26/06/2004 05:01 GMT+7

"Con ma xó" ở Ấn Độ

VŨ THANH BÌNH
VŨ THANH BÌNH

TT - Quốc Anh được nhiều lưu học sinh VN tại New Delhi biết đến như một “con ma xó” ở Ấn Độ. Anh đi khắp nơi, biết nhiều chuyện và sẵn sàng tư vấn nếu bạn muốn tới một chỗ nào đó trên đất nước bao la này.

IjrgPSK2.jpgPhóng to
Quốc Anh trong một chuyến đi ở Zeh, bang Jammu & Kashmir
TT - Quốc Anh được nhiều lưu học sinh VN tại New Delhi biết đến như một “con ma xó” ở Ấn Độ. Anh đi khắp nơi, biết nhiều chuyện và sẵn sàng tư vấn nếu bạn muốn tới một chỗ nào đó trên đất nước bao la này.

“Đi để hiểu thêm về cuộc sống...” - chàng trai vừa tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi về lịch sử Ấn Độ (Đại học Nehru) tâm sự như thế.

Học từ cộng đồng

Nhiều người bạn Ấn Độ đã tròn xoe mắt khi nghe chúng tôi kể rằng có một chàng SV VN đã đi khắp 20/27 bang của đất nước này, mà có nơi thậm chí chính họ cũng chưa bao giờ đặt chân đến. “Những nơi ấy rất xa xôi và nguy hiểm” - họ lắc đầu.

Có vùng đất nóng bỏng như bang Jammu & Kashmir (nổi tiếng thế giới vì những xung đột kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan) mà Quốc Anh cũng đã tới đó ba lần.

Mùa hè năm 2002, Quốc Anh cùng nhóm 10 SV tình nguyện Ấn Độ về bang Gujarat giữa lúc một cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra nơi đây.

Nhiều người chết, nhiều trường học bị đốt cháy, và Quốc Anh cùng các bạn đi vào những ngôi trường tan hoang để nhặt nhạnh những tờ hồ sơ còn sót lại, rồi phỏng vấn học sinh để làm lại học bạ cho các em, hỏi chuyện người dân để làm lại giấy tờ đã mất cho họ...

Nhóm SV tình nguyện ở tại nhà một cô giáo người địa phương trong hai tuần, khi mà cảnh máu đổ đầu rơi diễn ra ngay trên đường phố: “Sợ lắm, cả bọn phải học những câu khẩu hiệu tiếng Hindi để khi cần thiết thì đọc như tấm bùa hộ mạng. Sợ, nhưng đã đến thì cố ở lại để giúp đỡ người dân bằng những việc mình có thể làm được” - chàng SV 24 tuổi nhớ lại.

Những chuyến đi như thế còn là cách tốt nhất để Quốc Anh thu lượm kiến thức thực tế cho việc học và làm đề tài thạc sĩ: “Hệ thống đẳng cấp dưới sự thống trị của Anh”.

Việc phân chia đẳng cấp trong xã hội, như một truyền thống lâu đời, có tác động rất lớn đến sự phát triển của Ấn Độ, trong khi đây lại là một quốc gia rất rộng lớn với một nền văn hóa và hệ thống xã hội cực kỳ phong phú và đa dạng.

Chính vì vậy, cách tốt nhất để mở rộng kiến thức là bước vào cộng đồng để tìm hiểu thực tế.

Tư vấn du lịch cho... người Ấn Độ!

Học giỏi, nên khi khoa Đông phương học của Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội có ý định mở chuyên ngành nghiên cứu về Ấn Độ, Quốc Anh giành được học bổng để sang học tại ĐH Tổng hợp Delhi.

Tốt nghiệp ĐH, anh lại giành được học bổng của Nhà nước Ấn Độ để làm luận án thạc sĩ ở ĐH Nehru.

Từng làm lớp trưởng để “lãnh đạo” một tập thể toàn SV Ấn Độ nói tiếng Anh “như cháo”, chàng trai VN có gương mặt trắng trẻo thư sinh hòa nhập rất nhanh và dễ dàng nổi bật.

Một buổi tối, chúng tôi đã chứng kiến điện thoại Quốc Anh reo liên tục, chỉ để tham vấn bạn bè người Ấn Độ cách thức đi du lịch kiểu balô ở... Ấn Độ.

Quốc Anh từng cùng một người bạn Mỹ rong ruổi suốt hai tháng rưỡi từ Delhi đi bang Tamil Nadu dọc biển Ả Rập bằng chiếc môtô 500cm3 mua hồi năm cuối ĐH.

Chuyến đi chỉ kết thúc khi tiền đã hết mà anh chàng người Mỹ có vợ sắp sinh em bé. Nghe Quốc Anh kể về những thung lũng mây bay, những thành phố nằm trong hẻm núi, những câu chuyện của người dân địa phương, những con đường băng giá mùa tuyết rơi... mới hiểu anh đã đi và thấm như thế nào về vùng đất Nam Á này.

Một kinh nghiệm nhớ đời: có lần Quốc Anh cùng một thầy giáo đi vào vùng đầm lầy ở Kalash để quan sát các loài hoa. Sau bốn ngày, cả hai chợt nhận ra là không còn đủ thức ăn để quay lại.

Chỉ còn cách là trèo qua đỉnh núi để đến vùng Shimla, bang Himachal Pradesh. 18 giờ đi bộ liên tục chỉ với thức ăn là... một gói mì tôm.

Có tới ba lần anh chàng tưởng đã chết vì bị ngã trên rặng núi đầy băng tuyết, đồ đạc rơi mất hết... Nhưng thật may là cả hai thầy trò đã vượt qua sự cố.

Nhưng... tiền đâu để đi nhiều vậy? Quốc Anh bảo phải tiết kiệm. Dành dụm từ khoản học bổng ít ỏi 3.000 rupee/tháng (chừng 1 triệu VND), viết báo, đi làm thêm cùng các nhóm SV... Phải biết đường đi nước bước, biết tiếng Hindi đủ để hòa đồng với người dân địa phương và tìm được những dịch vụ rẻ nhất, và quan trọng là “cái gì không biết thì đừng có nói”...

Trong khi nhiều bạn trẻ ngại ngùng không dám đi đâu xa thì Quốc Anh coi đi du học Ấn Độ như một cơ hội tốt để tìm hiểu về một đất nước, một nền văn minh nổi tiếng.

Anh đã trở thành thạc sĩ mùa hè này nhưng sẽ xin visa ở lại đến tháng 8-2004 để đi thêm, tìm hiểu thêm. Quốc Anh mơ ước trở thành giáo viên dạy ngành Ấn Độ học tại VN.

VŨ THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên