Phóng to |
Cá biển - nguồn thực phẩm không thể thiếu của con người - Ảnh: Denis Radovanovic/Thinkstock |
Giáo sư Villy Christensen - trưởng nhóm nghiên cứu, công tác tại ĐH British Columbia, đã phân tích mô hình của khoảng 200 mạng thức ăn của các hệ sinh thái biển trên thế giới trong các khoảng thời gian khác nhau (1880-2007).
Sau đó, ông Christensen ước tính sự phân bố của sinh khối - chẳng hạn có bao nhiêu tấn cá ngừ hoặc cá cơm trong một vùng biển - và từ đó suy ra tình trạng của chúng trên khắp các đại dương.
Kết quả, sinh khối của các loài cá lớn giảm 2/3 trong hơn 100 năm qua, dù hiện tại các nhà khoa học chưa xác định được số lượng tuyệt đối của chúng. Ngoài ra, theo hãng tin UPI (Mỹ), các nghiên cứu cho biết sự sụt giảm của quần thể cá săn mồi trong 40 năm qua lên đến 54%.
Tình trạng đánh bắt cá quá mức nêu trên hoàn toàn có thể so sánh với "khi mèo đi vắng, lũ chuột sẽ rong chơi", ông Christensen cho biết. Còn theo nhận xét của ông Michael Hirshfield - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức phi lợi nhuận về tuyên truyền và bảo tồn biển Oceana (có trụ sở tại Washington D.C. Mỹ), khi quần thể các loài cá lớn bị đánh bắt thì quần thể các loài cá nhỏ có xu hướng bùng nổ và càn quét, làm hệ sinh thái biển kém ổn định hơn.
Khi số lượng các loài cá nhỏ tăng lên, chúng trở thành nguyên liệu được ưa chuộng làm bột cá trong ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. “Nếu xu hướng trên tiếp diễn thì các đại dương của chúng ta một ngày nào đó có thể trở thành một “trang trại” sản xuất thức ăn cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản”, ông Christensen nói trên UPI. “Khi đó chúng ta sẽ phải nói lời tạm biệt đại dương hoang dã”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận