Phóng to |
“Cò tạc”dùng để bẫy cò trời |
Đất phủ (phủ Diễn Châu, Nghệ An) vốn là nơi nhiều danh thắng sơn thủy, cứ đến đầu thu là có hàng trăm hàng ngàn đàn cò, vạc, chim trời khắp nơi di cư về đây...
Nghề bẫy cò, săn vạc
Một buổi lòng vòng quanh các xã nam Diễn Châu, tôi đếm sơ sơ có đến 30-40 trận địa bẫy cò. Lúc đi ngang trận địa của cha con ông Chính thuộc xóm Trung Học, tôi bỗng nghe một tiếng hô từ “rủ cò” phát ra: cò! Vậy là mọi người đi làm đồng quanh đó lập tức nhận ra khẩu lệnh và ngồi im như phỗng.
Tôi cũng vội tấp xe vào vệ đường chấp hành luật lệ, và thật đã mắt khi được xem cái cảnh đất lành chim đậu diễn ra. Khi “trận đánh” kết thúc, tôi lân la vào “rủ cò” của ông Chính để xem. “Rủ cò” của cha con ông Chính là một cái nhà vòm được uốn từ những cành cây trâm bầu, phi lao kín bưng; trong đó có cả chỗ mắc võng dù, kê chõng, đặt cũi nhốt cò.
Ông Chính và hai con trai đang gỡ nhựa và khâu mắt những chú cò vừa bẫy được. Tôi hỏi ông Chính mùa cò này đã thu được vài triệu bạc chưa? Đứa con trai ông Chính bĩu môi: “Vài triệu thì không đủ tiền nhựa! Cha con tui mỗi vụ cũng xài hết ba yến nhựa, sơ sơ đã mất 3 triệu tiền vốn rồi”…Tôi về Trung Phú để xem cảnh bẫy vạc. Trận địa bẫy vạc của họ cũng có “cò tạc” (bằng đất sét, sơn trắng giống y cò thật), cò mồi, vạc mồi và que nhựa cắm chi chít bờ ruộng, bờ ao; cả trên các cành cây được uốn cong rất khéo để chờ vạc hạ cánh.
Anh Nguyễn Hoàng, một thợ bẫy cò, vạc lâu năm ở Trung Phú, nói: “Sau tiết bạch lộ vài ngày anh mà tới thì tha hồ mà chụp hình, cò, vạc ra đặc trời, từ 3 giờ sáng cha con tui đã đi cắm nhựa, cho cò mồi, vạc mồi ăn...”.
Chuyện đang “vào cầu” thì bỗng nghe mấy tiếng oác oác từ vạt rừng phi lao phía biển vọng tới. Anh Hoàng lẹ tay kéo tôi chạy vào “rủ” và nói nhanh: “Có vạc đấy!”, và sau đó lập tức từ ba bề bốn bên vọng lên tiếng oác oác loạn xị của vạc mồi, vạc trời và “vạc mồm” - những thợ nấp trong “rủ”.
Người nhà nấp sau vườn, nấp trong những vạt ngô quanh đó cũng đồng thanh oác oác gọi bạn (!)... Thật là náo động khi cuộc chiến “đất đối không” của thợ săn vạc diễn ra! Sau một mẻ bẫy họ hả hê, í ới hỏi nhau vọng qua các “rủ”: anh Hoàng dính được bao nhiêu con, chú Tuyến được vài chục không?...
Phóng to |
Cò thui bán ở chợ (ảnh chụp tại các xã Diễn Thịnh, Diễn Trung và Phủ Diễn trong tháng chín và 10-2004) |
Khi những đàn cò, đàn vạc sống sót thoát khỏi các trận địa của thợ bẫy, chúng bay về những dãy rừng phi lao phía biển để trú ngụ.Từ Diễn Thịnh đến Diễn Trung, Diễn Phú có hàng chục cây số rừng phi lao bạt ngàn là nơi lý tưởng cho những đàn cò, đàn vạc lả cánh.
Tưởng được yên thân, nhưng chúng có ngờ đâu dưới những gốc cây tán lá um tùm kia là những họng súng săn đang từng giờ rình rập. Thợ săn cò, vạc cũng có nhiều chú cò mồi, vạc mồi cho đậu trên các ngọn cây rồi dòng dây xuống mặt đất.
Họ nghếch súng nằm ngửa trên những chiếc võng dù buộc dưới gốc phi lao kiên trì mai phục. Có những thợ săn cò, vạc tậu được những chú vạc mồi biết kêu bạn cực hay, có chú đổi ngang một con bò.
Khi đàn cò, đàn vạc mắc lỡm thợ săn sà đậu kín những ngọn phi lao thì dưới mặt đất thợ săn tha hồ mà điểm xạ; “đòm”- một chú cò gãy cổ lao xuống ; “đòm” - một chú vạc gãy cánh lả tả…
Các xạ thủ ngồi như bất động cứ rê nòng súng bắn hết con này đến con khác, vì vậy có khi cả trăm cái cò, cái vạc bị bắn hạ thì những con khác mới nhớn nhác khiếp đảm bay đi. Thợ săn lúc này mới mang bao tải đi thu chiến lợi phẩm.
Một thợ săn cò cho biết cả 15 xóm của xã Diễn Trung hầu như nhà nào cũng có thợ săn cò, vạc. Mỗi xóm ít nhất cũng có 40-50 khẩu súng săn…, trẻ em 13-14 tuổi, súng dài hơn người nhưng đã là thợ săn cò, săn vạc có hạng! Nhiều gia đình 3-4 cha con, anh em đều là xạ thủ săn cò.
Bao giờ mới hết… đau lòng cò con
Ngày xưa những nhà nghèo mới mua cò về làm món ăn, hầu như chỉ một món duy nhất là cò xáo măng. Nhưng bây giờ thịt cò làm đủ các món nhậu: cò nướng, cò quay, cò giả cầy, cò xào sả ớt, chả cò...
Mùa này đến các chợ ở Diễn Thịnh - Diễn Trung - Diễn An, Diễn Thọ hoặc chợ Phủ Diễn, thậm chí ngay cả những chợ lẻ ở quanh thành phố Vinh, cũng đầy rẫy cò thui bày bán cả dãy. Riêng cò bẫy thì bị nhốt vào lồng nhập cho các đầu nậu mang đi thành phố bán cho các nhà hàng đặc sản.
Ngày tôi còn nhỏ, cả làng duy nhất chỉ có một mình ông lão Lộc làm nghề bẫy cò. Thịt cò tanh lắm, không biết nấu thì ăn không nổi, vì thế mà nghề bẫy cò đã ít mà người ăn thịt cò cũng chẳng mấy ai. Nhưng đến cái thời “văn minh ẩm thực” ngày nay thì thịt cò lại là món khoái khẩu của nhiều người, nhất là ở nhà hàng đặc sản chốn thị thành. Đến nay thì nghề bẫy cò đã lan ra các xã Diễn Trung, Diễn Phú, Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Thọ... Gần cả nửa huyện phía nam Diễn Châu (Nghệ An) có nghề bẫy cò. |
Chỉ thị với lời lẽ thật đanh thép: “...Từ nay nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn, bẫy bắt chim cò hoang dã; nghiêm cấm các nhà hàng, khách sạn, các cá nhân ở chợ mua bán vận chuyển chim cò hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp... Tổ chức tuyên truyền pháp lệnh bảo vệ các loài chim, công ước CiTes về bảo vệ động vật hoang dã tới tận thôn xóm...”.Sau khi chỉ thị này được gửi đi gần 50 đầu mối gồm UBND của 39 xã, thị trấn và một số ban ngành cấp huyện, cấp tỉnh, người ta cứ tưởng rồi đây nạn săn bắn, bẫy bắt chim cò ở Diễn Châu sẽ được chấm dứt. Nhưng sau gần một năm từ khi có văn bản trên ra đời thì nạn săn bắn, bẫy bắt chim cò ở Diễn Châu vẫn không hề giảm.Khoảng tuần đầu tháng mười, tôi được xem đài VTV1 đưa tin về bà mẹ Vũ Thị Khiêm, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã có hơn 40 năm làm nghề chăm sóc, bảo vệ những đàn chim cò trong các khu vườn đồi ở quê bà.
Tôi cứ hình dung mãi cảnh tượng bà Khiêm nâng niu chăm chút những chú cò con run rẩy sau những trận mưa bão. Bà quả là một bà tiên với những cánh cò và những làn điệu dân ca; còn ở đất phủ quê tôi… Những cánh cò và những câu ca dao trắng muốt thì vẫn đang từng ngày nỉ non, rỉ máu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận