11/12/2016 09:47 GMT+7

“Còn bạo lực, đừng mơ đến chức vô địch”

SĨ HUYÊN GHI
SĨ HUYÊN GHI

TT - Cựu tuyển thủ Minh Phương đã nói như thế về thất bại của tuyển VN ở AFF Cup 2016. Trong 5 trận đấu tại AFF Cup 2016, tuyển VN nhận 2 thẻ đỏ, 2 quả phạt đền. Một lần nữa, tuyển VN lại xuất hiện với “gương mặt xấu xí”...

Từ đây, nhiều chuyên gia, HLV, cựu tuyển thủ đã đề xuất những biện pháp về việc loại bỏ tình trạng bạo lực này để mang lại cái đẹp cho bóng đá Việt trên sân cỏ trong cũng như ngoài nước.

Cựu tuyển thủ

Minh Phương:

Bạo lực “di căn” từ V-League đến đội tuyển

Đằng sau thất bại của tuyển VN ở AFF Cup vừa qua là hình ảnh thi đấu thô bạo, phản ứng trọng tài một cách thái quá trên sân cỏ. Đó là sự “di căn” từ V-League đến đội tuyển quốc gia. “Di căn” ấy bắt nguồn từ trọng tài với thái độ xuê xoa, thiếu nghiêm khắc, bỏ qua những lỗi thuộc về hành vi của cầu thủ. Lâu ngày, những sai lầm ấy đã trở thành cố tật của các cầu thủ và trở thành tai họa khi họ khoác áo tuyển VN thi đấu những giải đấu quốc tế.

Thói quen chơi bóng bạo lực ở V-League đã làm hại đội tuyển VN ở AFF Cup 2016. Ảnh: S.H

 

Thời gian qua, LĐBĐVN (VFF) và ban tổ chức các giải đấu trong nước dù đưa ra nhiều án phạt nhưng chưa thật thuyết phục, tính răn đe không tới nơi tới chốn. Từ đó, nhiều cầu thủ chơi bóng trên sân cỏ với ý đồ triệt hạ đối phương hơn là khuất phục đối phương bằng tài năng. Thật buồn khi vẫn còn một số người có trách nhiệm biện minh đó là thái độ thi đấu máu lửa. Chơi bóng đá cần phải máu lửa, điều đó đúng, nhưng thái độ máu lửa ấy không thể vượt ra khỏi khuôn khổ của luật bóng đá.

Tại AFF Cup 2016, ở trận bán kết lượt đi với Indonesia, Trọng Hoàng xứng đáng nhận thẻ đỏ sau cú bay người vào bóng bằng cả hai chân. Ngọc Hải cũng xứng đáng phải rời sân với pha bóng cản người trái phép trong vòng cấm và hành vi phản ứng trọng tài hết sức hung hăng...

Vì vậy, đừng than thở tuyển VN thua vì thiếu may mắn, mà hãy thừa nhận những bàn thua, những chiếc thẻ đỏ vừa rồi là do lỗi của hành vi chơi bóng thô bạo. Còn chơi thứ bóng đá xấu xí này, tuyển VN đừng mơ đến việc đăng quang ở SEA Games hay AFF Cup.

l HLV Vương Tiến Dũng:

Phải lập lại kỷ cương trên sân cỏ

Nếu cho rằng lối chơi thô bạo là một vấn nạn của bóng đá VN thì e rằng hơi nặng lời. Tuy nhiên, tôi không thể sử dụng từ ngữ nào khác hơn để nói đến một thực tế tồn tại dai dẳng trên sân cỏ nước nhà.

Lỗi do ai? Theo tôi, lỗi do bộ máy lãnh đạo của bóng đá VN. Thật vậy, bóng đá VN không thiếu những án phạt dành cho cá nhân phạm lỗi nhưng án phạt ấy chưa đủ sức răn đe đến mức làm cho cầu thủ phải suy nghĩ trước khi tung chân. Tệ hơn nữa, sau khi ban hành án phạt là quyết định giảm án với đủ mọi kiểu xin xỏ hay sử dụng áp lực đến từ nhiều phía.

Theo tôi, sự thô bạo trên sân cỏ Việt tồn tại bởi sự dung dưỡng của lãnh đạo CLB, của HLV trưởng. Thời còn hành nghề, tôi từng biết và từng nghe nhiều quan chức CLB và cả HLV trưởng cổ xúy cầu thủ hãy đá rắn, đá rát, thậm chí là thô bạo, miễn sao đội bóng có thành tích là được! Tôi thật sự xấu hổ khi trong nghề đá bóng có những người như vậy.

Không quá khó trong việc lập lại kỷ cương trên sân cỏ bằng những quy định chặt chẽ hơn, xử phạt nghiêm khắc hơn như: treo giò nhiều trận, phạt tiền thật nặng, cấm khoác áo các đội tuyển quốc gia và nếu vẫn còn tái phạm thì đình chỉ thi đấu vài năm hoặc vĩnh viễn. May ra với những án phạt như vậy mới có thể triệt tiêu hình ảnh xấu xí của bóng đá VN và để loại trừ kiểu thất bại như ở AFF Cup vừa qua.

l Một trọng tài kỳ cựu

(đề nghị không nêu tên):

Cầu thủ Việt rất mơ hồ về luật

Đa số các phản ứng của cầu thủ đối với trọng tài đều do không hiểu luật, không có tri thức bóng đá hay hiểu về luật bóng đá một cách mơ hồ. Rất nhiều trưởng đoàn, HLV và cầu thủ luôn đòi hỏi được hưởng phạt đền khi cầu thủ của họ bị cản ngã trong vòng cấm, đòi hỏi trọng tài phải rút thẻ vàng, thẻ đỏ với cầu thủ đối phương khi phạm lỗi trong vòng cấm...

Đó là những đòi hỏi không đúng luật, nói cách khác là họ không hề biết về lỗi hành vi mà FIFA đã quy định. Tôi có thể dẫn chứng lỗi hành vi qua hình ảnh trung vệ Ngọc Hải sửng cồ, nhào đến phân bua cùng trọng tài với vẻ mặt hết sức hung hãn khi anh ta cản té Boaz Salossa (Indonesia) ở trận lượt đi. Vừa phạm lỗi 12 khá nguy hiểm, vừa phản ứng thái quá như vậy, thẻ đỏ với Ngọc Hải là hoàn toàn xứng đáng bởi cùng lúc phạm tới hai lỗi hành vi.

Luật FIFA tuy cấm cầu thủ phản ứng trọng tài nhưng cầu thủ được quyền phân bua một cách nhẹ nhàng, có văn hóa và nắm vững về kiến thức của luật bóng đá. Vận dụng đúng quy tắc các ứng xử nói trên, tiền vệ Xuân Trường đã hành xử hết sức có văn hóa với trợ lý trọng tài 1 ở trận bán kết lượt về VN - Indonesia về tình huống mà trọng tài chính thổi phạt đền vào phút 105 và sau đó quả phạt 11m đã bị hủy bỏ. Có lẽ, lần đầu tiên trong đời làm trọng tài, tôi mới gặp được hình ảnh phản ứng trọng tài một cách có văn hóa, vững chắc về luật bóng đá của một cầu thủ trẻ.

Chúng tôi mong chờ bóng đá đẹp

Ông Trần Hữu Nghĩa, chủ tịch Hội Cổ động viên VN, nói: “Theo chân đội tuyển VN, chúng tôi luôn chờ mong được chứng kiến những pha bóng hay, những bàn thắng đẹp cùng lối chơi lăn xả, quyết liệt. Quyết liệt là cần thiết trong thi đấu, nhưng đó phải là lối chơi hợp luật chứ không được biến thành sự cứng rắn hay thô bạo. Không một ai có thể chấp nhận cách vào bóng bằng gầm giày rất dễ làm chấn thương cho đồng nghiệp như cách Trọng Hoàng đã làm. Và cũng không CĐV nào chấp nhận được hành động cố tình đá vào lưng đối phương theo kiểu của Nguyên Mạnh. Sự thô bạo này là một thực tế tồn tại từ V-League năm này sang V-League năm khác mà chưa có cách chữa trị hữu hiệu. Bao giờ CĐV Việt mới được thưởng ngoạn trọn vẹn thứ bóng đá đẹp trên sân cỏ?”.

Hành vi bạo lực luôn bị phạt nặng

Ở Giải ngoại hạng Anh, khi phạm lỗi bị thẻ đỏ trực tiếp thường được chia làm 3 bậc xử phạt như sau:

- Phạm lỗi ngăn cản cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương: cấm thi đấu 1 trận.

- Tấn công/xúc phạm/có cử chỉ thóa mạ: cấm 2 trận.

- Phạm lỗi nguy hiểm/hành vi bạo lực/nhổ nước bọt vào người khác: cấm 3 trận.

Đây chỉ là mức phạt cơ bản, cầu thủ có thể bị phạt nặng hơn trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc khi tái phạm. Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Sergio Aguero - người đã nhận thẻ đỏ trực tiếp vì pha phạm lỗi nguy hiểm mang tính triệt hạ với David Luiz trong trận Manchester City - Chelsea hồi tuần rồi.

Án phạt thông thường dành cho pha phạm lỗi này là cấm 3 trận nhưng Aguero bị cấm đến 4 trận vì trong tháng 9 anh từng bị cấm 3 trận do giật chỏ vào mặt hậu vệ Winston Reid trong trận gặp West Ham. Đáng nói là hành vi này của Aguero không bị trọng tài phát hiện lúc đó nhưng anh vẫn phải nhận một án phạt nguội sau khi ống kính truyền hình đưa ra bằng chứng sau trận. Việc tái phạm hành vi bạo lực trong trận gặp Chelsea đã khiến Aguero bị phạt nặng hơn.

Việc phạt tiền đối với cầu thủ không có quy định rõ ràng, tùy theo quyết định của ban tổ chức sau khi xem xét hành vi phạm lỗi. Ở World Cup 2014, trung vệ Pepe của Bồ Đào Nha tuy chỉ bị cấm 1 trận sau pha húc đầu vào Thomas Muller nhưng lại bị phạt tiền đến 12.300 euro. Trong khi đó, các CLB bị quy định rõ ràng về mức phạt cho hành vi sai trái của cầu thủ. Chẳng hạn với các CLB ở Premier League, mức phạt sẽ là 25.000 bảng Anh cho một cầu thủ bị phạt.

 

SĨ HUYÊN GHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên