Đó là lúc ngoại biết con có bài viết vừa đăng báo, nhưng lại viết về một người khác chứ không phải là ngoại! Không như lần con đọc cho ngoại nghe bài thơ con viết về ngoại, ngoại vui đến mức chạy đi khoe với hết thảy mọi người. Có phải chính điều ấy làm tình cảm trong lòng con với ngoại bỗng vỡ òa...
![]() |
Con “ghét” ngoại từ lâu lắm rồi! Từ khi con mới lọt lòng, bị sinh thiếu tháng, ai cũng nhìn con ái ngại, buông lời thương xót hoặc cầu mong cho con được may mắn sống sót. Riêng ngoại thì không, ngoại “ghét” con nên ngoại bọc con trên đôi tay ấm của mình thay cho chiếc băng ca lạnh toát các cô y tá vừa bỏ con ở đó. Ngoại mớm cho con từng thìa sữa bé xíu khi con không thể bú bằng sữa mẹ. Ngoại kiên trì truyền cho con từng hơi ấm, dù biết hi vọng sự sống trong con rất mong manh... Để rồi con đã sống và lớn lên đến ngày hôm nay!
Con “ghét” những giọt nước mắt khi ngoại nhớ đến đứa cháu bé bỏng, dù đã ba ngày không ăn không uống, “chỉ cần nhìn thấy cháu là ngoại đã khỏe lại rồi...”. Con “ghét” những lần ngoại làm như không thấy, khi con té lên té xuống trong từng bước đi chập chững, ngoại đã lẳng lặng đặt bên hiên nhà cái chổi con con, bảo con cầm đi theo ngoại để quét nhà, và từ đó con đã biết đi trên chính đôi chân của mình.
Con “ghét” hình ảnh ngoại cố tình như mải loay hoay công việc mà vô tư để đứa em trai con “sờ tí ngoại” khi nó nhớ đến mẹ. Bất chợt, ngoại quay đi giấu tiếng thở dài... Con “ghét” những buổi tối nằm trong lòng ngoại, ngoại kể cho con nghe về khoảng đời tuổi thơ đầy niềm vui và yêu thương, dù đó là những tháng ngày đầy cơ cực thời chiến tranh. Những trò chơi dân gian, những câu đồng dao ngộ nghĩnh... đã in sâu vào trí nhớ của con từ bấy đến giờ, để con hoài mơ về một tuổi thần tiên...
Con “ghét”chén canh cua mồng tơi rau đay do chính tay ngoại nấu, mà dù có đi đến bất cứ cửa tiệm nhà hàng nào, qua bất kỳ một “siêu đầu bếp” tài ba nào trên thế giới này... , con vẫn không thấy hài lòng như hương vị của ngoại nấu cho con.
Con “ghét” thật đó, khi mẹ nói với ngoại có người muốn hỏi cưới con, thì ngoại vội hỏi: “Đã có nhà riêng chưa, có lo nổi cuộc sống cho cháu tôi không, có thương yêu lo lắng cho cháu tôi không mà cưới với hỏi?!”. Dường như với ngoại, con lúc nào cũng chỉ là một đứa trẻ mới lên ba, cần được yêu thương lo lắng và đùm bọc.
Con “ghét” ngoại như chính ngày xưa con còn thơ dại, ngoại hỏi yêu con: “Con có thương ngoại không?”. Con hồn nhiên trả lời: “Không thèm đâu!”. Ngoại cười hỏi thêm: “Sao vậy?”. Con lại vô tư nói: “Con không biết đâu!”. Bây giờ cũng vậy ngoại à, con “ghét” ngoại nhiều nhiều lắm, “ghét” không cần một lý do, không một ngôn từ nào tả nổi và không biết đến mức độ cuối cùng...
Ngoại biết không, từ sâu thẳm tâm hồn con cứ mãi vọng lên một lời yêu thương: “Con ghét Ngoại lắm, ngoại ơi!”. Bởi chính ngoại đã đặt con vào cuộc đời này, và dắt con đi qua những nẻo đời chênh vênh, tiếp thêm nghị lực và niềm tin để con luôn vững bước. Giờ đây con đã trưởng thành, có một gia đình riêng êm ấm. Con không biết mình có thể tự bước đi và dẫn dắt những đứa con của mình thật vững vàng như ngoại đã làm. Còn ngoại bây giờ cứ ngồi nhìn con chăm đứa con nhỏ mà móm mém mỉm cười. “Ghét” ngoại ghê!
Áo Trắng số 19 ra ngày 15/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận