10/08/2016 11:01 GMT+7

​Cồn cát ven biển - hứa hẹn tài nguyên

Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường

Để khai thác hợp lý và bảo vệ môi trường cồn cát ven biển Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Bắc đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ quy hoạch phát triển bền vững dải cồn cát ven biển Nam Trung Bộ”.

Giàu có tài nguyên và tiềm năng kinh tế

Cồn cát ven biển là một dạng cấu trúc tự nhiên bảo vệ vùng nội địa bên trong bằng cách hấp thụ năng lượng của thủy triều, sóng và gió. Khu vực này cũng chứa đựng những tiềm năng tài nguyên rất có giá trị cả về kinh tế, văn hóa và khoa học. 

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là nơi có đất cát và cồn cát ven biển phân bố với diện tích lớn nhất cả nước. Tổng diện tích đất cát và cồn cát ven biển của cả nước là trên 500.000 ha, trong đó, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 264.981 ha. Bình Thuận là tỉnh có diện tích đất cát và cồn cát ven biển lớn nhất nước với 125.935 ha, trong đó, cồn cát đỏ là một thành tạo trầm tích đặc trưng của vùng ven biển cực Nam Trung Bộ có 77.960 ha.

Các dải cồn cát ven biển miền Trung có nguồn gốc và quá trình hình thành phức tạp và diễn ra trong khoảng thời gian dài, trên một không gian rộng. Quá trình tiến hóa thành hệ cát ven biển miền Trung gắn liền với sự dao dộng của mực nước biển trong kỷ Đệ Tứ. Cát ven biển miền Trung có nguồn gốc tại chỗ do sông và các dòng chảy lục địa đổ ra biển với một năng lượng lớn trong điều kiện mưa lũ liên tục. Cơ chế thành tạo cồn cát theo kiểu hình thành đê cát ven biển cộng sinh với các trầm tích lấp đầy dần vụng biển bên trong trong mỗi chu kỳ biển tiến, thoái. Tập hợp các tập cát sau 5 chu kỳ biển tiến, thoái tạo nên tầng cát hiện nay. Thành tạo cát đỏ Phan Thiết là một hiện tượng địa chất độc đáo của Việt Nam, chúng được hình thành trong môi trường biển có hoạt động của sóng mạnh.

Thảm thực vật tự nhiên trên các cồn cát chủ yếu là cây bụi với các loại cây có bộ lá cứng và dai, bộ rễ phát triển rất sâu để thích ứng với chế độ khô hạn. Rừng trồng trên dải đất cát, cồn cát ven biển chủ yếu là rừng phòng hộ với các loài cây phổ biến như phi lao, keo lai, xoan chịu hạn. Thảm thực vật trên đất canh tác là các loại hoa màu, cây lương thực, cây công nghiệp và cây ăn quả.

Khoáng sản có trữ lượng lớn nhất phân bố trong dải cồn cát ven biển là sa khoáng Titan. Dải cồn cát ven biển tỉnh Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng Titan lớn nhất nước, dự báo lên tới 558 triệu tấn; trong đó, khu vực ven biển huyện Bắc Bình có trữ lượng sa khoáng Titan đạt 142 triệu tấn. Các bãi cát, cồn cát ven biển trong vùng gắn liền với các hình thái địa hình đặc trưng khác tại vùng bờ biển là những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có sức hấp dẫn rất lớn để phát triển các khu du lịch, vui chơi giải trí.

Dễ bị tổn thương môi trường

Qua nghiên cứu cấu thành địa chất, các nhà khoa học cho biết, dải đất cát, cồn cát ven biển là một phần của đới bờ biển, các đặc điểm nội tại của chúng phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm của đới bờ. Dải đất cát, cồn cát ven biển là vùng đất không ổn định, nhạy cảm, dễ tổn thương. Mặc dù, là một loại hình đất đai cực kỳ mong manh nhưng cồn cát ven biển là một phần của nguồn tài nguyên cộng đồng ngày càng được ưa chuộng. Chính vì vậy, cồn cát ven biển đang được khai thác sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như phát triển dân cư, phát triển kinh tế (công nghiệp, nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, nước ngầm); giải trí và du lịch. Thực tế này, đã gây ra những tổn hại đáng kể và làm suy thoái môi trường sống cồn cát ven biển, dẫn đến những cảnh báo về một trong những môi trường sống đe dọa nhiều nhất.

Các nhà khoa học đã tiến hành một thực nghiệm quan trắc biến động cồn cát ven biển tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Kết quả quan trắc biến động cồn cát, trên cơ sở kết hợp giữa biện pháp đo đạc ngoài thực địa với việc phân tích, giải đoán ảnh viễn thám của khu vực, đã xác định được khoảng cách dịch chuyển trung bình năm của cồn cát trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2009 dao động trong khoảng từ 0,2 - 1,0m/năm đến 0,5 - 1,7m/năm, lớn nhất tới 2 - 3m/năm. Tương ứng diện tích cồn cát mở rộng thêm 169,4ha. 

Trên cơ sở đó, đã đưa ra dự báo về biên độ dịch chuyển cũng như hướng di chuyển của cồn cát trong những năm tới (trong điều kiện không áp dụng các giải pháp ngăn chặn, hạn chế); trong đó, đặc biệt lưu ý hướng di chuyển của cồn cát với xu thế lấp dần 2 hồ nước Bàu Trắng và Bàu Sen. Những kết luận và dự báo về tác động cũng như khả năng di chuyển của cồn cát sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác quy hoạch phát triển, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường của khu vực.

Quy hoạch khai thác hợp lý

Qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã đề xuất định hướng quy hoạch sử dụng bền vững cồn cát ven biển, đó là: khi lập quy hoạch khai thác sử dụng vùng ven biển nói chung và dải cồn cát ven biển nói riêng là đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tức là phải đảm bảo yêu cầu: phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường - môi sinh. 

Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã nêu rõ nguyên tắc chính để phát triển bền vững về môi trường là: bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường phải được coi là một yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển. Đồng thời, Quy hoạch phát triển bền vững khu vực dải cồn cát ven biển cần được xuất phát trên quan điểm bền vững về sinh thái. Mục tiêu của quy hoạch phải nhằm vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị tài nguyên của vùng ven biển, bao gồm: các giá trị về tự nhiên, các giá trị về kinh tế, các giá trị về lối sống, các giá trị về văn hóa, các giá trị về cảnh quan. Trong việc lập quy hoạch phải xem xét kết hợp hài hòa giữa các lợi ích về phát triển về kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn dải cồn cát ven biển. Nội dung lập quy hoạch đã nhấn mạnh yêu cầu phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dự báo khả năng khai thác, bảo vệ chúng cần nêu rõ những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, môi trường và các hệ sinh thái đặc thù của khu vực dải cồn cát ven biển…

Từ nghiên cứu khoa học này, các nhà khoa học đã cùng cơ quan quản lý đã xây dựng được bản dự thảo “Hướng dẫn lập quy hoạch phát triển bền vững dải cồn cát ven biển”; đồng thời, đã áp dụng để lập “Quy hoạch phát triển bền vững khu vực ven biển huyện Bắc Bình đến năm 2020”. Đồng thời, để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác sử dụng dải cồn cát ven biển ngày càng hiệu quả ở tất cả các địa phương, cần thiết phải áp dụng bản hướng dẫn trên cho việc xây dựng quy hoạch phát triển cho các vùng cồn cát ven biển khác trên cả nước.

Nguồn: Bộ Tài nguyên & Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: cồn cát