỷ tận, xem thường sự tương thân tương ái, đến khi bóng xế chiều tà, Tổ không đãi nữa, khi ấy con chim không nơi đùm đậu, lại trách xã hội quên mình, hoặc hội tương-tế có đó mà bỏ rơi ta. Khi còn nhỏ tuổi nhựa sống đầy mình, thà sắm xe hơi mới và thục bi da, hội nghệ-sĩ tiền nguyệt liễm giúp cho hội hoạt động đã có người khác lo giùm, cái tánh không lo hậu là tánh chung của người Việt, cũng không hơi đâu mà trách bao đồng và triết lý.
Năm 1949. Ngày 6-10-1949 là đúng ngày rằm tháng tám âm-lịch năm Kỷ-sửu. Đáo lệ giỗ Tổ. Tôi đến rạp Thành-Xương xem tuồng Thạch-Sanh Lý-Thông do gánh cải-lương gốc người Bắc diễn. Theo chương trình thấy ghi tên Ba Túy, Hoàng-Giang, Quang-Hữu, Hùng-Cường, Hải-Thọ, Sơn-Minh, Sáu Đước, Văn-Bẩy, Lưu Lộc, Lưu Lói và kép Ba Cương ở Pháp vừa về. Bên phe đào có các cô Kim-Anh, Ngọc-Chúng, Minh-Ngọc, Kim-Thanh, Lệ-Thủy và hề Văn-Trinh. Lại có tấu nhạc Tây và có nhạc kịch do em Bé Nam Thanh, Kim-Tạo, các cô Bích-Hợp, Lệ-Thủy, Quang-Hữu và nhạc-sĩ Lê-Thương. Những tên và danh hiệu, mỹ hiệu ấy, ngày nay đọc và kiểm điểm lại, không khỏi buồn buồn vì nghệ sĩ không khác tinh tú trên không trung, qua một thời gian thử thách có ngôi sao còn sáng chói, có ngôi lại lu mờ, tùy gặp cảnh đêm thanh tịnh hay đêm tối trời chuyển mưa.
Cũng từ năm nầy 1949, tôi bớt tật sa đà, mê hát không nhằm lối. Có lẽ tôi đã già mà chưa hay? Tôi thấy nhẹ đi những gì lố lăng buổi nhỏ: không năng thả xích phê chợ búa thì đỡ tốn tiền mì cháo; thích nằm nhà vặn nhỏ máy thâu thanh vừa vui tai không tốn tiền lại thâu nhiều tiện lợi: tránh bịnh ngồi lâu đau thận đau lưng, tránh quả lựu đạn như mũi thiên-oai chờ người bạc-mạng, thêm tránh khỏi bắt tay chào những nhơn vật mình không muốn gặp. Vả chăng các cô bạn đồng trang lứa đã thỏn mỏn đi không chờ mình. Chỗ đã trống lần: kẻ yên giấc ngàn thu, kẻ viễn du biệt xứ, kẻ nào còn lại đã dâu con cháu chắt lòng thòng. Tư Út ngày nay nếu có sống lại, sẽ cười với tôi một bữa ngon lành mà nhìn nhận các cô non trẻ ngày nay ca trội hơn lớp trước vì đi con đường đã được vạch sẵn, duy các kép ngày nay vẫn chưa sạch cái tật kép lớp trước là ít biết lo xa, huống chi kép xưa tuy lương ít, mà không có thuế, còn kép nay tốt mã thật nhưng thuế lợi tức vẫn không dung tha và nói nữa thành ra mình lắm chuyện và giỏi tài gánh bàn độc mướn.
• Chúa nhựt 23-10-1949. Ban chấn-hưng hát bội của hội Khuyến-học, sau lấy tên là Hội khuyến-lệ cổ-ca do ông Thân-Văn Nguyễn-Văn-Quí và ông bác-sĩ Võ-Duy-Thạch đứng đầu công sáng lập, bữa ấy tổ chức diễn tuồng Trảm Trịnh-Ân, do hai bạn Lê-Văn-Kìm (nay đã mất) và Nguyễn-Văn-Quí đặt để sắp tuồng lại gọn hơn trước. Những buổi hát bội có tổ chức làm vầy không khác trận mưa rào, đã làm mát mẻ khán giả không ít, tiếc thay mấy trận mưa văn-hóa như vầy vẫn ít quá không thấm nổi cái sa-mạc “xã-hội lạc lỏng” ham mới nới cũ như hiện nay.
• 22-4-1951. 17 tháng ba Tân-Mão. Đình Tân-An, 36 bis đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm đáo lệ cúng kỳ yên có diễn hát bội. Ông Hội-trưởng Huỳnh-Minh-Châu (nay đã mất) có mời vợ chồng tôi đi dự.
• 31-8-1951. Trong lăng Tả-Quân ở Gia-Định đáo lệ cúng giỗ Lê-công. Ông Trần-Văn-Chí, ngoài gọi ông Phủ Kỵ (nay đã từ trần) năm ấy mời tôi xem hát, diễn tuồng San-Hậu trọn ba đêm 1, 2 và 3 tháng 9 dương lịch.
• 12-9-1951. Năm nay Hội Ái-hữu Tương-tế Nghệ-sĩ tổ chức lễ Giỗ Tổ long trọng tại hội-quán có các kịch gia hát đại-hội hầu Thánh-Tổ, sau đó ban tài-tử Đài Phát-thanh và nhơn viên hãng dĩa ASIA hòa ca hợp tấu nhạc cổ-điển. 8 giờ tối, hát bội hát hai xuất:
a) tuồng Phụng-Nghi-Đình với các cô Năm Đồ, Sáu Bê, các kép Bảy Lập và Năm Ky đồng diễn xuất;
b) tuồng San-Hậu thứ ba (cô Ba Út và kép Chín Tài).
• 10-2-1952. Đình Phú-Trung, 162 hẻm Võ-Di-Nguy, Phú-Nhuận, tổ chức lễ giỗ đức Bình-Giang Quận-Công Võ-Di-Nguy;
• 8-12-1952. Hội Khuyến-lệ cổ-ca, hội quán 119 đường Bác-sĩ Yersin, ăn lễ lạc thành có giấy Thủ-hiến-phủ chuẩn phê (nghị-định số 2370 đề ngày 6-11-1952).
Trước khi bước qua năm khác, ta hãy ngừng lại đây, thử so sánh sự hoạt động của hai gánh lớn cải-lương trong năm 1952 (theo dõi các báo):
Gánh HOA SEN (Bảy Cao) Gánh NĂM CHÂU
gồm các tài-tử: VIỆT KỊCH gồm:
Các cô: Bửu-Ngọc, Ngọc-Nuôi, Các cô: Sáu Nết, Ngọc-Đán,
Ngọc-Miêng, Kim-Luông, Hai Nữ, Tố-Nữ, Sáu Huề;
Phi-Yến, Lệ-Út... Nghệ-sĩ: Ba Thâu, Hoàng Kinh,
Nghệ-sĩ: Việt-Hùng, Bửu-Tài, Năm Thiên, Ba Vĩnh, Từ Tâm,
Ba Túy, Văn-Khỏe, Hai Su Ba Sanh, Bảy Nhiêu
và Hề: Tư Rọm, Giác, Năm Hưng. và Năm Châu.
Các tuồng đã diễn: Các tuồng đã diễn:
Duyên ai, rạp Hòa-Bình Tâm-tình thôn nữ, rạp Phú-Hòa
(Xóm Củi)......... 26-6-1952 (Tân-Định)....... 11-6-1952
Tơ vương (rạp Aristo) 11-7-1952
Phản gián-điệp Chống thành-kiến (tuồng của (Nguyễn-Văn- Hảo)....... 5-7-1952 Tư Chơi )
(Nguyễn.V.Hảo)......... 6-7-1952 (Ng.V.Hảo)... 17-7-chiều
Thiếu tiền phố
Chiếc áo mùa đông, Việt-Long (Ng.V.Hảo).... 17-7-tối
(Bàn cờ)..... 9-7-1952 Bến đò ma
(Ng.V.Hảo).... 17-7-1952
Lá cờ vàng (Đông-vũ-đài) Hoa cuối mùa
Đại-thế-giới...... 22-7-52 (đình Phú-Hòa)..... 22-7-1952
• 4-1-1953. Hội Khuyến-lệ cổ-ca hát tại đình Cầu Quan, tuồng Na-Tra lóc thịt để cô Hai Nhỏ đóng vai Na-Tra, xuất sắc. Qua lớp sau diễn tuồng San-Hậu do Cô Ba Út đóng vai Nguyệt-Kiểu.
• 9-1-1954. Hội Khuyến-lệ cổ-ca hát tại rạp Aristo, tuồng Trương Phi thủ cổ-thành và Thần-Nữ dâng Ngũ-linh-kỳ: cô Sáu Bê vai Tiết-Ứng-Luông, cô Ba Đắc và cô Ba Út chia vai Thần-nữ. Vai Lê-Huê do cô Hai Nhỏ đóng còn vai Đinh-San kép lão do Sáu Hẩu đóng.
• 15-5-1954. Hội Khuyến-lệ cổ-ca trình diễn tuồng Trưng-nữ vương do Thân-Văn soạn. Tuồng lịch-sử có giá-trị, kép đào xứng vai và màu mè đúng điệu. Y phục sửa lại theo quan niệm mới hạp thời đại; chích khăn be, mặc áo rộng màu vàng, v.v... Lính mặc áo tay đỏ nút chì theo cổ thời, tay phất cờ đào...
Các vai chia ra:
Trưng-Trắc...........................Cô Năm Sa-Đéc,
Trưng-Nhị............................Cô Ba Út,
Thánh-Thiên công-chúa.........Cô Hai Nhỏ
Thi-Sách.............................. Kép Hữu-Thoại
Tô-Định................................ Kép Chín Tài,
Những vai nữa gồm Sáu Hẩu, Lê-Văn-Tần, Nguyễn-Văn-Mách, Bảy Lập, cô Nguyễn-Thị-Ngọc, v.v... Anh Nguyễn-Văn-Thành (nay đã mất) đánh trống. (Nay muốn sắp tuồng như vầy thật khó vì các kép đào đã thưa, lớp cũ ra đi, lớp mới chưa đào tạo).
• 7-1-1956. Hội Khuyến-lệ cổ-ca diễn tuồng San-Hậu, lớp Ba, nơi rạp Thống-Nhứt:
Ôn-Đình.............................. Chín Tài,
Nhược................................ Sáu Hẩu,
Thiên-Lăng ...........................Tư Tượng,
Tử-Trình............................... Chín Luông
Nguyệt-Kiểu .........................Cô Hai Nhỏ
Bà thứ .................................Cô Huỳnh-Nga
Đỗng-mẫu............................. Cô Ba Sáng
• 10-11-1956. Tại Thủ-Đức, nơi quán “Con Gà Quay” bữa nay ăn lễ khai trương. Anh Nguyễn-Ngọc-Minh, bác-sĩ Thú-y là chủ nhơn cho diễn tuồng hát bội “Phụng-Nghi-Đình”. Tôi đứng trong ban tổ-chức, nhơn dịp có mời ông Phụ-mã Đô-thống-chế cựu triều Đồng-Khánh/Khải-Định, cụ Hường Nguyễn-Hữu-Tiễn (nay đã mất) đến dự xem.
Các vai lớp được cắt như sau:
Lữ-Bố.............................................Cô NămSa-Đéc,
Điêu-Thuyền (lớp bái nguyệt)......... ..Cô Ba Út,
(lớp bồi yến và hý Nghi-Đình)............Cô Năm Đồ,
Tư-Đồ........................................... .Chín Luông,
Đổng-Trác ......................................Tám Mẹo,
Lý-Nhu ...........................................Hữu-Thoại,
Quân canh ......................................Thiệu-Của.
• 20-1-1957. Hội Khuyến-lệ cổ-ca tổ chức tại rạp Bầu Thắng, đình Cầu Quan, buổi hát bội diễn lại tuồng “Ngũ biến báo phu cừu” nguyên là tuồng ruột của cô Năm Nhỏ gánh cô Ba Ngoạn (có bài khen tài Cô Năm nơi phần phụ-lục số 42). Nay hát lại tuồng nầy, phải chia các vai ra như sau (năm vai của cô Năm Nhỏ khi trước, bây giờ phải bốn cô đào chánh đóng mới xem được):
Vai cùi và điên, hát bài hành khất
(khất cái)............................. ..................Cô Năm Sa-Đéc
Vai lão trượng....................... .................Cô Ba Út,
Vai huê-hòa-thượng.................. ..............Cô Cao-Long-Ngà,
Vai Sơn-Đông, mãi võ, có đánh kiếm.........Cô Năm Đồ (2 vai)
Nghĩ cho bốn cô đào nay mà tài chỉ bằng một cô đào lớp xưa, đủ thấy công phu điêu luyện và tài nghệ xuất chúng của Cô Năm Nhỏ là thế nào. Khỏi nói cô Năm là đào giỏi các vai mỹ miều Lưu-Kim-Đính hạ san hay Phàn-Lê-Huê cứu Hồng-thủy-trận thì đã đành rồi, nhưng cô Năm có học và giỏi luôn vai kép võ như “Trương Phi thủ cổ-thành” phải thấy cô diễn mới biết tài phi thường vì cô hét và đổi giọng nghe như kép Hành thuở trước chớ không biết đó là giọng đàn bà. Hành thủ vai Trương Phi hay cho đến đổi về sau, kép nào đóng vai Trương Phi đêm nào thì quen nói “Đêm nay tôi làm Hành, thay vì nói tôi đóng vai Trương Phi”. Hành đã trở nên “động từ” thay vì “danh từ”, lạ thật. Lớp đó (lối 1915?) có đến hai kép tên Hành, đều đóng vai Trương Phi, không kép nào ăn qua, và trong gánh gọi Hành Lớn và Hành Nhỏ.
• 12-4-1958. Ban ca-vũ cổ-nhạc Việt-Nam (trước kia là ban ca-vũ trong Nội-phủ Huế), dưới sự bảo trợ của Nha Vô-tuyến truyền-thanh và của Nha Quốc-Gia du-lịch, có tổ chức diễn tại rạp Thống-Nhứt lấy tiền trợ giúp trẻ sơ sanh các vùng Dinh Điền. Diễn cả thảy là mười-hai lớp, gồm nhạc-thiều, múa kiếm, mười bài Phẩm-tiết, Mã-vũ-khúc, Múa quạt, Ngũ đối, Phụng-vũ-khúc, vũ Tam Quốc, Tây-Du, Nam-hùng nam-trĩ, Chiến tẫu, Múa bông cũng gọi là “lục cúng” toàn là những bài bản lạ tai điệu múa lạ mắt, dân miền Nam củi lục làm ăn xưa nay chưa từng thấy, vì là nghi tiết của triều-đình Huế, bao giờ.
• 2-9-1959. Hội Thượng-công quí tế diễn hai ngày giỗ cúng Lê thượng-công, thầy cũ của tôi, ông Nguyễn Văn Cứng, dạy vẽ trường Bổn-quốc Chasseloup, làm hội-trưởng, đứng xây chầu cho hát bội diễn và tỏ ra sành điệu lắm.
• 10-1-1960. Hội Khuyến-lệ cổ-ca diễn tại sân khấu trường Quốc-gia Âm-nhạc lấy tiền tặng Cây Mùa Xuân cho gia-đình nghệ-sĩ, tuồng Tống tửu Đơn-Hùng-Tín.
• Qua ngày 17-1-1960, lại diễn thêm một tối, tuồng “Đãi yến Đoàn-Hồng-Ngọc”.
• 30-10-1960. Ông Trần-Văn-Khê, từ Pháp-quốc gởi thơ yêu cầu tôi cho trích lục vài đoạn trong băng nhựa thâu thanh bài diễn văn của tôi nói về hát bội, điệu Niêu-Nồi, nay tàng trữ tại Nhân-chủng học-viện (Musée de l’Homme Paris) để ông thuyết trình cho đài vô tuyến BBC. Tôi nhận lời.
• 8-10-1961. Hội Khuyến-lệ cổ-ca diễn tại trường Quốc-Gia Âm-nhạc lớp Hoàng-Phi-Hổ qui Châu, trong tuồng Phong-Thần. Các vai chánh:
Hoàng-Phi-Hổ.................................. Minh-Tơ
Thái-sư Văn-Trọng........................... Tám Hiển
Trụ-Vương...................................... Thành-Tôn
Tứ đệ ............................................. Thiệu-Của, Bảy Lập,
Tư Tần, Tám Văn.
Giả-thị .............................................Cô Ba Út
Đắt-Kỷ .............................................Cô Năm Đồ
Hoàng Quí-Phi................................... Cô Ngọc-Lượng
Đòi báo tin .........................................Cô Ba Sáng
Biện tuồng kép................................... Hữu-Thoại.
• 28-1-1962. Hội Khuyến-lệ cổ-ca mời đi dự nhóm tại hội-quán 119 đường bác-sĩ Yersin để dự lễ trao quà Tết và khoản đãi các nghệ-sĩ trong Hội.
• Tháng Giêng dương lịch 1962 (Tân-Sửu). Ông Hồ-Văn-Lang, một ký giả kỳ cựu và lão thành có dự phong trào tẩy-chay Chi-na năm 1919, có hiệp sức cùng kép Thành-Tôn (ban Bầu Thắng cũ), soạn tuồng Anh-hùng Nguyễn-Huệ đại chiến Gò-Đống-Đa. Tuồng do nhà in Đức-Hùng Ấn-quán, 109 đường Bùi-thị-Xuân, Sài-Gòn, xuất bản. – Tôn trọng quyền tác-giả, tôi không in tuồng nầy vào phần phụ-lục. Quí vị muốn có, xin biên thư hỏi ông Hồ-Văn-Lang hoặc bạn Thành-Tôn, theo địa-chỉ Đài Phát-thanh, số 3 đường Phan-Đình-Phùng, Sài-Gòn.
• Chúa nhựt 5-5-1963 (13 tháng 4 năm Quí-Mão). Đây là một bữa kỷ niệm “Tam sanh hữu hạnh”, không muốn mà nên. Dẫu đầu thai mấy kiếp cũng chưa ắt gặp lại. Nguyên lần thứ nhứt tôi để chơn đến đất Paris, đến bữa nay đã được sáu ngày và nhớ lại hôm nay là đúng một bữa Chúa nhựt rỗi rảnh trên đất lang-sa lịch sự. Tôi chưa vội đi thăm các nơi quen biết để cám ơn giúp tôi có cuộc Tây-du nầy. Điều tôi nghĩ trước nhứt là nhớ đến ơn thâm của một quí phụ Pháp, bà Christine Bruel, trước có ở Sài-Gòn, và tuy cùng tôi không đồng quốc-tịch nhưng đã có can đảm cho tôi mượn một số bạc to, nhờ đó tôi tạo lập được mái nhà “Vân-Đường” hiện nay che chở gia-đình tôi trong Gia-Định. Hay tin bà bị bạo bịnh và từ trần từ lâu, nhưng không rõ phần mộ bà nằm nơi nghĩa-địa nào. Vả chăng Paris có nhiều nghĩa-địa danh tiếng. Tôi độ chừng theo tiếng gọi của thành tâm và lòng dặn lòng hôm nay thế nào cũng phải đến mộ bà đặt một bó hoa khiêm tốn để tưởng niệm và tri ân. Bó hoa đã mua từ sáng sớm và cứ theo sách dẫn-đạo (guide), tôi đi métro tìm trước nhứt đến nghĩa địa “cimetière du Père Lachaise” trên nổng cao nơi góc đường La Roquette và đại-lộ Ménilmontant. Mặc dầu sự sốt sắng và mặc dầu thiện tâm thiện chí của ông quản thủ, chúng tôi tra dò tìm mãi trong các sổ bộ cũ mới nhưng không sao thấy được tấm phiếu căn cước nhỏ chỉ rõ nắm mồ bà C. Bruel nằm ở khu nào. Ông Quản-thủ cắt nghĩa cho tôi rõ có lẽ nghĩa-địa hữu danh La Chaise tuy rộng đến 47 mẫu Tây (47 Ha) nhưng dùng mai táng từ nhiều đời nối tiếp nên đã chật nứt không còn chỗ trống và Chánh-phủ đã chỉ thị từ lâu ngưng cho chôn cất nơi đây. Ông khuyên tôi nên chịu khó đi thăm dò nơi nghĩa-địa Montmartre, tân thời hơn và có lẽ còn chỗ mai táng. Thế là tôi vâng lời, tạ từ viên quản-thủ có lòng chỉ bảo, ôm bó hoa tươi, lên xe đỗ đường đến được nghĩa-địa Montmartre nơi con đường Rachel. Tôi vừa đọc vừa dò các mộ chí các khu, gặp gần đủ mộ các tiền nhơn Pháp có danh ghi trong sách sử, nào Cavaignac, Alexandre Dumas Fils, v.v... nay xin miễn kể để tránh rườm rà. Duy tìm mãi mộ-chí người thiếu-phụ Pháp ân nhân của mình năm xưa mà tìm mãi suốt nửa ngày mà chưa gặp. Khi tôi lê bước chân mỏi rụng đến khu số 15, bỗng gặp bất ngờ một ngôi mộ thầm kín nhưng có nét độc đáo, trong thâm tâm khi vừa thấy tôi đã định cho là không phải một ngôi mộ tầm thường. Quả nhiên khi bước lại gần, tôi đọc kỹ mấy hàng chữ khắc trên mộ chí thì đó là mộ của bà:
Alphonsine Plessis, dite Marie Duplessis,la “Dame aux camélias”, d’Alexandre Dumas fils,
(+ 1847)
Bây giờ mộ bà C.B., muốn tìm mà không sao tìm gặp, trước sau chút lòng ái đới tiền ân, hồn bà có linh xin chứng chiếu cho dạ nầy. Sẵn đây gặp bất ngờ mộ của nàng Trà-Hoa-nữ Pháp bấy lâu mình từng đọc khúc truyện tình ái cao thượng ly kỳ, và từng xem mấy phen diễn qua tiếng Việt, nào Tơ vương đến thác, nào Đoạn tơ lòng, nào Bể ái đầy vơi, nay sẵn bó hoa chí thành “niệm cựu ân” khệ nệ ôm từ tang tảng sáng, tôi bèn cung kính đặt lên mặt đá lạnh cẩm thạch của bà danh kỹ mất từ năm 1847 (Thiệu-Trị đệ thất niên) (Đinh-mùi), lâm râm khấn vái hồn Đạm-Tiên Pháp có hay. Không gặp mộ ân-nhân lại gặp mộ huê-khôi Đạm-nữ, hay là tam sanh hữu hạnh? Dầu sao tôi không tiếc buổi sáng quang đãng chí tâm chí thành, Chúa nhựt 5-5-1963 sống giữa hồn ma tại đô-thành Paris hoa lệ.
Qua có hai tháng ở Paris, tháng năm và tháng sáu 1963 mà nói chuyện bằng người ta ở suốt đời ở bển! Bữa tôi còn nhớ rành rạnh như mới đây là bữa viếng mộ tài-nhơn đã tả. Còn một bữa đi dùng cơm với ông thầy cũ trường Chasseloup, ông Bernard Bourotte, hai ông bà về nghỉ hè hẹn với tôi và đưa tôi đến một nhà hàng rất sang, ăn chung một phòng với một nhóm kịch sĩ tên tuổi de la Comédie Franaise. Nhà hàng ấy nay cũng không còn nhớ hẳn đường nào, duy nhớ hôm ấy, rượu ngà ngà quên phứt mình ngồi bên trời Pháp nên nói chuyện có hơi to tiếng. Không ngờ đang ăn bên nây đang nói bên nây bỗng nghe bên kia bàn nghệ-sĩ chót mũi cao có tiếng vỗ tay, giựt mình ngó như thằng mán ra chợ, sau ông thầy giải nghĩa rằng bọn họ khen mình “thằng ngoại quấc nào đâu nói tiếng Tây khá đến! Nói họ nghe được và hiểu được!” Họ quá hớp chăng khi tặng mình “nói khéo như bọn Paris chính cống”? – Không, tôi không dám nhận lời nầy. Tôi chẳng qua như con ngựa mơ, thuở nay có vào rừng đâu mà biết sợ khái! Một lần nữa tôi ví tôi như ngựa mơ, xin chớ nghe lầm tưởng đâu tôi dám ví mình với hổ!
Một bữa khác cũng đáng kỷ niệm là bữa đi xem hát ở phường nọ tại Paris. Tưởng hễ cái gì ở Paris là bực nhứt. Không dè về rạp hát, coi vậy mà rạp Sài-Gòn cũng có hạng khá đến, một phần nào lại sướng hơn ở Paris. Tôi nói đây là ví phận bọn ít tiền như tôi, ăn trái chuối và tại kinh-đô Pháp phải trả gần ba chục bạc ta, dẫu ăn kèm với phở-mát cũng hời hợt ngán quá. Đi xem hát ở đây khó khăn quá: phải mua vé từ mấy ngày trước, đến khi vô cửa phải “lì-xì” cho bọn mở cửa, vớ một tờ chương trình cũng phải “nhẩm xà” cho đứa nhỏ phát rồ-ram, khi đến chỗ gởi áo choàng áo lạnh, khi gởi vào như khi lấy ra đều phải có chút tiền mua lòng, và khi đến chỗ ngồi, cái ghế trơ trơ đó thế mà khi khách bước vào, có tên bé choắt, nó xô cửa nó kéo ghế rồi nó cũng chìa tay, không cho không được, phải cho em chút nầy cho em khen qua là khách ăn chơi biết xài tiền. Cái “lì-xì”, “buốc boa” (pourboire), làm cho tôi sớm ngán cái nước vỏ ngoài của cái văn-minh Paris, và bắt tôi nhớ lại khi đặt chơn lên đất Phù-tang thì lại khác hẳn: cũng thì cái “lì-xì” pourboire ấy, mà người Nhựt lại hiểu khác, từ chị lùn xách va-ly lên phòng khách sạn ở Đông-Kinh chí đến bác tài lái xe taxi, mỗi khi khách tha phương cho “tiền nước” họ lại trố mắt gần như muốn sừng sộ, muốn “ngầy ngà”: chúng tôi cũng là người như ông như bà, nào phải đày tớ nhà ai mà ông hay bà hòng làm phước cách đó, coi rẻ nhơn phẩm chúng tôi cách đó! Thiệt là khó lòng, hèn chi có người nói: Đông là Đông, Tây là Tây, thậm phải! Bữa đi xem hát, hát cũng không hay gì hơn những buổi xem diễn ở Sài-Gòn, rạp hát tiếng rằng rạp tài-tử nhưng trong mắt tôi thấy lòn xòn không khác gì các rạp Xóm Gà, rạp chợ Phú-Nhuận bên mình. Cho tiền cũng giận, không cho cũng rầy, thiệt là ra xứ ngoài mỗi mỗi đều khổ tâm. Định trong bụng, phen nầy về nhà thà chết rục ở xó nhà mà sướng hơn và hạp với vai tuồng một hàn sĩ như mình. Cho xuất ngoại, dặn phải biết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận